Ủy ban Xã hội tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 12

Sáng 3.5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban Xã hội tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 12.

Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang...

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu khai mạc phiên họp

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, diễn ra trong 2 ngày, 3 và 4.5, tại phiên họp lần này, Ủy ban Xã hội tiến hành thẩm tra 2 dự án Luật quan trọng là dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Trong đó, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 32. Các dự án luật này sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Bảy tới và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám.

Tại phiên họp, Ủy ban Xã hội cũng sẽ thảo luận, cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Nhấn mạnh, đây là dự luật tương đối khó và phức tạp, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội đã thực hiện tương đối cẩn trọng, kỹ càng công tác thẩm tra dự luật này, bảo đảm chính sách bảo hiểm xã hội đi đúng đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội của người dân, người lao động cũng như cân đối quỹ bảo hiểm xã hội và tương thích với tiến trình cải cách chính sách tiền lương tới đây.

Ủy ban Xã hội cũng sẽ cho ý kiến thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; tham gia thẩm tra, góp ý với một số dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy.

Đối với công tác giám sát, Ủy ban Xã hội sẽ tổ chức Phiên Giải trình về “Trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng”. Đây là phiên giải trình đầu tiên của Ủy ban Xã hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV với một nội dung đang được xã hội và cử tri rất quan tâm là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Ngoài ra, tại phiên họp, Ủy ban sẽ thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về dược. Đồng thời, cho ý kiến tham gia thẩm tra các Báo cáo: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, kết quả thực hiện Kế hoạch, Dự toán năm 2024 những tháng đầu năm 2024 và dự kiến đến cuối năm 2024; kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 thuộc lĩnh vực Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế phụ trách.

Bảo đảm lợi ích cho người lao động bị chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 142 điều (tăng 6 điều). Trong đó, bổ sung mới 6 điều, gộp Điều 20 và Điều 21, tách 2 điều, bỏ một điều (do trùng về nội dung) và chỉnh lý hầu hết ở các điều khác.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Dự thảo luật sau khi chỉnh lý đã làm rõ hơn nhiều vấn đề, các nội dung được quy định dễ hiểu hơn, nhất là việc bổ sung 6 điều mới nhằm thúc đẩy việc thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH); tăng cường trách nhiệm của không chỉ hệ thống cơ quan BHXH, UBND các cấp, mà cả đối với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong việc đôn đốc người sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, góp phần hạn chế tình trạng chậm đóng BHXH, trốn đóng BHXH; bổ sung quy định về cơ chế đặc thù để góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH.

Về chậm đóng BHXH bắt buộc, trốn đóng BHXH bắt buộc và biện pháp xử lý, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về việc áp dụng các chế tài xử lý, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng: Chưa quy định chế tài ngừng sử dụng hóa đơn, vì việc áp dụng chế tài này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp dừng mọi hoạt động kinh doanh, không còn cơ hội tạo nguồn thu, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp và vô hình trung cũng sẽ ảnh hưởng tới cả người lao động, thậm chí khiến cho người lao động mất việc làm, mất nguồn thu nhập.

Bên cạnh đó, cũng chưa có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp từng bước khắc phục việc chậm đóng và chưa xử lý được vướng mắc khi doanh nghiệp chậm đóng BHXH, trốn đóng BHXH nhưng vẫn phát sinh và duy trì nghĩa vụ nộp thuế.

Dự thảo luật cũng quy định chế tài tạm hoãn xuất cảnh theo hướng dẫn chiếu quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và bổ sung khoản 2 Điều 140 để sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 28 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo hướng bổ sung đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh: “Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc người đại diện cho tổ chức đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về BHXH”.

Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) cũng dành riêng một chương quy định về quản lý thu, đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, xử lý chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Theo đó, quy định rõ về hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH và các biện pháp xử lý chậm đóng, trốn đóng BHXH. Quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Quy định trách nhiệm của cơ quan BHXH trong việc đôn đốc đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; cơ chế đặc thù bảo vệ quyền lợi của một số đối tượng người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến dự án Luật

Giải trình, làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, mục tiêu đặt ra là "giữ chân" được người lao động, bảo vệ đầy đủ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động.

Các đại biểu tham dự phiên họp tập trung trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến: việc chậm đóng BHXH bắt buộc, trốn đóng BHXH bắt buộc và biện pháp xử lý; cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động; bảo hiểm hưu trí bổ sung; khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về BHXH của cơ quan hành chính nhà nước...

Tạo điều kiện, bảo đảm tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, Luật Công đoàn hiện hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Nổi bật là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, đóng góp vào những thành tựu của đất nước trong hơn 10 năm qua.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày Tờ trình về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Công đoàn bộc lộ những hạn chế, bất cập trước yêu cầu của tình hình mới. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh còn hẹp so với sự phát triển nhanh, đa dạng của lực lượng lao động và yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn. Hệ thống tổ chức, việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa cấp ủy địa phương với tổ chức Công đoàn về công tác tổ chức, cán bộ còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn. Một số quy định về tài chính công đoàn còn chung chung, chưa rõ cơ chế giám sát và việc thực hiện công khai, minh bạch, chưa có quy định về tài chính của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp trong bối cảnh tổ chức này được pháp luật quy định cho phép ra đời...

Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Cam kết về lao động trong các Hiệp định này yêu cầu các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tuân thủ các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của người lao động theo Tuyên bố năm 1998 của ILO. Do vậy, Luật Công đoàn cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thể chế chính trị của Việt Nam.

Báo cáo một số vấn đề cần quan tâm trong dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, Ủy ban Xã hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật và các quan điểm xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); đồng thời nêu rõ, ban soạn thảo cần thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các văn kiện của Đảng và Hiến pháp 2013, tiếp tục làm rõ những vấn đề mới có liên quan đến vị trí, vai trò, tổ chức, hoạt động của tổ chức Công đoàn; tiếp tục rà soát để bảo đảm sự đồng bộ với Bộ luật Lao động năm 2019 và các luật có liên quan, bảo đảm tương thích với các điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất là các công ước của ILO, CPTPP, EVFTA.

Đặc biệt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần tránh “hành chính hóa” hoạt động công đoàn, tiếp tục khẳng định mình và vươn lên trong bối cảnh mới, khi thị trường lao động, việc làm có những thay đổi mạnh mẽ, khi tổ chức của người lao động được thành lập tại doanh nghiệp để xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho người lao động trong tình hình mới...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan phát biểu

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu

Tại phiên họp, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về: địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam; quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam; quyền, trách nhiệm đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động của Công đoàn; thanh tra, kiểm tra và giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn Việt Nam.

+ Cùng ngày, tại phiên họp, Ủy ban Xã hội tiến hành thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới 2023; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước 2023, kết quả thực hiện Kế hoạch, dự toán 2024 trong những tháng đầu năm và dự kiến đến cuối năm 2024; kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2023 thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách; thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; tham gia thẩm tra, góp ý kiến một số dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy tới.

Tin và ảnh: Hồ Long

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/uy-ban-xa-hoi-tien-hanh-phien-hop-toan-the-lan-thu-12-i370229/