Ưu tiên phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới

Thực hiện chiến lược về công tác dân tộc thiểu số đến năm 2020 thì Bộ Nội vụ đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các cơ quan liên quan đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới.

Theo đó đề án đặt ra một số nhiệm vụ, giải pháp để thu hút sinh viên người dân tộc thiểu số bao gồm cả đối tượng của hệ cử tuyển như nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách có tính đặc thù trong việc tuyển dụng nâng ngạch, thăng hạng và chế độ chính sách trong việc đào tạo, bồi dưỡng tiêu chuẩn, điều kiện quy hoạch bổ nhiệm chức danh lãnh đạo quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số.

Đồng thời cũng cần xác định cụ thể tỷ lệ tối thiểu về cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và tại các cơ quan trực tiếp làm công tác dân tộc ở Ủy ban Dân tộc, Ban Dân tộc, Phòng dân tộc.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện nay, Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành địa phương đang triển khai thực hiện Quyết định số 402 của Thủ tướng Chính phủ.

Giải trình trước Quốc hội chiều 2-11, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã tập trung trả lời một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm.

Đề nghị chuyên trách cho hai chức danh cấp xã

Về chức danh công chức cấp xã, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, theo quy định hiện nay thì công chức cấp xã các chức danh như địa chính, tư pháp, lao động, xã hội, văn phòng đều có hai công chức đảm nhiệm, nhưng riêng đối với Phó công an hoặc văn phòng cấp ủy thì hiện nay chưa phải cán bộ chuyên trách. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị nếu không tăng thêm biên chế thì để hai chức danh này được phụ trách chuyên trách.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã có ý kiến về vấn đề này. Đây là vấn đề mà Bộ Nội vụ chuẩn bị cho việc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Cán bộ công chức ban hành năm 2008. Trong đó nghiên cứu đề xuất một số vấn đề chưa phù hợp trong tình hình hiện nay.

Do đó, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, riêng về hai chức danh Phó công an xã và văn phòng cấp ủy hai chức danh này hoạt động dưới hình thức là người hoạt động không chuyên trách theo quy định của Luật Công chức (Điều 81 quy định chỉ có bảy chức danh công chức cấp xã đó là trưởng công an, trưởng quân sự rồi văn phòng thống kê, tài chính kế toán, địa chính xây dựng, đô thị môi trường hoặc địa chính nông nghiệp môi trường rồi tư pháp hộ tịch và văn hóa xã hội).

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tấn cho biết, Bộ phối hợp cùng Ban Tổ chức Trung ương có đề án trình Bộ Chính trị về một số vấn đề tổ chức hoạt động và chính sách tiền lương đối với cán bộ cấp xã và cán bộ hoạt động không chuyên trách. Trong thời gian tới cần giải quyết vấn đề này, còn về lâu dài, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thì cần chờ sửa đổi Luật Cán bộ công chức năm 2008 sau khi tổng kết 10 năm.

Bổ nhiệm chức danh “hàm” bằng nghị định?

Trả lời ý kiến đại biểu về việc quy định và xây dựng chế độ bổ nhiệm hàm, Bộ trưởng cho biết, triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 87 của Quốc hội chất vấn tại Kỳ họp thứ tám của Quốc hội khóa XIII và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao cho Bộ Nội vụ chủ trì, nghiên cứu và đề xuất các phương án liên quan đến việc bổ nhiệm chức danh “hàm” đối với cán bộ công chức. Bộ Nội vụ đã hoàn thành việc nghiên cứu các quy định bổ nhiệm cấp hàm trong hệ thống các chức danh, chức vụ ở các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Bộ Nội vụ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu đề xuất về chức danh hàm đối với cán bộ, công chức. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn chỉnh đề án theo hướng xác định rõ về thể thức văn bản quy định của pháp luật là ban hành chế độ bổ nhiệm hàm bằng nghị định của Chính phủ hay quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ trưởng, trong Luật Cán bộ, công chức không có chức danh “hàm” nên đây là hình thức khó khăn cho việc ban hành nghị định. Hiện Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương về việc xây dựng chức danh “hàm”.

Tốt nghiệp hệ cử tuyển vẫn phải xét tuyển vào công chức

Về chính sách ưu tiên tuyển dụng đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thông tin, theo quy định tại Nghị định 134 của Chính phủ quy định về chế độ cử tuyển các cơ quan giáo dục đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, người học theo chế độ cử tuyển được tiếp nhận và phân công công tác sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 49 của Chính phủ đã có sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134; trong đó có quy định cụm từ "phân công công tác" được thay bằng cụm từ "xét tuyển vào vị trí làm việc".

Như vậy, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thì: “Sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển phải tham gia xét tuyển vào công chức, viên chức theo quy định chung của Luật Cán bộ, công chức, viên chức - tức là không phải phân công cử tuyển như trước đây.

Và để thu hút sinh viên là người dân tộc thiểu số làm trong các cơ quan, tổ chức của nhà nước thì Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc đã có quy định chi tiết hướng dẫn thi hành chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số quy định tại Nghị định 05 của Chính phủ về công tác dân tộc đã quy định một số chính sách, tức là quy định số lượng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải đảm bảo một tỷ lệ hợp lý và tương ứng với tỷ lệ người dân tộc thiểu số tại địa phương.

Nhấn mạnh việc các địa phương vùng dân tộc thiểu số nhất thiết phải có cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý là người dân tộc thiểu số - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, vấn đề này được quy định rồi và hằng năm Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trong kế hoạch tuyển dụng phải xác định một tỷ lệ biên chế hợp lý trong tổng số biên chế đã được các cấp có thẩm quyền giao để tổ chức tuyển dụng người dân tộc thiểu số vào làm công chức, viên chức.

NHÓM PHÓNG VIÊN NDĐT

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31150902-uu-tien-phat-trien-doi-ngu-can-bo-nguoi-dan-toc-thieu-so-trong-thoi-ky-moi.html