Ước nguyện của nữ quân nhân 'mũ nồi xanh'

Trẻ trung và đầy nhiệt huyết, đó là điều chúng tôi cảm nhận được từ Trung úy QNCN Trần Như Ngọc, điều dưỡng viên Khoa Nội 1, Bệnh viện Quân y 17 (Cục Hậu cần Quân khu 5) trước ngày lên đường tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2, số 5 (BVDC2.5) lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan.

Trần Như Ngọc tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng đa khoa tại Đại học Kỹ thuật y dược Đà Nẵng. Năm 2019, chị về công tác tại Bệnh viện Quân y 17. Năm 2020, chị viết đơn tình nguyện và được lựa chọn huấn luyện tại Bệnh viện Quân y 175 để tham gia BVDC2.3. Tuy nhiên, lần đó, Như Ngọc chưa đủ điều kiện để trở thành thành viên của bệnh viện. Trở về công tác tại Bệnh viện Quân y 17, chị Ngọc luôn nỗ lực học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn và ngoại ngữ với ước mơ trở thành nữ quân nhân “mũ nồi xanh”. Tháng 5-2022, Như Ngọc tiếp tục được gọi tham gia huấn luyện cho BVDC2.5. Trải qua hơn một năm huấn luyện tập trung, chị được học tập kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ và kỹ năng sinh tồn; tìm hiểu về cuộc sống của người dân Nam Sudan, từ đó luôn mong muốn được cùng đồng đội, đồng nghiệp chia sẻ, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn ở nơi rất xa quê hương. Ước mơ đã thành hiện thực, mới đây, Như Ngọc là nữ quân nhân duy nhất trong 6 quân nhân của Bệnh viện Quân y 17 và Bệnh viện Quân y 13 (Cục Hậu cần Quân khu 5) tham gia BVDC2.5. Trung úy QNCN Trần Như Ngọc chia sẻ: “Quá trình huấn luyện, tôi có cơ hội được tiếp xúc và làm việc với những chuyên gia, giảng viên nước ngoài, từ đó giúp bản thân ngày càng tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh cũng như phong cách ứng xử trong cuộc sống, công tác chuyên môn. Tôi rất ngưỡng mộ và ấn tượng với những việc làm mà lực lượng “mũ nồi xanh” đã cống hiến trong thời gian qua. Những điều đó đã thôi thúc tôi đăng ký tình nguyện tham gia BVDC2.5 với mong muốn góp một phần sức trẻ và nhiệt huyết để lan tỏa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đến bạn bè thế giới. Đây là khoảng thời gian vô cùng quý báu để tôi trau dồi và hoàn thiện bản thân”.

Trung úy QNCN Trần Như Ngọc (thứ 2, từ trái sang) được kết nạp Đảng trước khi lên đường tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan.

Sáng 30-6 vừa qua, tại sân bay Tân Sơn Nhất, chiếc phi cơ mang số hiệu A41-213 đưa Trung úy QNCN Trần Như Ngọc cùng với tập thể BVDC2.5 lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại Nam Sudan.

Bài và ảnh: LÊ TÂY

-----------

Phát huy nội lực của cộng đồng trong xây dựng nhà văn hóa

Những năm trước đây, gần 60 hộ dân với hơn 270 nhân khẩu ở bản Hạ (xã Pá Khoang, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) không có nơi hội họp, sinh hoạt cộng đồng. Nhân dân mong mỏi có một “ngôi nhà chung” nhưng do kinh phí đầu tư lớn so với mức thu nhập của bà con, nên mọi chuyện khó thành hiện thực.

Một buổi sinh hoạt cộng đồng của người dân tại nhà văn hóa bản Hạ.

Khi bản Hạ được UBND TP Điện Biên Phủ hỗ trợ vốn mua vật liệu xây nhà văn hóa thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Pá Khoang xác định đây là cơ hội để hiện thực hóa mong muốn của nhân dân. Chính vì vậy, đại diện cấp ủy, chính quyền xã tích cực đến từng ngõ, gõ từng nhà vận động nhân dân ủng hộ hiến đất, đồng thời huy động ngày công để xây dựng nhà văn hóa. Từ đây, công trình nhà văn hóa bản Hạ có diện tích 90m2 cùng khuôn viên sân vui chơi thể thao rộng hơn 500m2 với tổng mức đầu tư 300 triệu đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 12-2022. “Nhân dân trong bản rất phấn khởi vì có nơi sinh hoạt cộng đồng rộng rãi, khang trang, sạch đẹp. Chúng tôi tự hào vì đã góp một phần vào sự phát triển của quê hương. Chúng tôi sẽ giữ gìn, sử dụng và phát huy hiệu quả thiết thực công trình này”, ông Lường Văn Tụt, người dân ở bản Hạ chia sẻ.

Mỗi nhà văn hóa được xây dựng thành công là một minh chứng cho sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", biết dựa vào dân để huy động sức dân là cách làm giúp xã Pá Khoang hoàn thành 12/16 nhà văn hóa bản. Theo đồng chí Cà Văn Chung, Phó chủ tịch UBND xã Pá Khoang, hiện nay trên địa bàn xã còn 4 bản chưa có nhà văn hóa. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương quyết tâm phát huy những kết quả đã đạt được nhằm sớm hoàn thành việc xây dựng nhà văn hóa tại các bản còn lại, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2023-2025.

Bài và ảnh: KHÁNH HIẾU

-------------

Loa phát thanh tự động xóa bỏ điểm “đen” đổ rác tự phát

“Đề nghị người dân không vứt rác tại khu vực này. Mọi người hãy để rác ra trước cửa nhà mình từ 16 giờ đến 17 giờ. Cán bộ môi trường sẽ thu gom rác để bảo đảm vệ sinh môi trường”-mỗi khi có người vứt rác không đúng vị trí, loa phát thanh tự động sử dụng năng lượng mặt trời được lắp tại ngõ 6, phố Trịnh Công Sơn, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội lại phát ra lời nhắc nhở như vậy. Nhờ vậy, bãi rác tự phát tại đây đã được xóa bỏ. Đây là mô hình của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quận Tây Hồ trong Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2023 triển khai lắp đặt với mong muốn tuyên truyền người dân không vứt rác bừa bãi.

Loa tuyên truyền tự động được lắp tại ngõ 6, phố Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ, TP Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Ánh, chủ cửa hàng tạp hóa đối diện loa phát thanh tự động cho biết: “Trước đây, tại khu vực đầu ngõ 6 là bãi rác tự phát, gây ô nhiễm môi trường. Chính quyền địa phương đã nhiều lần nhắc nhở, cắm biển cấm, nhưng không cải thiện được tình hình. Giờ đây, nhờ loa phát thanh tự động nhắc nhở khiến người có hành vi đổ rác sai quy định thấy xấu hổ”.

Trao đổi với chúng tôi, anh Đinh Ngọc Thanh, Phó bí thư Quận đoàn Tây Hồ cho biết: "Mô hình này có thể lắp đặt ở mọi nơi vì sử dụng năng lượng mặt trời. Loa phát thanh tự động sử dụng bộ cảm ứng người qua lại. Vì vậy, khi có người di chuyển đổ rác không đúng vị trí, hệ thống loa sẽ kích hoạt và đưa ra lời nhắc nhở. Mô hình này không những giúp tình trạng ô nhiễm rác thải tại đây giảm hẳn mà quan trọng hơn là nâng cao ý thức tự giác của người dân, góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh đô thị".

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Bài và ảnh: HỒNG NGỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/uoc-nguyen-cua-nu-quan-nhan-mu-noi-xanh-734606