Ưu tiên hóa giải bất đồng

Ðại diện cấp cao của Liên hiệp châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại J.Borrell có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Iran nhằm thảo luận các biện pháp 'hạ nhiệt' căng thẳng giữa EU với Tehran. Ðây là nỗ lực 'cứu' thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Iran ký với các cường quốc nhóm P5+1 trước thềm cuộc gặp diễn ra tại Vienna (Áo) của các bên còn lại tham gia JCPOA.

Quan chức cấp cao của EU đã có cuộc gặp Tổng thống Iran H.Rouhani nhằm “xoa dịu” những căng thẳng đang leo thang tại Trung Ðông kể từ sau vụ Mỹ không kích sân bay quốc tế Baghdad (Iraq) làm chết tướng Iran. Nhà lãnh đạo Iran đã khẳng định nước này sẵn sàng hợp tác với EU để giải quyết các vấn đề liên quan thỏa thuận hạt nhân JCPOA. Hiện, giữa Tehran và các nước châu Âu còn các vấn đề tồn đọng cần giải quyết và hai bên phải tiến hành các biện pháp xây dựng lòng tin vốn bị sứt mẻ nghiêm trọng sau khi Anh, Pháp và Ðức gần đây kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp trong JCPOA.

Ðộng thái kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp trong JCPOA nhằm cho phép các nước thành viên EU có thêm thời gian thuyết phục Iran quay trở lại tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân sau khi Tehran thực hiện một loạt biện pháp cắt giảm cam kết trong thỏa thuận. Tuy nhiên, biện pháp mới này cũng có thể làm khôi phục các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đối với chính quyền Tehran. Bởi, theo điều khoản nêu trong JCPOA, một bên tham gia có thể kiến nghị lên một ủy ban chung về việc bên khác vi phạm thỏa thuận nghiêm trọng. Nếu tranh chấp không được giải quyết tại ủy ban chung thì sẽ được đưa lên một ban cố vấn và cuối cùng có thể bị đưa ra Hội đồng Bảo an LHQ, dẫn tới việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của LHQ với Iran. Mặc dù cả EU và Iran đều không muốn điều này xảy ra, song các cường quốc châu Âu “bất đắc dĩ” phải sử dụng biện pháp này để ngăn chặn việc Tehran liên tiếp đưa ra các động thái cắt giảm cam kết theo JCPOA. Ðáp lại biện pháp “dằn mặt” từ EU, Bộ Ngoại giao Iran sau đó đã cảnh báo các quốc gia châu Âu sẽ phải đối mặt “các hậu quả”. Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Iran ông M.Va-ê-di tuyên bố, việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 là một trong những lựa chọn của Tehran nếu hai bên không thể tháo gỡ được những khúc mắc hiện nay.

Cả EU và Iran đều thống nhất về tầm quan trọng của việc giảm leo thang căng thẳng và phối hợp với các đối tác quốc tế nhằm tìm ra một giải pháp ngoại giao cho tình hình hiện nay. Việc duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran được đánh giá có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh căng thẳng liên tục gia tăng tại khu vực Trung Ðông trong những ngày đầu năm 2020. JCPOA giúp phương Tây giảm lo ngại về nguy cơ Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, việc Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran và tiếp sau là hàng loạt tuyên bố của Tehran về “thu hẹp” việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani, đe dọa phá vỡ JCPOA. Phó Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran A.Zarean mới đây cảnh báo, nếu giới chức nước này cho phép, cơ quan hạt nhân Iran có đủ năng lực để làm giàu urani lên bất cứ mức nào mong muốn. Iran chỉ trích EU đã không thực hiện các cam kết bảo vệ lợi ích của Tehran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ, đồng thời cho rằng châu Âu chịu khuất phục trước sức ép của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Ðức từng thừa nhận tồn tại lời đe dọa của Tổng thống Mỹ D.Trump về việc đánh thuế 25% với ô-tô xuất khẩu của EU nếu các nước châu Âu tiếp tục ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran.

Căng thẳng giữa Iran với phương Tây hiện nay cần được hạ nhiệt sau khi những động thái “ăn miếng trả miếng” giữa Iran và Mỹ khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh nóng. Hạ viện Mỹ mới đây đã thông qua hai dự luật nhằm ngăn chặn hành động quân sự của Tổng thống D.Trump nhằm vào Iran. Chuyến thăm của người phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU tới Iran trong những ngày đầu năm nay cho thấy, châu Âu đặt ưu tiên cho những nỗ lực ngoại giao nhằm hóa giải những bất đồng với Tehran, tháo gỡ bế tắc trong “hồ sơ hạt nhân Iran”, góp phần giảm căng thẳng ở khu vực.

ÐAN ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/43148302-uu-tien-hoa-giai-bat-dong.html