Vai trò của Bồ Tát trong đời sống

Tát có vai trò cưc kỳ quan trọng, phát tâm thật vững chãi, lý tưởng thật rộng lớn để hoằng pháp độ sinh, giúp đời - hộ đạo.

Bồ Tát có vai trò cưc kỳ quan trọng, phát tâm thật vững chãi, lý tưởng thật rộng lớn để hoằng pháp độ sinh, giúp đời – hộ đạo.

Tác giả: Thích Quảng Tâm
Học viên K.2 chuyên ngành Hán Nôm – HVPGVN tại Huế.

Bản chất cốt tủy của bồ tát là lòng đại từ bi, tất cả chúng sinh là đối tượng của lòng từ bi, lòng từ bi là nền tảng của tất cả hành động.

Các định nghĩa về danh từ bồ tát, danh xưng bồ tát vì có thể chưa đủ bao hàm được hết ý nghĩa thực của hạnh bồ tát, hành động bồ tát trong cuộc sống.

Một vị khi đã dẫn thân vào con đường phục vụ chúng sinh, thì con đường đó đâu phải lúc nào cũng êm đềm phẳng lặng, luôn có sẵn mọi điều kiện thuận lợi, được mọi người ủng hộ, chào đón, khen tặng mà bởi vì cõi đời vốn gập gềnh, lòng người đầy những mưu mô và hành trình luôn đầy những chướng ngại. Do vậy, nếu không phát khởi Đại Bi tâm thì thật khó để hành đạo bồ tát, lý tưởng đó chỉ là lý tưởng cùn, nhanh lên mà chóng tàn.

Một vị bồ tát không chỉ sống cho riêng mình mà còn sống cho tha nhân. Luôn luôn hoạt động làm việc không biết mệt, không biết chán, chỉ với mục tiêu đem lại an lạc cho mọi người. Chẳng màng tới sự khen tặng, thản nhiên trước sự hủy báng, chê bai. Lý tưởng của vị bồ tát là quên mình trong khi phục vụ kẻ khác, luôn ước mong sự tốt đẹp và an lành cho thế gian.

Hành trang để thực hiện lý tưởng cao đẹp ấy, ngoài những đức tính từ bi hỷ xả, nhẫn nhục, vì bồ tát hiểu rằng “Lực của người dẫn đạo là pháp nhẫn”. Bị nhục mạ nhưng không nhục mạ lại, bị đánh đập nhưng không đánh trả lại, bị làm phiền nhưng không gây phiền nhiễu cho ai, luôn giữ đức khiêm cung, khoan hồng, âm thầm chiu đựng tất cả lỗi lầm của kẻ khác, rồi từ từ vận dụng phương tiện khéo léo để dẫn dắt chúng sinh vào đạo. Đó chính là mục tiêu là lý tưởng mà mỗi vị bồ tát cần trang bị để vào đời.

Đầu tiên ta phải xác định vai trò của mình thật rõ ràng, với vai trò là người giúp đỡ người khác, thì bố thí trong Tứ Nhiếp Pháp là bố thí vật chất, vì sao? Rất rõ ràng đối tượng mà chúng ta muốn giúp đỡ đa phần là những người chưa hề biết pháp Phật là gì, nếu họ hiểu pháp rồi thì mình giúp có ích gì nữa.

Vận dụng thiện xảo để hóa độ chúng sinh, đầu tiên tặng họ một món quà hay lắng nghe họ một lời sau đó mới tiếp xúc gần gũi, kết thân từ đó mới bắt đầu định hướng chuyển hóa đúng cách cho tâm của họ. Bố thí trao cơ bản nhất là cho đi vật chất, thì yếu tố ban đầu này giúp chúng ta cùng hệ quy chiếu với họ mới có thể thân cận và gần gũi được.

Thân gần thì giúp đỡ về mặt tiền bạc, vật chất, ăn uống dễ làm, nhanh có kết quả, nhưng đưa đến sự thỏa mãn cho người nhận, có thể gây hại.

Thân xa thì giúp họ có nghề nghiệp, có công ăn việc làm ổn định, phương pháp này gọi là cho cần câu chứ không phải là con cá, nó khá hơn ở trên, nhưng tốt xấu lâu dài chưa rõ. Nó mới chỉ là cung cấp thức ăn của thân chứ chưa có thức ăn của tâm, dễ đưa đến nguy hại.

Ví dụ như làm thiện nguyện cho xóm nghèo định kỳ 200 phần quà, năm nào cũng làm. Thử hỏi xóm đó có thoát nghèo không hay vẫn nghèo như xưa? Bởi thế cho đi là tốt, nhưng nó chỉ tốt cho mình, còn người nhận thì tâm tham ngày càng sâu dày hơn, sự ỷ lại ngày càng lớn. Nên càng cho nhiều thì họ càng tham, càng nghèo bền vững. Còn giúp họ có công việc ổn định thì ban đầu rất tốt nhưng làm càng có lợi thì bắt đầu sinh ra các tật xấu, tăng trưởng tự ngã càng cao, tính ích kỷ càng dày.

Cho họ tiền có thể khiến họ gây nghiện nhưng không thoát nghèo. Cho họ cần câu, khả năng thành công cao và xu hướng thoát nghèo khả quan hơn nhiều, nhưng không có đạo đức thì giàu lên dễ sinh tật. Giúp đỡ như vậy đúng hay sai? Không khéo làm việc lành mà đưa đến khổ quả.

Phương pháp giúp đỡ tốt nhất, đưa đến lợi lạc cho mình và người chính là trao truyền đạo đức, lý tưởng sống hay truyền tải đạo lý, chân lý cho người. Nên cho thức ăn của thân là giai đoạn đầu để thân cận, gần gũi, sau đó phải biết “kẹp giáo dục”.

Lòng tốt mà thiếu đi vai trò của trí tuệ thì không thể đi xa được, cần cả một tiến trình chứ không phải chỉ một hai ngày là có kết quả liền. Đồng sự là cách gặp lại người nhiều nhất, là yếu tố vô cùng quan trọng trong quá trình chuyển hóa nhận thức của người khác.

Muốn có đồng sự tốt không thể thiếu hai yếu tố là hiểu và thương tức là chính kiến và từ bi. Thông qua sự gần gũi người chúng ta có thể lắng nghe, dùng lời nói hòa ái khuyên lơn, chỉ bảo họ cách nào đưa đến an lạc và nhất là làm sao để tâm họ luôn tràn đầy thức ăn đúng cách.

Với ý nghĩa thu phục lòng người vì mục đích an vui và hạnh phúc cho bản thân và tha nhân chứ không vì mục tiêu tư lợi cá nhân nào, đó mới là tinh thần của đạo Phật, là lý tưởng của hạnh nguyện bồ tát. Tuy nhiên, trong quá trình hóa độ thì nếu thấy có khả năng nên hướng đến chuyển hóa những đối tượng có tầm ảnh hưởng.

Ví như giúp đỡ một cô lao công so với một anh chàng giám đốc bệnh viện thì bên nào lợi hơn, cô lao công có thể được lợi lạc nhưng sự ảnh hưởng của cô thì không bao nhiêu, trong khi đó chỉ cần chuyển hóa được ông chủ thì biết bao nhiêu người được lợi lạc. Không phải chúng ta dùng tâm phân biệt, nhưng nếu làm gì lợi mình mà lợi người cho số đông thì nên chọn lựa mà làm.

Trong lịch sử Phật giáo, ngay từ buổi ban đầu, chúng ta thấy sau khi thành đạo thì đức Phật đã hóa độ cho nhiều vị có chức trách trong xã hội, đem lại biết bao nhiêu lợi ích lớn lao, để từ đó thuận lợi trong quá trình hoằng hóa độ sinh của Ngài và tăng chúng đương thời.

Thế giới luôn biến động, xã hội luôn thay đổi, nhưng thời nào thì mối liên hệ giữa con người với con người phải là mối quan hệ nhân bản. Tri thức con người ngày càng tiến bộ, xã hội ngày càng phát triển, các thành tựu khoa học đem lại lợi ích rất lớn, kéo theo đó là sự hưởng thụ và tìm cách thỏa mãn các giác quan, bỏ mất yếu tố đạo đức căn bản, đưa đến nhiều sự biến chất trong cuộc sống.

Môi trường đào tạo thời nay chỉ dạy cho mọi người ngành nghề kiếm ra nhiều tiền, dạy cách tăng trưởng kinh tế theo các số liệu thống kê mà ít khi dạy cách làm người, dạy cách sống nhân bản.

Giáo dục trong Phật giáo chính là hệ thống giáo dục chuẩn mẫu, vì sao? Một đường hướng giáo dục tồn tại suốt mấy chục thế kỷ cho tới bây giờ vẫn không thay đổi, thì phải biết sự đúng đắn và phù hợp với mọi thời đại, mọi con người. Trong đó yếu tố đạo đức luôn được nhấn mạnh, thử hỏi một đất nước mà ai cũng tôn trọng và giữ gìn 5 giới, thì khỏi phải nói sự an bình, hạnh phúc nó lớn ra sao, huống gì là cả thế giới đều tôn trong và thực hành, thì ngay đó là thiên đường là cõi cực lạc chứ đâu xa nữa.

Vai trò của vị bồ tát trong cuộc đời cực kỳ quan trọng, phải phát tâm thật vững chãi, mới có thể thực hiện lý tưởng rộng lớn của mình được. Tại sao mình đi xuất gia? Đi xuất gia để làm gì? Xuất gia vì lòng tham hay vì lợi ích cho nhiều người?

Phải luôn trăn trở nhiều lần, từ đó mới có định hướng đúng đắn, mới thật sự là người kiểu mẫu được, vì muốn dạy đạo đức, thì chính bản thân chúng ta phải có đạo đức, từ đó lời nói và hành vi mới có thể tác động và thay đổi người khác được.

Tác giả: Thích Quảng Tâm
Học viên K.2 chuyên ngành Hán Nôm Phật học – Học viện PGVN tại Huế

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/vai-tro-cua-bo-tat-trong-doi-song.html