ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH GIÁM SÁT TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY

Sáng 16/6, Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về 'việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020 – 2022'.

Quang cảnh buổi làm việc

Tham gia buổi làm việc có Trung tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Phó trưởng đoàn Thường trực làm Trưởng đoàn, cùng các đồng chí trong Thường trực Ủy ban, các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đại diện Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng.

Làm việc vối Đoàn giám sát, về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có ông Lê Xuân Huyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, đại diện lãnh đạo các Ban, công ty trực thuộc PVN.

Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đối với dầu khí thì an toàn cháy nổ là số 1, là điều kiện tiên quyết đối với sự tồn tại phát triển của Tập đoàn. Hiện nay các lĩnh vực kinh doanh chính của PVN gồm: Thăm dò, khai thác dầu khí; Lọc hóa dầu; Công nghiệp khí; Sản xuất điện; Dịch vụ kỹ thuật dầu khí. Hoạt động trong lĩnh vực tập trung nhiều công trình có nguy cơ đặc biệt cao về cháy nổ như: Khí, điện, đạm, kho xăng dầu, kho cảng, các nhà máy hóa chất…vì vậy PVN quan tâm đầu tư mua sắm các trang thiết bị chữa cháy và báo cháy hiện đại, tổ chức lực lượng PCCC chuyên trách và bán chuyên trách, huấn luyện và thường xuyên diễn tập, kiểm tra an toàn PCCC&CNCH. Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp của PVN, trong giai đoạn 2020-2022 đã không có sự cố cháy nổ nghiêm trọng nào xảy ra tại các đơn vị trực thuộc.

Trung tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14, PVN thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo tình huống khẩn cấp của Tập đoàn. Các đơn vị thành viên, trực thuộc đã nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật, chỉ đạo của PVN trong công tác PCCC&CNCH. Ngoài ra, PVN và các đơn vị thành viên còn chủ động xây dựng và duy trì áp dụng hệ thống quàn lý theo tiêu chuẩn quốc tế như: ISO 9001, ISO 14001, OHSAS 18001 nhằm từng bước xây dựng văn hóa an toàn nói chung và công tác PCCC&CNCH nói riêng theo kịp các nước tiên tiến. Các đơn vị cơ sở của PVN đã chủ động phối hợp với Cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH các địa phương mở các lớp huấn luyện về nghiệp vụ và cấp chứng chỉ cho Ban chỉ huy và thành viên Đội PCCC&CNCH cơ sở.

Tại các đơn vị có các công trình có nguy cơ cháy nổ đặc biệt cao, Tập đoàn đã thành lập lực lượng PCCC&CNCH chuyên ngành, trang bị phương tiện chữa cháy đầy đủ, hiện đại. Bên cạnh đó, PVN thường xuyên tổ chức tự kiểm tra việc tuân thủ các quy định về PCCC&CNCH của các công trình, nhà máy thuộc các đơn vị thành viên; phối hợp với Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an thực hiện kiểm tra định kỳ tại các đơn vị cơ sở thuộc quyền quản lý của Tập đoàn. Tất cả các công trình do PVN và các đơn vị là chủ sở hữu đều được xây dựng Phương án PCCC&CNCH và được Cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH các địa phương phê duyệt.

Tuy nhiên, theo Tập đoàn PVN, các văn bản pháp luật về PCCC không quy định rõ công trình “cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng” ở quy mô, mức độ nào thì cần phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC; chưa quy định các công trình dầu khí trên biển, đường ống dẫn khí dưới biển có phải trình thẩm duyệt thiết kế PCCC không. Văn bản pháp luật về PCCC chưa quy định cụ thể về tần xuất kiểm tra “thường xuyên” là bao lâu nên tại các đơn vị thực hiện gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, TCVN 2622 1995 quy định trong các khu công nghiệp nếu diện tích khu đất công trình từ 150 ha trở lên thì yêu cầu lượng nước chữa cháy tính theo 02 đám cháy lớn nhất xảy ra đồng thời. Việc áp dụng điều này cho Nhà máy lọc dầu là không phù hợp và làm tăng chi phí.

Thành viên Đoàn khảo sát phát biểu tại buổi làm việc.

TCVN 5307:2009 về Kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, yêu cầu thiết kế quy định: “khoảng cách từ bể trụ đứng đặt nổ đến mép trong của chân đê bao ngăn cháy bên ngoài không nhỏ hơn một nửa đường kính của bể gần đê và không quá 15m”. Vì vậy, việc thiết kế các bể chứa có đường kính lớn hơn 30m sẽ không thể tuân thủ quy định này, trong khi đó, đối với nhà máy lọc hóa dầu, các bể chứa có đường kính lớn hơn 30m là phổ biến.

Các thành viên Đoàn khảo sát cho rằng, việc đảm bảo an toàn là khâu then chốt gắn với thực hiện chức năng nhiệm vụ của Tập đoàn PVN vì vậy trong giai đoạn 2020-2022, Tập đoàn đã làm tốt công tác PCCC nên đã không để xảy ra vụ cháy nghiêm trọng nào gây thiệt hại. Đoàn giám sát cũng đánh giá cao Tập đoàn đã tổ chức lực lượng chuyên nghiệp PCCC&CNCH, có 1 Ban chuyên quản lý về vấn đề này. Đây chính là nhu cầu tự thân của đơn vị, thể hiện từ quy định đến tổ chức thực hiện đều rất tốt. Cho rằng, tinh thần Nghị quyết 99 của Quốc hội là lấy phòng ngừa là chính, Đoàn giám sát đề nghị Tập đoàn PVN làm rõ hơn kinh nghiệm phát huy tinh thần 4 tại chỗ, công tác diễn tập PCCC, kết quả thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực này.

Thay mặt Đoàn giám sát, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn Giám sát đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khẩn trương bổ sung, hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn giám sát, trong đó đối chiếu lại nội dung Đề cương để làm rõ những vấn đề đã làm được theo Nghị quyết 99/2019 từ việc chỉ đạo của cấp ủy Đảng Tập đoàn đến việc ban hành các quy định của Tập đoàn. Báo cáo cũng cần nêu rõ việc đầu tư chi phí cho công tác PCCC, nhấn mạnh thêm các điểm, khu vực có nguy cơ mất an toàn, so sánh để thấy rõ việc chuyển biến, khác biệt trước và sau khi có Nghị quyết của Quốc hội. Cùng với đó, Tập đoàn PVN báo cáo thêm các giải pháp ứng dụng Khoa học công nghệ, vấn đề hợp tác quốc tế trong PCCC. Đoàn Giám sát cũng ghi nhận những kiến nghị của Tập đoàn về vướng mắc thực tế so với quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy để tổng hợp, tham mưu cơ quan có thẩm quyền và làm việc với các cơ quan có liên quan./.

Khắc Phục

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77093