Vai trò của kinh tế tuần hoàn trong thực hiện mục tiêu Net Zero của Việt Nam

So với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, việc thúc đẩy các hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng '0' chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp.

Chính phủ đặt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, xây dựng kinh tế cacbon thấp. Để đạt được mục tiêu trên, cộng đồng doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác, tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường. So với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, việc thúc đẩy các hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp.

VietNamNet giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Đình Đáp, Viện Địa lí nhân văn - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về chủ đề này.

Phát thải ròng bằng 0: từ cam kết đến hành động của Việt Nam

Tại Hội nghị COP26, việc Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế. Qua đó, khai thông cơ hội cho quốc gia tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban chỉ đạo. Các bộ, cơ quan liên quan đã tập trung xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện cam kết.

Đến nay, các bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030… Một số bộ, ngành đã xây dựng kế hoạch hành động của ngành triển khai cam kết tại COP26.

Nhiều bộ, ngành đã ký kết các thỏa thuận hợp tác thực hiện cam kết COP26 với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Bộ Môi trường Hàn Quốc, Bộ Khoa học Trái đất Ấn Độ, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng Citi Bank, Ngân hàng BIDV; xúc tiến trao đổi với Ngân hàng HSBC, Ngân hàng Standard Chattered về các nội dung hợp tác để triển khai các cam kết của COP26. Các định chế tài chính trong và ngoài nước như ADB, CitiBank, HSBC, SCB, BIDV, IFC… cũng đang hỗ trợ Việt Nam triển khai các cam kết tại COP26.

Các địa phương đã nhận thức và tổ chức triển khai, quán triệt về các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 thông qua thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH; tăng cường năng lực và nhận thức của đội ngũ cán bộ; tuyên truyền các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng các nguồn năng lượng xanh; đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở trên địa bàn thuộc đối tượng phải kiểm kê khí nhà kính xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh.

Các Tổng công ty, Tập đoàn Nhà nước bước đầu đã nghiên cứu và giảm dần các nguồn năng lượng hóa thạch. Các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân trong nước cũng hành động ngay cùng Chính phủ. Một số tập đoàn đa quốc gia sẵn sàng hợp tác với các cơ quan thuộc Chính phủ để thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” trong các hoạt động của doanh nghiệp.

Như vậy, trong thời gian ngắn kể từ Hội nghị COP26 đến nay, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan có liên quan đã triển khai nhiều hành động thực hiện cam kết, nhận được sự ủng hộ vào cuộc của các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, các địa phương và doanh nghiệp. Việc thực hiện mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP26 đòi hỏi phải quyết tâm, nỗ lực cao; huy động mọi nguồn lực, toàn xã hội, toàn dân vào cuộc, trong đó kết nối và vận động thu hút nguồn lực từ quốc tế, các dòng tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế là rất quan trọng.

Kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm lượng rác thải phát sinh ra môi trường.

Kinh tế tuần hoàn giúp giảm phát thải khí nhà kính

Như đã trình bày, tại COP26 các quốc gia đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 để giữ cho mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này. Trong đó, chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch, tái tạo là trọng tâm.

Tuy nhiên, theo nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Quỹ Ellen Macarthur, chuyển đổi năng lượng, cùng với tiết kiệm sử dụng hiệu quả năng lượng chỉ đóng góp được 55% cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, còn 45% nằm ở các giải pháp kinh tế tuần hoàn.

Quỹ Ellen Macarthur đã tính toán và đưa ra ví dụ minh họa: Thế giới có thể giảm 38% lượng khí thải từ vật liệu xây dựng vào năm 2050 bằng cách loại bỏ chất thải trong các tòa nhà và quá trình xây dựng, chia sẻ mục đích sử dụng các tòa nhà nhiều hơn; tái sử dụng và tái chế vật liệu xây dựng. Tương tự như vậy, có thể giảm một nửa lượng khí thải từ hệ thống thực phẩm vào năm 2050 thông qua các biện pháp tuần hoàn trong nông nghiệp.

Do vậy, việc áp dụng các nguyên tắc loại bỏ chất thải và ô nhiễm, lưu thông các sản phẩm, nguyên liệu và tái tạo thiên nhiên trong mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp, nông nghiệp. Cụ thể là việc giảm thiểu và loại bỏ chất thải và ô nhiễm sẽ giảm phát thải khí nhà kính trong toàn bộ chuỗi giá trị bằng cách luân chuyển, thu giữ lại năng lượng có trong các sản phẩm và vật liệu, tái tạo tự nhiên giúp cô lập và thu giữ được carbon.

Kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro cho doanh nghiệp về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng...

Xã hội sẽ được hưởng lợi nhờ giảm chi phí trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân...

Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ mô hình tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn bước đầu sẽ gặp khó khăn nhất định, trong bối cảnh Việt Nam còn thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy và nguồn lực, công nghệ tái chế, tái sử dụng còn hạn chế.

TS. Nguyễn Đình Đáp

Viện Địa lí nhân văn - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vai-tro-cua-kinh-te-tuan-hoan-trong-thuc-hien-muc-tieu-net-zero-cua-viet-nam-2242240.html