Ðường sắt, hàng không 'vỡ' phương án vận tải Tết

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại ngay trước thời kỳ cao điểm Tết Nguyên đán đã làm phá vỡ các phương án vận tải; trong đó, đường sắt và hàng không đang phải chịu thiệt hại nặng nề khi hành khách mua vé trước đó đồng loạt hủy, trả do lo ngại dịch hoặc phong tỏa ở một số địa phương sau Tết.

Nhân viên Hãng hàng không Vietnam Airlines đo nhiệt độ cho hành khách, bảo đảm quy định phòng, chống dịch.

Nhân viên Hãng hàng không Vietnam Airlines đo nhiệt độ cho hành khách, bảo đảm quy định phòng, chống dịch.

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại ngay trước thời kỳ cao điểm Tết Nguyên đán đã làm phá vỡ các phương án vận tải; trong đó, đường sắt và hàng không đang phải chịu thiệt hại nặng nề khi hành khách mua vé trước đó đồng loạt hủy, trả do lo ngại dịch hoặc phong tỏa ở một số địa phương sau Tết.

Dồn dập trả vé

Kể từ ngày 1-2, ngay sau khi tỉnh Bình Dương công bố trường hợp thứ hai dương tính với dịch Covid-19, nhiều công nhân lao động đã vội vã ra ga Dĩ An (Bình Dương) xin trả vé vì lo lắng đi lại sẽ có nguy cơ lây bệnh. Do lượng hành khách xin trả vé quá lớn, ga Dĩ An buộc phải thông báo tạm ngừng trả vé chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp trên. Không chỉ ở Bình Dương, tại nhiều địa phương phía nam, do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, một số lượng lớn công nhân, học sinh từ các tỉnh phía bắc vào nam làm việc, học tập đã thay đổi kế hoạch, không đi tàu về quê ăn Tết mà chuyển sang đi ô-tô khách hoặc ở lại luôn không về. Tại ga Sài Gòn, vài ngày qua, mỗi ngày có hàng trăm hành khách đến đổi, trả lại vé tàu Tết. Nhiều thời điểm, các băng ghế trong sảnh tầng 2 ga Sài Gòn chật kín người ngồi chờ, phần lớn người đến đổi, trả vé tàu là hành khách mua vé chặng dài, đi các tỉnh từ Nghệ An trở ra phía bắc. Hầu hết hành khách đều chấp thuận chính sách trả vé của ngành đường sắt, dù mức phí hoàn vé lên tới 30%.

Chị Vi Thị Lụa, quê ở huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết, gia đình chị vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp đã ba năm nay, mọi năm vợ chồng con cái đều cố gắng dành dụm tiền về quê ăn Tết, năm nay cũng vậy, nhưng bây giờ, trước dịch bệnh diễn biến phức tạp, gia đình chị quyết định không về quê mà sẽ ở lại ăn Tết cùng mọi người trong khu trọ. Cho dù phí hoàn vé khá cao và cũng chưa nhận được tiền ngay, tuy xót ruột nhưng chị cũng hiểu và thông cảm với sự khó khăn của ngành đường sắt, được đổi là tốt lắm rồi. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn Lê Quốc Trung, hành khách trả vé đồng loạt và tăng đột biến sau khi có ca nhiễm tại Bình Dương đã gây khó khăn lớn về tài chính cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt. Có ngày, số lượng vé bị trả lại tới hơn 10 nghìn vé, số tiền phải hoàn lên đến 13 tỷ đồng, khiến đơn vị có thời điểm thiếu tiền cục bộ vì chưa điều tiết kịp. Áp lực trả vé quá dồn dập, sau khi bán vé Tết, dòng tiền đã được phân bổ để sửa sang toa xe, phục vụ các chi phí như điều hành, nhiên liệu, trang thiết bị,… chuẩn bị cho đợt vận chuyển cao điểm này.

Việc khách trả vé ồ ạt cùng lúc khiến công ty không thể xoay xở kịp, phải tìm đủ cách nhằm cân đối về tài chính. Chi phí đã bỏ ra rồi, hành khách trả vé nhưng trả vé kiểu "xôi đỗ", không phải nguyên đoàn hay nguyên toa để có thể bỏ chuyến, dồn toa. Không như máy bay đi/đến chỉ có một điểm, tàu hỏa trên tuyến bắc - nam dừng đón, trả khách ở hàng chục ga rải rác, hành khách đi nhiều cung chặng khác nhau nên rất khó sắp xếp, vẫn phải chạy tàu mà đã chạy là phát sinh nhiều chi phí. Ngành đang theo dõi tình hình khách đi tàu, nếu chuyến nào vắng quá sẽ bãi bỏ, chuyển đổi chỗ cho hành khách sang tàu khác và mong hành khách thông cảm, chia sẻ với khó khăn bất thường này. Ðồng thời, điều chỉnh quy định đổi, trả vé, hành khách có thể bảo lưu tiền vé để đi bất kỳ mác tàu nào trong năm 2021, nếu không đi thì hết năm 2021 sẽ trả nguyên tiền. Trường hợp khách vẫn muốn trả vé thì phải chịu mức phí đổi, trả theo quy định hiện hành và đường sắt sẽ hoàn tiền vé "chậm" trong vòng 90 ngày. "Ðây cũng chỉ là giải pháp cực chẳng đã thôi, lần đầu tiên đường sắt phải áp dụng", ông Trung buồn bã.

Siết chặt biện pháp phòng, chống dịch

Theo ước tính của Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam (VNR), trước thời điểm dịch bùng phát, vé tàu Tết đã rơi vào tình trạng ế ẩm, còn khoảng 60 nghìn vé tàu hỏa chưa bán hết. Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR Vũ Anh Minh dự báo, năm nay, VNR chỉ đạt 70% sản lượng giá vé bán Tết Nguyên đán so Tết năm trước, việc bố trí đoàn tàu Tết cũng không nhiều như năm ngoái. Ông Minh thừa nhận dịch Covid-19 năm vừa qua đã tác động quá lớn và làm tiêu tan sự kỳ vọng năm 2020 ngành đường sắt sẽ bình ổn về sản lượng khách và hàng hóa sau từ hai - ba năm tái cơ cấu, điều chỉnh sản phẩm, phân khúc khách hàng. Trước tình hình dịch bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp, lãnh đạo VNR đã yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành thực hiện ngay các giải pháp kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh, bảo đảm an toàn đợt vận tải Tết, kiện toàn ban phòng, chống dịch, bổ sung nhân lực, vật tư và xây dựng phương án xử lý tình huống phát sinh, bảo đảm hoạt động sản xuất liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Các ga đã được tiến hành vệ sinh môi trường, khử khuẩn, bố trí dung dịch rửa tay, sát khuẩn; thực hiện mỗi ba giờ vệ sinh sát khuẩn một lần tại các vị trí tiếp xúc nhiều ở các khu vực phục vụ hành khách… Nhân viên tiếp xúc với hành khách đều phải đeo khẩu trang khi tác nghiệp, tuyên truyền cho người dân, hành khách đi tàu về các biện pháp phòng, chống dịch. Trong toa xe, luôn duy trì nhiệt độ hơn 26 độ C, bố trí dung dịch rửa tay sát khuẩn, khuyến cáo hành khách hạn chế đi lại giữa các toa,...

Lĩnh vực hàng không, lãnh đạo Vietnam Airlines (VNA) cho biết, sau khi xuất hiện các ca lây nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng, nhiều hành khách do lo ngại đã hủy vé máy bay Tết. Các đường bay bị đổi, trả vé nhiều là đường bay đến Hải Phòng, do đây là địa phương nằm giữa hai vùng dịch Hải Dương, Quảng Ninh. Hiện tại, trước tình hình dịch bệnh bước đầu được kiểm soát, lượng hành khách trả vé đã giảm. Hãng cũng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt trong mọi khâu phục vụ. Theo đó, thực hiện đo thân nhiệt tất cả hành khách trước khi lên máy bay và khai báo y tế, đeo khẩu trang trong suốt hành trình bay. Tại sân bay, VNA thực hiện giãn cách hành khách ở khu vực làm thủ tục, phòng khách và lắp đặt thảm phun dung dịch khử khuẩn tại cửa lên máy bay. Trên chuyến bay, hãng cung cấp khăn tẩm cồn y tế Isopropyl 65% để hành khách lau tay và các vật dụng. "Riêng với các chuyến bay khởi hành từ sân bay Cát Bi, VNA nâng độ phòng, chống dịch từ mức 1 lên mức 3 (trên thang 4 mức độ), triển khai xếp chỗ ngồi giãn cách và không phục vụ suất ăn, chỉ phục vụ nước uống nhằm giảm tối đa sự tiếp xúc. Kết thúc mỗi chuyến bay khởi hành từ Nội Bài, Cát Bi đến Ðà Nẵng hoặc Tân Sơn Nhất, VNA sẽ phun khử trùng toàn bộ máy bay ngay sau khi hạ cánh", ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc VNA cho biết. Các chuyến bay từ Nội Bài, Cát Bi đến các sân bay địa phương sẽ được phun khử trùng sau khi thực hiện chuyến bay tiếp theo có điểm đáp tại Nội Bài, Ðà Nẵng hoặc Tân Sơn Nhất.

Ðối với cán bộ, nhân viên, hãng triển khai đo thân nhiệt cho toàn bộ nhân viên mặt đất và tổ bay trước khi làm nhiệm vụ, quán triệt đeo khẩu trang và thực hành các biện pháp phòng dịch như rửa tay, sát khuẩn trang thiết bị phục vụ khách,... Các nhân viên phục vụ chuyến bay từ Cát Bi, hãng tăng cường trang bị đồ bảo hộ y tế gồm khẩu trang y tế ba lớp, găng tay y tế hai lớp, dung dịch rửa tay khô hoặc giấy ướt có cồn và bộ đồ bảo hộ y tế toàn thân,… Tương tự VNA, các hãng hàng không khác cũng triển khai nhiều biện pháp tăng cường phòng, chống dịch theo quy định và hướng dẫn của các cơ quan chức năng.

MINH TRANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/uong-sat-hang-khong-vo-phuong-an-van-tai-tet-634479/