Ưu tiên cao nhất là đảm bảo an toàn cho người dân

Liên quan đến tình hình mưa lũ đang hoành hành tại các tỉnh miền Trung, 22 giờ ngày 15/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác Ban Chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã vào trực tiếp vùng lũ và có cuộc họp khẩn với UBND tỉnh Quảng Bình, chỉ đạo công tác ứng phó với tình hình mưa lũ.

Kiên quyết không để người dân bị đói, khát

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, trong ngày 16/10, tỉnh Quảng Bình nói chung, các tỉnh miền Trung tiếp tục huy động lực lượng tại chỗ với cố gắng cao nhất để tìm kiếm người mất tích đồng thời thăm hỏi, chia sẻ, động viên, giúp đỡ gia đình những người thiệt mạng, mất tích, bị thương. Các địa phương phải bằng mọi biện pháp nhanh chóng cứu trợ cho những gia đình bị thiệt hại, gặp nhiều khó khăn với mục tiêu không để bất kỳ một người dân nào bị thiếu đói.

Theo thông tin từ Văn phòng Ban chỉ đạo TW về Phòng chống thiên tai cho biết, đến sáng 16/10, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung đã làm 15 người chết, 9 người mất tích và 18 người bị thương. Quảng Bình là địa phương bị thiệt hại về người nhiều nhất với 9 người chết, 8 người mất tích. Hà Tĩnh có 2 người chết, 1 người mất tích. Nghệ An có 2 người chết. Thừa Thiên Huế có 2 người chết.

Trong số 18 người bị thương, Quảng Bình có 13 người, Quảng Trị 3 người và Thừa Thiên Huế 2 người. Về nhà ở có 6 nhà bị sập ở Thừa Thiên Huế và 1 nhà bị sập ở Quảng Trị. Đến sáng 16/10, đã có gần 100.000 nhà bị ngập.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ có công điện gửi các bộ ngành liên quan và các tỉnh thành chịu ảnh hưởng của bão số 6 chỉ đạo việc ứng phó, khắc phục các sự cố do mưa lũ đang diễn ra ở các tỉnh miền Trung, nhất là giải phóng tình trạng ùn tắc, chia cắt trên những tuyến giao thông huyết mạch… Cũng tại công điện, Thủ tướng đã gửi lời thăm hỏi, chia sẻ với đồng bào và chính quyền địa phương, chia buồn sâu sắc đến thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng. Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo cấp báo động, đảm bảo an toàn cho người dân, chủ động triển khai phương án khắc phục hậu quả mưa lũ. Đồng thời kiên quyết sơ tán các hộ dân sinh sống tại các vùng nguy hiểm có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Nhiều cơ sở y tế ở Quảng Bình ngập trong mưa lũ.

Chủ động bảo vệ sức khỏe người dân trong, sau bão lũ

Về phía ngành y tế, trước tình hình mưa lũ phức tạp tại các tỉnh miền Trung, ngày 16/10, Bộ Y tế đã có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Trung Bộ triển khai công tác y tế khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Chủ động cho học sinh nghỉ học khi có lũ lớn

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp tại miền Trung, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các Sở GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đề nghị các đơn vị chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ, cho học sinh nghỉ học nếu bị lũ lớn, nguy hiểm...

Theo đó, về phía Sở Y tế các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, Bộ Y tế yêu cầu tiếp tục triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng trũng, thấp và vùng có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất. Chỉ đạo các cơ sở y tế triển khai công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại những nơi bão đã đi qua, đề phòng dịch bệnh có thể phát sinh sau mưa lũ như: sốt xuất huyết , tiêu chảy, đau mắt đỏ. Đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc, hóa chất vệ sinh môi trường… Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng cách vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày, ăn chín uống sôi, khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và phát sinh mầm bệnh.

Chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng do mưa bão, úng lụt, sạt lở đất, lũ quét gây ra. Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh, tham gia trực tiếp cùng tổ công tác của các cấp chính quyền nhằm khắc phục hậu quả những nơi bị ảnh hưởng nặng hoặc bị chia cắt, cô lập.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, thiết bị phương tiện phòng chống lụt, bão và phân công các đội y tế cơ động, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do mưa, lũ, sạt lở đất, lũ quét gây ra.

Liên quan đến công tác hỗ trợ ngành y tế các tỉnh miền Trung, Bộ Y tế đã yêu cầu Công ty cổ phần y tế Danameco, Công ty cổ phần Dược TW 3, Công ty cổ phần thiết bị y tế Medinsco yêu cầu các công ty này hỗ trợ Sở Y tế Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa mỗi tỉnh 200 phao tròn cứu sinh, 2 phao bè cứu sinh, 50 cơ số thuốc phòng chống lụt bão, 100.000 viên khử khuẩn cloramin B, 125 áo phao cứu sinh; riêng Sở Y tế tỉnh Quảng Bình được hỗ trợ thêm 2 nhà bạt 16m2.

Hoàng Oanh - Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/uu-tien-cao-nhat-la-dam-bao-an-toan-cho-nguoi-dan-n123737.html