Vạch mặt chiêu trò lừa đảo qua 'hợp đồng hợp tác đầu tư'

Trước tình trạng lừa đảo qua 'hợp đồng hợp tác đầu tư' ngày càng phổ biến và tinh vi, Người Đưa tin gửi đến độc giả những cảnh báo về dạng lừa đảo này.

Thủ đoạn "né" trách nhệm hình sự

Công an Tp.Hà Nội đang phát thông báo tìm bị hại liên quan đến vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" qua hình thức “hợp đồng hợp tác đầu tư” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tầm nhìn Gia Nguyễn Group (địa chỉ quận Hà Đông, Hà Nội). Độc giả xem lại chi tiết qua bài: Chủ tịch Công ty Tầm nhìn Gia Nguyễn đưa 400 khách hàng vào bẫy.

Thời gian qua, tình trạng lừa đảo qua các hợp đồng góp vốn, đầu tư trở nên phổ biến. Theo các chuyên gia pháp lý, hình thức lừa đảo này rất tinh vi, nhiều người bị hại sau khi bị "đưa vào tròng" không thể lấy lại tiền, dẫn đến kiện cáo kéo dài.

Theo Luật sư Phạm Hồng Kiên (Giám đốc Công ty luật Cán cân Việt, đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) đánh giá, các đối tượng lừa đảo có nhiều thủ đoạn khi tiếp cận với từng nhóm khách hàng khác nhau sẽ có kịch bản khác nhau. Vì vậy, nạn nhân bị sập bẫy thuộc đủ tầng lớp và trên nhiều lĩnh vực kinh doanh.

Các đối tượng lừa đảo thường lập các công ty cổ phần với chiêu bán cổ phần. Tuy nhiên, người dân mua loại cổ phần này không hề có tư cách cổ đông, mà chỉ nhận về “giấy chứng nhận vốn góp”. Việc chuyển nhượng cổ phần cũng không đúng quy định pháp luật, do không phải cổ phần ưu đãi cổ tức, cũng không phải cổ phần ưu đãi hoàn lại nhưng lại cam kết trả cả gốc và lãi khi đến hạn.

Trên thực tế, thủ đoạn của các đối tượng này chỉ là lấy tiền của người sau trả cho người trước, các doanh nghiệp này có đặc điểm chung không hề phát hành trái phiếu do không có đủ điều kiện theo quy định của Luật chứng khoán. Do đó, thủ đoạn chuyển nhượng cổ phần để hợp thức hóa việc nhận vốn góp, vốn đầu tư, dễ dàng qua mặt những người thiếu hiểu biết pháp luật

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối, Đoàn luật sư Tp.Hà Nội) cho biết thêm, khi xây dựng các hợp đồng thì các đối tượng lừa đảo này đã tìm cách “né” trách nhiệm hình sự để đưa về các giao dịch dân sự.

Chúng sẽ vin vào lý do các bên tự nguyện thỏa thuận để cùng làm ăn, đầu tư chung trên nguyên tắc lời ăn, lỗ chịu, không thể quy trách nhiệm cho phía công ty được. Khi lập ra các hợp đồng, chúng đã tính toán yếu tố rủi ro pháp lý nên đã thiết lập hợp đồng với những điều khoản khá chặt chẽ nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

Theo đó, các đối tượng cho rằng đây là “giao dịch dân sự hợp pháp”, hợp đồng cũng có điều khoản ủy quyền cho bên nhận vốn góp sử dụng và định đoạt vốn góp, trực tiếp thực hiện các hoạt động kinh doanh, đầu tư mà bên góp vốn không tham gia bất kỳ hoạt động nào, chỉ nhận lại gốc và lãi suất.

Nhận diện những thủ đoạn phổ biến

Theo Luật sư Hùng, những thông tin về dự án các đối tượng đưa ra như: vị trí, tổng mức đầu tư, chi phí đầu tư, thời hạn triển khai đều không có các giấy tờ pháp lý liên quan hoặc không rõ ràng. Các đối tượng cố tình lập lờ, ko rõ ràng về thông tin dự án, hợp tác đầu tư, chính vì thế, các đối tượng sẽ không có việc ghi chép, báo cáo thuế về hoạt động kinh doanh.

Đặc biệt, một điểm nhận diện phổ biến là cam kết lợi nhuận cao. Về nguyên tắc, lợi nhuận chỉ được tính khi lấy tổng doanh thu trừ đi các chi phí giá vốn, lãi ngân hàng, chi phí vận hành,…

Như vậy, lợi nhuận chỉ biết được sau một chu kỳ kinh doanh (có thể tính theo năm tài chính hoặc một chu kì vận hành của dự án).

Thủ đoạn lừa đảo qua hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh nở rộ những năm gần đây.

Thế nhưng, các đối tượng sẽ đưa ra mức lợi nhuận rất cao để lôi kéo khách hàng. Thậm chí, nhiều đối tượng cam kết lợi nhuận không tưởng từ 20-30 % hoặc có những trường hợp lên đến 50 -70% năm.

Thế nhưng, có thể khẳng định các bên cam kết về lợi nhuận tối thiểu, cam kết về lãi suất đều không có căn cứ và không có cơ sở thực hiện. Đây là những chiêu trò phổ biến để các đối tượng đánh vào lòng tham, khiến người dân ký kết hợp đồng. Những cam kết này chỉ là "hứa hẹn" chứ không hề có bất cứ biện pháp đảm bảo thực hiện như thế chấp tài sản hay bảo lãnh ngân hàng.

Mặt khác, khi “cá” đã cắn câu thì tiền sẽ được hướng dẫn để chuyển vào tài khoản cá nhân của các cổ đông/người đại diện của công ty hoặc nộp bằng tiền mặt (ghi nhận bằng phiếu thu tiền). Với hình thức này, thực tế tiền không được đưa vào các tài khoản ngân hàng công ty. Các đối tượng dễ dàng sử dụng, chuyển tiền và sử dụng trái mục đích.

Các công ty thường mập mờ về thu nộp tiền là cách để lách, trốn trách nhiệm, nhất là việc trốn tránh việc quản lý, theo dõi của các cơ quan thuế, các cơ quan nhà nước. Vì vậy, nhiều vụ vỡ lở mới phát hiện số tiền thiệt hại lên đến cả trăm, nghìn tỷ.

“Bên cạnh đó, các công ty không có bộ máy kiểm soát, vận hành liên quan dự án. Vì thế không có bất cứ thông tin gì về việc triển khai hoạt động kinh doanh của công ty. Những người góp vốn đều mù tịt thông tin, thậm chí không biết gì về hoạt động kinh doanh thực tế.

Ngoài ra, các công ty thường không có sổ sách, kế toán, ghi chép gì về việc kinh doanh, đầu tư, nguồn tiền, chi phí... Hoặc ghi chép không rõ ràng, không theo luật kế toán. Vì thế không biết nguồn tiền thu được chi phí mục đích gì”, vị luật sư đánh giá.

Về tình trạng sử dụng sai mục đích dòng tiền thu được, chủ yếu dùng trả nợ, trả lãi cho người trước, sử dụng vào tiêu dùng cá nhân dẫn đến thất thoát, mất khả năng thanh khoản, không còn khả năng trả nợ.

Luật sư Hùng khuyến cáo, việc xử lý các vụ án liên quan đến lừa đảo qua hình thức trên thường rất khó khăn phức tạp, do đó mỗi người cần nâng cao cảnh giác trước hình thức lừa đảo này.

Đặng Ngọc Thủy

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vach-mat-chieu-tro-lua-dao-qua-hop-dong-hop-tac-dau-tu-a649988.html