Ươm màu xanh trên đất sử đỏ

Đã 70 năm sau trận đánh lịch sử Trạm Thản - Chân Mộng (1952), vùng đất Trung du anh hùng này vẫn đang tiếp nối truyền thống sử đỏ, hằng ngày nỗ lực thay đổi diện mạo cuộc sống

Kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản (17/11/1952 - 17/11/2022)

Diện mạo cuộc sống nhiều đổi thay ở Trạm Thản.

Đánh tan cuộc hành quân Lo-ren

Rạng sáng 17/11/1952, những chiếc xe đầu tiên của lính Pháp đã tiến rất sâu vào Quốc lộ số 2 trên tuyến Chân Mộng - Trạm Thản, (hai xã giáp ranh của huyện Phù Ninh và Đoan Hùng ngày nay) nhưng cả đoàn 44 chiếc xe nối đuôi nhau đã lọt vào trận địa phục kích của dân quân, du kích và Trung đoàn 36 thuộc Đại đoàn quân Tiên phong 308.

Cuộc hành quân Lo-ren 1952 của giặc Pháp đã được tình báo của Việt Minh nắm rõ từ trước đó hai tuần. Khi ta đang tích cực chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc, quân Pháp vội vã củng cố phòng thủ khu vực Sơn La, Lai Châu và mở cuộc hành quân Lo-ren với một binh lực lớn đánh lên Phú Thọ, mục đích phân tán chủ lực của ta, quấy rối và phá hoại hậu phương trực tiếp của chiến dịch, hy vọng cứu vãn tình thế hết sức nguy kịch của chúng ở Tây Bắc.

Tổng Quân ủy Trung ương đã chỉ thị về Phú Thọ: “Trong khi chủ lực ta đánh mạnh trên các chiến trường chính thì địch sẽ đối phó bằng cách tấn công ra Phú Thọ để kiềm chế, chia sẻ lực lượng ta, đồng thời phá hoại kinh tế, kho tàng, mùa màng của ta, khủng bố nhân dân, bắt thanh niên đi lính. Tóm lại, chúng nhằm phá hoại nguồn cung cấp nhân, vật lực của ta, gây khó khăn cho tiền tuyến. Vì vậy, nhiệm vụ của Đảng bộ và các lực lượng vũ trang là phải tích cực đánh địch bằng mọi cách để bảo vệ kho tàng, mùa màng, bảo vệ nhân dân”.

Đúng như phán đoán, Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Bộ trực tiếp chỉ huy 13 tiểu đoàn bộ binh, ba tiểu đoàn dù, hai tiểu đoàn xung kích, bốn tiểu đoàn pháo binh, hai tiểu đoàn cơ giới, bẩy đại đội công binh, chia thành hai mũi. Mũi tiến sâu lên Đoan Hùng, mũi khác ồ ạt đánh vào khu vực hữu ngạn sông Thao, càn quét các huyện Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn. Mặc dù địch có lực lượng lớn với nhiều xe tăng và xe cơ giới bọc thép nhưng chúng đã hoàn toàn lọt vào thế trận mai phục của quân ta, chịu trận thảm hại tại những hẻm cua hiểm trở trên tuyến đường Chân Mộng - Trạm Thản.

Xúc động kể lại với chúng tôi về trận đánh oanh liệt 70 năm trước, cụ Nguyễn Thị Xuân Dậu, nay đã 96 tuổi (75 năm tuổi Đảng), nguyên là nữ chỉ huy Trung đội du kích Trạm Thản ngày ấy, kể lại: Rừng ngày ấy nhiều beo cọp rình bắt người nhưng các nữ du kích địa phương dũng cảm thạo đường mòn luồn lách dẫn lối cho bộ đội bày binh. Thế trận giăng khắp tuyến, quyết đánh thắng. Mờ sáng, hiệu lệnh vừa phát ra, bộ đội ta và du kích anh dũng xông lên, từ hai bên vách núi chụp lửa xuống đoàn xe địch, chốc lát xé toạc đội hình bọc thép. Toán đi đầu thoát chết chạy thẳng về Phú Hộ, số còn lại hứng trọn lưới lửa căm hờn của bộ đội. Hơn 400 tên địch bị tiêu diệt và 44 xe cơ giới bị phá hủy, trong đó có 17 xe tăng, xe bọc thép, ta thu rất nhiều quân trang, quân dụng của địch. Trận đánh được coi là phá hủy nhiều xe cơ giới nhất ở Đông Dương kể từ ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp của ta.

Vẫn theo cụ Dậu: Chúng chống trả dữ dội lắm, tăng bắn loạn xạ, lửa loang khắp quốc lộ. Lính Pháp còn tự khóa chân vào hốc thép trong xe quyết tử giữ xe. Bộ đội ta cảm tử hơn, nhảy lên nóc xe thả lựu đạn vào buồng lái. Trong trận này đã có 88 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Bắc - Bắc vĩnh viễn nằm lại đất Trung du. Nghĩa trang chiến dịch Trạm Thản giờ còn nhiều liệt sĩ chưa thể xác định thông tin...

Chiến thắng Chân Mộng- Trạm Thản đã phá vỡ âm mưu tìm diệt chủ lực và phá hoại hậu phương kháng chiến của thực dân Pháp, góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch Tây Bắc, đánh dấu sự phát triển, thế chủ động chiến lược, tiến tới giành toàn thắng trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược mà trận Điện Biên Phủ là một minh chứng hào hùng.

Mầu xanh trên đất anh hùng

“Ai qua Trạm Thản - Cầu Hai, xin mời dừng lại thăm đài Chiến công”, như một câu ca có nhạc sử đỏ, người dân Cầu Hai (xã Chân Mộng) và đất Thản hôm nay càng tự hào khi Tượng đài Chiến thắng ghi lại chứng tích oanh liệt được dựng lên, là Di tích lịch sử Quốc gia. Chiến thắng Sông Lô 1947, chiến thắng Tu Vũ 1951, nối tiếp là chiến thắng Trạm Thản - Chân Mộng 1952 đã ghi vào sử hùng Đất Tổ thêm một trang đỏ chói lọi, đẩy quân Pháp vào thế bị động, khiến chúng từng bước dẫn đến thất bại thảm hại Điện Biên Phủ hai năm sau đó.

27 năm sau, những chàng trai xứ đồi Trạm Thản - Chân Mộng lại cầm súng lên đường bảo vệ biên giới phía Bắc. Trở về quê nghèo làng Thản từ một lính đánh trận Vị Xuyên, anh Nghiêm Khắc Đại và những người bạn còn mang thương tật thời bình nỗ lực ổn định cuộc sống, rong ruổi khắp những cánh rừng trung du Phù Ninh và Đoan Hùng thu gom gỗ bán cho nhà máy giấy Bãi Bằng. Từ đây, anh Đại phát hiện nhu cầu cây giống trồng vùng nguyên liệu cho các nhà máy giấy rất lớn nên đã chuyển nghề ươm cây. Và hôm nay, dù đã chạm tuổi 60, nhưng ông Đạt vẫn thức dậy từ 5h sáng vặn vòi tưới mát vườn cây giống, săm soi từng luống ươm truy vết sâu bệnh. Hai con của ông đã trưởng thành, lập gia đình và ở riêng, chỉ hai vợ chồng ông nhưng làm tới ba sào vườn ươm. Keo, quế, mỡ, sơn, bạch đàn, nhất là giống keo Úc năm nay được mùa, ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Thương lái từ Quảng Ninh, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... tìm đến tận vườn thu mua hết. Vườn có hệ thống dẫn nước tự động, vợ chồng ông tự tay xử lý đất, lên bầu, gieo hạt, bón phân, chăm sóc mà không phải thuê người làm, mỗi tháng trừ mọi chi phí cũng thu lợi hơn 20 triệu đồng. Làng Thản mấy năm liền trúng vụ, trở thành làng nghề cây giống nguyên liệu nổi tiếng nhất miền Bắc, đời sống khấm khá hẳn.

Trạm Thản giờ chỉ còn 1,3% hộ nghèo. Năm 2021, xã đã cán đích nông thôn mới với nhiều tiêu chí ấn tượng, 100% khu đạt khu dân cư văn hóa, độ che phủ rừng đạt tới 95% diện tích. Chủ tịch xã, ông Lê Thế Cường, phấn khởi cho biết: Cả xã hiện đang có hơn 150 hộ làm vườn ươm cây giống. Từ đầu năm đến nay đã xuất bán trên 52 triệu cây giống, giá trị khoảng 21 tỉ đồng, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đạt gần 40 tỉ đồng. Cả xã có gần trăm xe tải, ô tô đã sắm hàng trăm chiếc. Đất sử đỏ đang có lợi thế ươm cây giống, phải phát huy chứ”.

Ngôi nhà ông Bùi Hoa Việt nằm rất gần Nghĩa trang Trạm Thản nay cũng chuyển sang nghề làm gỗ. Ông chính là con trai cụ Bùi Công Dương, chỉ huy dũng cảm của du kích Trạm Thản năm xưa đã trực tiếp được diện kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này. Gia đình ông Việt rất tự hào vì từ năm 1983 đã được coi sóc Nghĩa trang chiến dịch và trông quản Tượng đài Di tích. “Hồi nhỏ bọn tôi đi học còn trèo lên xác xe tăng địch nô đùa. Giờ mỗi lần kể lại trận đánh cho khách tham quan bố tôi từng góp sức mà thấy như đất Thản anh hùng hơn. Con cháu đất Thản nay giữ gìn chứng tích, được sống trong thời bình thì phải phấn đấu thoát nghèo, làm giàu cho xứng với truyền thống oai hùng của cha anh chứ”, ông Việt xúc động nói.

Quốc Tùng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//chinh-tri/uom-mau-xanh-tren-dat-su-do/188751.htm