Vaccine Covid-19 vẫn ngoài tầm với của người dân nước nghèo

Chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 tại các nước nghèo đang gặp nhiều trở ngại do thiếu thốn thiết bị bảo quản. Vấn nạn tin giả cũng dẫn đến tâm lý hoài nghi ở người dân.

Trong tháng 10, chương trình COVAX cung cấp 111 triệu liều vaccine - số lượng lớn nhất trong những tháng vừa qua. Đến cuối tháng 11, COVAX dự kiến có thêm 500 triệu liều từ các nhà sản xuất và quyên góp từ các nước giàu. Những đơn đặt hàng trực tiếp của chính phủ đã bắt đầu được chuyển đi.

Sau nhiều tháng thiếu hụt trầm trọng, nguồn cung vaccine Covid-19 cho nhóm các nước thu nhập thấp nhất thế giới đang tăng lên. Tuy nhiên, nhiều quốc gia gặp phải hàng loạt khó khăn khi triển khai chiến dịch tiêm chủng, khi lượng vaccine đổ dồn về giai đoạn này nhiều hơn hẳn những tháng trước đó, gây áp lực lên hệ thống hậu cần và năng lực y tế, theo Wall Street Journal.

Vaccine khó đến với người dân

Nhiều nước cho biết họ thiếu kinh phí để thực hiện chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc tiêm vaccine, cũng như không đủ tiền để thiết lập thêm các điểm tiêm chủng với đầy đủ thiết bị bảo quản cần thiết như tủ lạnh và tủ đông.

Bên cạnh đó, thông tin sai lệch khiến nhiều người ở các nước nghèo hoài nghi về việc tiêm chủng.

Tiến sĩ O’Brien, một lãnh đạo trong chương trình tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết trong khi nhiều quốc gia đang chờ đợi nguồn vaccine viện trợ, nhà sản xuất vẫn chưa cung cấp đủ thông tin về loại vaccine và thời gian vận chuyển.

Trong khi đó, theo Marie Ange Saraka Yao, Giám đốc điều hành của Liên minh Vaccine (GAVI), một số nước châu Phi yêu cầu COVAX trì hoãn việc giao hàng dự kiến từ quý IV sang quý I năm sau.

 Một điểm tiêm chủng hàng loạt ở Kampala vào tháng 11. Ảnh: Nicholas Kjoba.

Một điểm tiêm chủng hàng loạt ở Kampala vào tháng 11. Ảnh: Nicholas Kjoba.

Một số nước kêu gọi sự hỗ trợ tài chính khẩn cấp từ GAVI để lập thêm điểm tiêm chủng mới tại những khu vực vùng sâu khó tiếp cận, cũng như để trả lương cho nhân viên y tế.

Người phát ngôn của GAVI cho biết vaccine chỉ được chuyển đến các quốc gia đã sẵn sàng tiếp nhận. GAVI đang làm việc với các cơ quan khác, bao gồm UNICEF và Ngân hàng Thế giới, để hỗ trợ các nước chuẩn bị kinh phí và trang thiết bị cần thiết để mở rộng chiến dịch tiêm chủng.

Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt khoản viện trợ 5,8 tỷ USD để hỗ trợ chiến dịch chủng ngừa Covid-19 ở các nước nghèo. Trong đó, 65% số tiền sẽ được sử dụng để mua vaccine, phần còn lại dành cho việc triển khai tiêm chủng.

GAVI hiện có khoảng 600 triệu USD để hỗ trợ các quốc gia phân phối vaccine. Tổ chức này nhận được đề nghị viện trợ tương ứng với số tiền 225 triệu USD, trong đó 155 triệu USD đã được giải ngân.

Ở nhiều nước đang phát triển, hệ thống chăm sóc sức khỏe và cơ sở hạ tầng yếu kém gây ra nhiều khó khăn, cùng với chi phí tốn kém cho việc triển khai chiến dịch tiêm chủng.

Theo dữ liệu từ Our World in Data, chỉ 4,2% người dân ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Trên toàn châu Phi, chỉ 6,3% người dân được tiêm chủng đầy đủ.

Tâm lý hoài nghi

Uganda nhận được khoảng 9 triệu liều vaccine Covid-19. Trong đó, 8,4 triệu liều được phân bổ thông qua cơ chế Covax. Tuy nhiên, tuần vừa qua, Bộ trưởng Y tế Jane Ruth Aceng cảnh báo tới 6,5 triệu liều có nguy cơ hết hạn vào cuối năm nay. Nguyên nhân do số lượng người dân đến tiêm chủng quá ít.

 Người dân chờ đợi để được tiêm chủng ở Gulu, Uganda vào tháng 9. Ảnh: Nicholas Bamulanzeki.

Người dân chờ đợi để được tiêm chủng ở Gulu, Uganda vào tháng 9. Ảnh: Nicholas Bamulanzeki.

Tại Bệnh viện Kira ở ngoại ô thủ đô Kampala, các nhân viên y tế Uganda cho biết họ tiêm vaccine cho khoảng 20-30 người/ngày, thấp hơn nhiều so với con số dự kiến là 200 người/ngày.

Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân chủ quan khi thấy số ca mắc Covid-19 đã giảm sau làn sóng lây nhiễm chết người vào tháng 6. Lý do quan trọng khác là những thông tin sai lệch về rủi ro khi tiêm chủng đang tràn lan, chủ yếu trên mạng xã hội.

Các quan chức y tế Uganda đang mở rộng các chiến dịch truyền thông, đặc biệt là ở các vùng nông thôn - nơi mà người dân thường khó tiếp cận các điểm tiêm chủng.

Boaz Turinawe, một nông dân sống cách Kampala khoảng 160 km về phía tây cho biết: “Đôi khi chúng tôi nghe nói về những đợt tiêm chủng trên đài phát thanh, nhưng tôi chưa thấy ai trong làng mình cả được chích ngừa cả".

Thiếu thiết bị bảo quản vaccine

Ở nước láng giềng Kenya, các chuyên gia trong chương trình tiêm chủng cho biết họ lo ngại vaccine Covid-19 sẽ dần chiếm hết chỗ trong các tủ bảo quản những loại vaccine khác vốn dành cho trẻ em.

Kenya đã nhận được 7,4 triệu liều vaccine từ COVAX và sẽ được cung cấp thêm 8,5 triệu liều vào cuối tháng 12.

 Kenya đã nhận được 7,4 triệu liều từ Covax và đã được cung cấp thêm 8,5 triệu vào cuối tháng 12. Những hộp vaccine Moderna tại sân bay ở Nairobi, Kenya. Ảnh: Brian Inganga.

Kenya đã nhận được 7,4 triệu liều từ Covax và đã được cung cấp thêm 8,5 triệu vào cuối tháng 12. Những hộp vaccine Moderna tại sân bay ở Nairobi, Kenya. Ảnh: Brian Inganga.

Một phát ngôn viên của Bộ Y tế Kenya cho biết cơ quan này đang mở rộng hệ thống dây chuyền lạnh nhằm hạn chế ảnh hưởng đến việc tiêm chủng ở trẻ em. Dự kiến Kenya sẽ nhận thêm thiết bị từ Gavi vào tháng 1/2022.

Theo thông tin từ Gavi, trong số 74 quốc gia yêu cầu COVAX cung cấp thêm tủ lạnh và tủ đông, chỉ mới 9 nước được đáp ứng tính đến nay. Những thiết bị bảo quản đang trong quá trình vận chuyển đến 25 quốc gia khác.

Một phát ngôn viên của Gavi cho biết họ đang nỗ lực để giúp các quốc gia không đủ khả năng bảo quản vaccine tìm kiếm giải pháp tạm thời.

Ayoade Alakija, bác sĩ người Nigeria và là đồng Chủ tịch Liên minh Phân phối vaccine châu Phi, cho biết cơ quan này này không thể chuẩn bị kế hoạch triển khai chi tiết do sự thiếu chắc chắn về thời điểm và loại vaccine được tiếp nhận.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vaccine-covid-19-van-ngoai-tam-voi-cua-nguoi-dan-nuoc-ngheo-post1277341.html