Vai trò của nữ giới được khẳng định

Tỷ lệ nữ giới tham gia vào các vị trí chủ chốt, quan trọng của các cấp ủy, hệ thống chính trị - xã hội ngày càng tăng. Nhiều gương phụ nữ làm kinh tế giỏi, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng đã khẳng định được vị thế trong gia đình và xã hội.

Bác sĩ ở y tế cơ sở khám bệnh cho bệnh nhi

Chưa tương xứng

Tổng số đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nữ trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp toàn tỉnh là 18.927/29.805 người (chiếm tỷ lệ 63,5%). Thời gian qua, tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện để phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị, quản lý, lãnh đạo dần tăng cao. Nhờ đó, chất lượng và hiệu quả hoạt động của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng được nâng lên.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, toàn tỉnh có 1.386 nữ/3.915 đồng chí quy hoạch ban chấp hành đảng bộ các cấp (chiếm tỷ lệ 35,4%); 111 nữ/1.160 đồng chí quy hoạch ban thường vụ các cấp (chiếm tỷ lệ 9,57%); có 51 nữ/372 đồng chí quy hoạch giám đốc, phó giám đốc các sở, ban, ngành (chiếm tỷ lệ 13,7%). Có khoảng 40 cán bộ nữ được đề bạt, bổ nhiệm vào cương vị lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh.

Số lượng cán bộ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 các cấp hầu hết đều tăng so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, cấp tỉnh 7/50 đồng chí (chiếm tỷ lệ 14%), giảm 1% so với nhiệm kỳ trước; cấp huyện 64/350 đồng chí, tăng 5%; cấp cơ sở 478/2.253, tăng 3,8%. Số lượng nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cũng tăng lên. Trong đó, cấp tỉnh 7/51 đại biểu, tăng 0,5% so với nhiệm kỳ trước; cấp huyện 77/288 đại biểu, tăng 3,6%; cấp xã 781/3.295 đại biểu, tăng 0,2%.

So với các chỉ tiêu đề ra thì tỷ lệ cán bộ nữ được quy hoạch, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý còn thấp và thấp hơn so với quy định của Trung ương, chưa tương xứng với tiềm năng của lực lượng nữ trong tỉnh. Ở một số ngành, lĩnh vực, cán bộ nữ có xu hướng giảm, thiếu nguồn cán bộ nữ quy hoạch bổ sung, kế cận, nhất là ở các ngành có tỷ lệ lao động nữ lớn như ngành giáo dục, y tế.

Theo Sở Nội vụ, công tác tạo nguồn cán bộ nữ cần đặt trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chung của cấp ủy và chính quyền các cấp, nâng cao tỷ lệ đảng viên là nữ. Có kế hoạch bố trí, phân công công tác hợp lý; ưu tiên trong việc đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ nữ có điều kiện phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Chú trọng lựa chọn, bồi dưỡng những nhân tố tích cực, có triển vọng để tạo nguồn cho những vị trí lãnh đạo cao hơn trong đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý đương chức các cấp nhằm tiếp tục nâng cao tỷ lệ nữ tham gia vào lĩnh vực chính trị ở địa phương.

Theo đại diện Sở Văn hóa - Thể thao, để nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ cần tiếp tục quan tâm triển khai xây dựng gia đình văn hóa. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 299.270 gia đình đăng ký thực hiện, trong đó có 279.089 gia đình được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa". Công tác xây dựng gia đình văn hóa được thực hiện gắn với các tiêu chí xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Trong đó, mỗi gia đình đảm bảo tiêu chí "Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng". Để được công nhận là gia đình văn hóa, các gia đình phải tuân thủ nhiều tiêu chí, chẳng hạn chỉ cần để xảy bạo lực gia đình (BLGĐ) bị xử phạt hành chính thì không được xét tặng danh hiệu...

Tạo môi trường để phụ nữ phát huy, thể hiện

Thừa Thiên Huế hiện đang duy trì hoạt động của 30 mô hình phòng, chống BLGĐ; 153 Câu lạc bộ (CLB) gia đình phát triển bền vững; 278 Nhóm phòng, chống BLGĐ; 537 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng và 224 đường dây nóng tại các thôn, tổ dân phố. Hoạt động của CLB gia đình phát triển bền vững và Nhóm phòng, chống BLGĐ với sự phối hợp của các cơ quan, hội, đoàn thể đã thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống BLGĐ bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú. Qua đó, nhận thức của Nhân dân về trách nhiệm xây dựng, củng cố gia đình ngày càng no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc có nhiều chuyển biến tích cực.

Số vụ BLGĐ trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể, không có những vụ bạo lực nghiêm trọng xảy ra. Năm 2010, toàn tỉnh xảy ra 425 vụ BLGĐ, nạn nhân là nữ có 400 người (chiếm 94%). Đến cuối năm 2022, có 49 vụ được thống kê báo cáo, nạn nhân là nữ có 41 người. Qua đó đã xử phạt hành chính, chăm sóc, tư vấn, hỗ trợ sau khi bị bạo lực, tổ chức hòa giải, tư vấn kiến thức về phòng, chống BLGĐ.

Các tổ chức đoàn thể, trong đó chủ đạo là các cấp hội phụ nữ đã chú trọng ưu tiên vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Từ đó đã hỗ trợ rất nhiều chị em phụ nữ chủ động hơn trong tham gia phát triển kinh tế, làm chủ kinh tế, từng bước giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 10 hợp tác xã do phụ nữ trực tiếp quản lý hoặc là thành viên trong ban quản lý, 125 tổ liên kết, 21 tổ hợp tác, sản xuất kinh doanh an toàn, hữu cơ, phát huy tài nguyên bản địa.

Phụ nữ cũng ngày càng tự tin, dám nói thẳng, nói thật và dần thoát khỏi "vỏ bọc" phái yếu nhờ tham gia các hoạt động, diễn đàn, hội thi như: "Phụ nữ với bình đẳng giới, phòng, chống BLGĐ", "Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống", "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương"; "Tiếng nói phụ nữ"; "Nam giới chia sẻ việc nhà", "Đừng im lặng, hãy lên tiếng"...

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phan Minh Nguyệt cho rằng, để thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về gia đình và công tác phòng, chống BLGD, toàn hệ thống chính trị cần triển khai thực hiện có hiệu quả các luật, văn bản, chính sách liên quan; đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ, phòng ngừa BLGĐ, triển khai và nhân rộng các mô hình phòng, chống BLGĐ tại cộng đồng...

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/phu-nu/vai-tro-cua-nu-gioi-duoc-khang-dinh-136740.html