Vai gầy gồng gánh mưu sinh

Được tạo hóa ban cho thiên chức làm mẹ, người phụ nữ lúc nào cũng như muốn ôm trọn gian lao để chắt chiu cho con cái những đủ đầy.

Hơn hết, phụ nữ luôn là người vất vả nhất trên những chặng mưu sinh. Được tạo hóa ban cho thiên chức làm mẹ, người phụ nữ lúc nào cũng như muốn ôm trọn gian lao để chắt chiu cho con cái những đủ đầy. Tháng 10, gió heo may ùa về mang theo cái lạnh đầu Đông. Trong tiết trời se sẽ ấy, chúng ta càng yêu thương những người mẹ, người chị, những đôi vai gầy quẩy cả gánh áo cơm cho gia đình…

Một người phụ nữ bán hàng rong ở khu vực chợ Thái (TP. Thái Nguyên). Ảnh: Mạnh Hùng

Tần tảo sớm hôm

Đã bước sang tuổi 72 nhưng hôm nào bà Vũ Thị Hiền, tổ 9, phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên), cũng dậy từ rất sớm, ra chợ đầu mối Túc Duyên mua các loại rau, củ, quả về bán lẻ.

Xuất thân là cô thôn nữ, quanh năm gắn bó với đồng ruộng, bà Hiền là người “hay lam hay làm”. Từ ngày lấy chồng rồi sinh liền tù tì 5 cậu con trai, thóc gạo làm ra từ một mẫu ruộng của gia đình không đủ nuôi đàn con đang tuổi ăn, tuổi lớn; số tiền chồng bà kiếm được từ việc đi làm thợ xây cũng không đủ đóng học cho các con. Vì lẽ ấy, từ những năm 90, người phụ nữ này đã trồng rau xanh và mua buôn thêm nhiều loại rau ở chợ đầu mối Túc Duyên về bán lẻ kiếm thêm thu nhập. Bà cho hay: Hồi còn trẻ, ngày tôi đi bán rau ngoài chợ xép, tối tôi lại tranh thủ thời gian nuôi thêm con lợn, con gà và duy trì việc cấy hái…

Hơn 40 năm qua, người phụ nữ ấy đã gồng gánh gia đình đi qua bao khó khăn. Kể cả khi chồng bà đau ốm liên miên rồi qua đời cách đây 5 năm, người phụ nữ này vẫn là điểm tựa vững chắc, chăm lo cho các con học hành. Rồi cũng một tay bà lo dựng vợ cho những cậu con trai của mình.

Bà tâm sự: Nay tuổi đã cao nhưng tôi vẫn thấy mình còn đủ sức khỏe để kiếm tiền, tự lo cho bản thân. Tôi không muốn các con phải bận tâm quá nhiều về mình. Hơn nữa, hằng ngày đi chợ bán hàng, được gặp gỡ, trò chuyện cùng mọi người, lại có thu nhập ổn định, tôi thấy mỗi ngày, tuổi già của tôi trôi qua thật vui vẻ.

Bà Vũ Thị Hiền, 72 tuổi, tổ 9, phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên), bán rau nuôi đàn con trưởng thành.

Bà Hiền thuộc lớp người đi qua những năm gian khó của đất nước nên dường như có sự bền bỉ và sức chịu đựng lớn lao. Tuy nhiên, với thế hệ phụ nữ sau này, nhiều người cũng không ngại khó, ngại khổ, mang trên mình gánh nặng của cả gia đình.

Điển hình trong số ấy là chị Nguyễn Thị Quế, 42 tuổi, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên). Sinh ra, lớn lên ở Nam Hòa (Đồng Hỷ), năm 2004, chị Quế theo chồng về làm dâu ở mảnh đất Túc Duyên. Tiếng là một phường nằm ven thành phố nhưng bao đời nay, nhiều hộ dân ở Túc Duyên vẫn “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” cấy lúa, trồng rau và hoa để có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Từ khi về làm dâu “nhà người ta”, chị Quế quanh năm làm lụng, vụ Xuân - Hè trồng rau xanh; vụ Thu - Đông trồng hoa cung cấp cho thương lái. Bởi chồng chị đau ốm liên miên, sức khỏe kém nên mọi việc nặng, nhẹ trong nhà đều do một tay chị thu vén.

Công việc chồng chất như vậy, chị Quế vẫn lo chu toàn và nuôi dậy hai con gái ngoan ngoãn, khỏe mạnh, học hành tấn tới. Chị chia sẻ: Điều tôi hướng đến là sau những hy sinh của mình, con cái trưởng thành, chồng tôi giữ gìn sức khỏe tốt, cùng vợ con sống những ngày đầm ấm, hạnh phúc, yên vui.

Bà Hiền và chị Quế chỉ là hai trong rất nhiều những người phụ nữ Thái Nguyên đang tần tảo khuya sớm, mang trên mình gánh nặng mưu sinh. Dù vậy, những người phụ nữ ấy vẫn luôn lạc quan, yêu đời và tin tưởng vào tương lai tốt đẹp.

Ông Đặng Đăng Ngữ, phường Lương Sơn (TP. Sông Công): Mẹ là người đưa tôi đến thế giới này còn vợ thì cùng tôi trải qua những thăng trầm của cuộc sống hôn nhân và cùng tôi đi đến hết cuộc đời. Tôi luôn biết ơn những người phụ nữ của mình và cố gắng sống trọn chữ hiếu, vẹn chữ tình để bù đắp những gian lao, vất vả mà họ đã phải trải qua vì gia đình, chồng, con.

Luôn hướng đến những điều tốt đẹp

Hầu hết phụ nữ Thái Nguyên đều không coi sự vất vả là thua thiệt. Họ vô cùng hạnh phúc khi gia đình yên ấm. Đặc biết, từ sự chăm chút của mỗi người mẹ, các con của họ trưởng thành, thở thành những công dân tốt, tích cực phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Khi nói đến các con, khuôn mặt bà Hiền rạng ngời niềm vui: Dù xuất thân là nông dân rồi chuyển sang buôn bán hàng rau, tôi vẫn rất tự hào vì mình đã nuôi dậy các con rất tốt. Chúng biết yêu thương, kính trọng bố mẹ và luôn muốn tôi “nghỉ chợ” để chúng chăm sóc, phụng dưỡng. Đặc biệt, các cháu đều có công việc, buôn bán, kinh doanh tự do và thu nhập ổn định, gia đình nền nếp, con cái khỏe mạnh, tấn tới…

Chị Quế cũng vậy, dù phải vất vả khuya sớm nhưng chị vẫn thấy hạnh phúc khi vợ chồng chị đã xây được ngôi nhà mới khang trang; các con đều học giỏi, ngoan ngoãn. Con gái lớn của chị sinh năm 2005, từng là Á khoa đầu vào của lớp chuyên Văn (niên khóa 2020-2023), Trường THPT Chuyên Thái Nguyên. Chị hớn hở cho biết: Con gái tôi vừa bay sang Úc nhập học hôm đầu tuần. Hiện nay, con gái thứ 2 của tôi học lớp 7, cháu luôn noi gương chị, cố gặng học thật giỏi để bố mẹ vui lòng.

Bóng dáng lam lũ của một người phụ nữ bán hàng rong trong khu vực chợ Thái (TP. Thái Nguyên).

Khi ngồi viết những dòng chữ về bao người mẹ, người vợ tảo tần ngoài kia, tôi bỗng chạnh lòng vì mình cũng là phụ nữ, cũng luôn xoay vòng với bộn bề “việc nhà, việc nước” và luôn hết lòng vì chồng, vì con. Những vất vả, lo toan sẽ theo tôi và những phụ nữ khác đến hết cuộc đời. Dù vậy, chúng tôi - những phụ nữ gồng gánh cả việc nước, việc nhà, vẫn cảm thấy hạnh phúc vô cùng bởi sau bao ngày đầy khó nhọc là sự trưởng thành của những đứa con; là sự yên ấm của cả gia đình.

Nguyễn Lăng Tùng Lâm, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Thái Nguyên, hiện là sinh viên Trường Đại học Wollongong (UOW): “Con yêu mẹ rất nhiều”. Đây chính là những dòng chữ mà tôi đã gửi mẹ khi bôn ba nơi xứ người. Khi xa quê hương, người thân, tôi càng cảm nhận rõ sự hy sinh, tần tảo của mẹ. Tôi mong mẹ luôn vui, khỏe để mãi là điểm tựa tinh thần cho cả gia đình.

Đúng như những ca từ trong bài hát “Giấc mơ của mẹ”: Mẹ cũng quên dần quên ước mơ của mẹ là gì… Ngoài kia thế giới bao la rộng lớn/ Còn thế giới của mẹ chính là con/ Là niềm vui của con, là ngôi nhà, là gia đình… Phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Thái Nguyên hy sinh lớn lao và lạc quan như vậy đấy. Họ là điểm tựa, là niềm vui và hạnh phúc của gia đình, xã hội và họ xứng đáng được tôn vinh.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202310/vai-gay-gong-ganh-muu-sinh-f827f43/