Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Tập trung chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường của Quốc hội trong phiên họp tháng 1-2024

Chiều 14-12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, phiên họp thường kỳ tháng 1-2024 cần tập trung chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận.

Năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 547 nghị quyết

Trình bày báo cáo tại phiên họp, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tính đến tháng 12-2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức thành công 2 kỳ họp thường lệ và 3 kỳ họp bất thường của Quốc hội; đã tiến hành 16 phiên họp, trong đó có 10 phiên họp thường kỳ, 1 phiên họp chuyên đề pháp luật, 2 phiên họp giữa 2 đợt của kỳ họp Quốc hội và 3 phiên họp khác.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 14-12.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 14-12.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét 181 nội dung (bao gồm 168 nội dung xem xét tại phiên họp, 13 nội dung xem xét, cho ý kiến bằng văn bản), trong đó, có 85 nội dung được bổ sung mới so với dự kiến ban đầu trong Nghị quyết số 674/NQ-UBTVQH15.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức 2 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và nhiều hội nghị quan trọng khác; đã ban hành 1 pháp lệnh, 547 nghị quyết (trong đó có 10 nghị quyết quy phạm pháp luật, 10 nghị quyết về giám sát và 527 nghị quyết về các vấn đề quan trọng, bảo đảm điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội và công tác khác thuộc thẩm quyền); thực hiện toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng, công tác đối ngoại và các công tác khác theo thẩm quyền.

"Cho đến nay, Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 đã được triển khai nghiêm túc và cơ bản hoàn thành. Trong đó, hầu hết các nội dung về công tác lập pháp, giám sát, xem xét, cho ý kiến, quyết định những vấn đề quan trọng được thực hiện đúng tiến độ; tất cả các nội dung đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thận trọng, nghiêm túc trên cơ sở đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu, không chạy theo số lượng", đồng chí Bùi Văn Cường cho biết.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng nêu ra một số bất cập, hạn chế trong triển khai thực hiện chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023. Đó là đến tháng 12-2023 vẫn còn 11 nội dung đã có trong Chương trình công tác năm 2023, nhưng chưa được xem xét, phải chuyển sang năm 2024. Việc đề nghị điều chỉnh chương trình phiên họp diễn ra khá thường xuyên. Tình trạng chậm gửi tài liệu phục vụ phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được khắc phục, dẫn đến khó khăn cho công tác nghiên cứu, thẩm tra...

Năm 2024, dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành 14 phiên họp

Trong năm 2024, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức 12 phiên họp thường kỳ (từ phiên họp thứ 29 đến phiên họp thứ 40) và 2 phiên họp chuyên đề pháp luật (tháng 4 và tháng 8), xem xét, cho ý kiến, quyết định 115 nội dung tại phiên họp và cho ý kiến bằng văn bản đối với một số nội dung khác (chưa bao gồm các nội dung dự phòng xem xét trong trường hợp được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024).

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hết sức tích cực, nỗ lực tối đa, đáp ứng các yêu cầu cấp thiết và trước mắt.

Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Về chương trình công tác năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu, cần rà soát lại để xem xét nội dung nào chắc chắn thì đưa vào chương trình, nội dung nào không đưa.

Cho ý kiến về phiên họp tháng 1-2024, với công tác chuẩn bị như hiện tại, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng sẽ khó khăn cho công tác chuẩn bị Kỳ họp bất thường của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tinh thần phiên họp tháng 1-2024 là chỉ ưu tiên các nội dung liên quan đến Kỳ họp bất thường, còn các nội dung khác thì lùi lại sang tháng 2-2024.

Cụ thể là cần ưu tiên tập trung vào các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Nghị quyết Về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Nếu không kịp chuẩn bị các nội dung này, không đảm bảo chất lượng thì lùi lại đến Kỳ họp gần nhất.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Tổng thư ký Quốc hội phối hợp với các ủy ban của Quốc hội để chuẩn bị kỹ các nội dung, nếu chưa thống nhất thì tiếp tục họp để cho ý kiến, trước mắt là nhanh chóng tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng cho Kỳ họp bất thường vào tháng 1 tới.

CHIẾN THẮNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-tap-trung-chuan-bi-cho-ky-hop-bat-thuong-cua-quoc-hoi-trong-phien-hop-thang-1-2024-755444