Ưu tiên dùng hàng Việt: Đừng bán hàng, hãy bán sự khác biệt

Các doanh nghiệp phải tập trung đầu tư xây dựng thương hiệu và phải thực hiện một cách kiên trì, đổi mới tư duy, cách tiếp cận với phương châm: 'Bạn đừng bán hàng, hãy bán sự khác biệt.'

Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội chủ trì Đoàn kiểm tra số 2 với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, tại Tổng Công ty May 10. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Các doanh nghiệp cần nghiên cứu, tìm tòi những cách làm, giải pháp thiết thực để ngày càng có nhiều người tiếp cận, sử dụng các sản phẩm do thương hiệu Việt sản xuất.

Đây là lưu ý của ông Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố Hà Nội tại buổi làm việc của Đoàn kiểm tra số 2 với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội tại Tổng Công ty May 10, ngày 2/10.

Thông tin từ phía doanh nghiệp, ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty May 10 cho biết đơn vị có trên 12.000 lao động, các mặt hàng sản xuất, gồm quần áo, phụ liệu ngành may và sản xuất trang thiết bị y tế; kinh doanh siêu thị, khách sạn; đào tạo nghề, xuất nhập khẩu trực tiếp...

Trong 9 tháng năm 2023, doanh thu của Tổng Công ty May 10 đạt hơn 3.125 tỷ đồng; thu nhập bình quân người lao động đạt hơn 9,3 triệu đồng. Hưởng ứng Cuộc vận động “Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” Tổng Công ty May 10 đã sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến nhất để sản xuất hàng trong nước, có quy trình bắt buộc kiểm tra 100% sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Ông Bạch Thăng Long đề nghị thành phố Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến, tôn vinh các doanh nghiệp có sản phẩm thương hiệu mạnh, đồng thời hỗ trợ trong phát triển tìm kiếm thị trường đầu ra.

Lãnh đạo May 10 cũng kiến nghị các cơ quan chức năng có các biện pháp hữu hiệu để giảm tình trạng hàng giả, hàng nhái, lợi dụng thương hiệu gây ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm của các đơn vị.

May 10 đẩy mạnh chuyển đổi xanh, đón đầu xu thế hội nhập. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Mạc Quốc Anh, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa thành phố Hà Nội cho hay thời gian qua, Hiệp hội đã đẩy mạnh thúc đẩy tiêu thụ nội khối, tạo ra chuỗi giá trị cung ứng giữa các doanh nghiệp trong Hiệp hội, trực tiếp sử dụng sản phẩm của nhau.

Nhấn mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” theo ông Mạc Quốc Anh, Cuộc vận động đã giúp các doanh nghiệp có nhiều hoạt động thương mại hiệu quả, khẳng định giá thị thương hiệu Việt.

Ông Quốc Anh nhấn mạnh để đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ và phát triển hội viên, Hiệp hội đã mở thêm 3 văn phòng tại các quốc gia là: Áo, Nhật, Mỹ để thúc đẩy đưa các sản phẩm, dịch vụ của các thành viên Hiệp hội ra các nước đối tác.

Đề xuất với Đoàn công tác, theo ông Mạc Quốc Anh, từ trước đến nay Cuộc vận động mới chỉ tôn vinh các doanh nghiệp, do vậy, năm nay, nên có giải thưởng hay hình thức tôn vinh người tiêu dùng tại các cuộc bình chọn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần có bảng đánh giá để định lượng xem thu được hiệu quả gì sau khi tham gia các Chương trình, cuộc bình chọn từ đó rút ra các kinh nghiệm và khắc phục những hạn chế.

Ông Phạm Thanh Học đề nghị các doanh nghiệp phải tập trung đầu tư xây dựng thương hiệu. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Từ những ý kiến đưa ra, ông Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đề nghị các doanh nghiệp phải tập trung đầu tư xây dựng thương hiệu và phải thực hiện một cách kiên trì, đổi mới tư duy, cách tiếp cận với phương châm: “Bạn đừng bán hàng, hãy bán sự khác biệt.”

Ông Phạm Thanh Học đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại và thúc đẩy tinh thần nêu gương, sử dụng hàng Việt trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Có các biện pháp xử lý triệt để tình trạng hàng giả, hàng nhái, lợi dụng thương hiệu gây mất lòng tin của người tiêu dùng trong nước./.

Tại Công văn số 241/UBND-KTN do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành về tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nêu rõ, để triển khai hiệu quả Cuộc vận động, trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã cần tăng cường nghiên cứu, rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn thành phố; trước hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghệ số tham gia các chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất-cung ứng-dịch vụ giá trị cao, tiêu dùng bền vững; ưu tiên sử dụng hàng hóa, nguyên vật liệu do Việt Nam sản xuất.

Hà Nội yêu cầu các đơn vị tăng cường tiếp xúc, trao đổi thông tin với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đơn vị sản xuất... nhằm tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị nắm rõ, tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và thành phố, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng, quảng bá, phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu cho các sản phẩm hàng Việt và các sản phẩm hàng hóa tiêu biểu, được người tiêu dùng yêu thích của doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn thành phố. Phối hợp xây dựng các chương trình và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng để đưa hàng Việt chiếm thị phần tương xứng trong hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố.

Xuân Quảng (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/uu-tien-dung-hang-viet-dung-ban-hang-hay-ban-su-khac-biet/899906.vnp