Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 7

(VOV) - Nội dung trọng tâm trong ngày làm việc 18/4 là cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Báo cáo giám sát nêu rõ: Từ năm 2006 đến nay, đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần phát triển kinh tế của đất nước. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ngày càng được tăng cường và hoàn thiện, diện mạo nông thôn thay đổi theo hướng hiện đại; từng bước giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp trong 5 năm qua tăng bình quân 5,1% mỗi năm, của từng ngành là 3,3%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này còn thiếu, chỉ đáp ứng khoảng 55- 60% nhu cầu. Vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, có nơi còn xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư, gây thất thoát, lãng phí.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu. Từ đó dẫn đến thực tế, cái cần đầu tư thì không có, cái chưa thực sự cần thiết thì lại đầu tư.

Đánh giá cao báo cáo của Đoàn Giám sát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Thời gian tới, hệ thống, chính sách pháp luật về đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn cần được hoàn thiện trên cơ sở phát huy tối đa nội lực của người dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế. Đối với đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: “Đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và địa bàn nông thôn phải cơ cấu, sắp xếp tập trung thế nào cho có hiệu quả nhất. Từng bước xây dựng nông thôn mới, các chỉ tiêu quan trọng thì thực hiện trước. Nguồn lực ở đây là phải huy động tổng lực, các chương trình”.

Dự kiến, sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo giám sát sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 tới. Phiên họp của Quốc hội về vấn đề này sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

Trong chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Sáng 19/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/home/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-tiep-tuc-phien-hop-thu-7/20124/206718.vov