Ước mơ của cô bé Vân Kiều bị suy thận

Năm nay đã 14 tuổi nhưng em Hồ Thị Lan Anh, trú tại thôn Cheng, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa, thường bị nhầm với những cô bé tiểu học. Căn bệnh suy thận nặng khiến em trở nên nhỏ bé, gầy guộc, cướp đi cả cuộc sống yên ả và những ước mơ con trẻ của Lan Anh.

Lan Anh (bên phải) và mẹ san sẻ phần cơm bụi trong bệnh viện - Ảnh: T.L

Gặp Lan Anh sau ca chạy thận, cô bé người Vân Kiều đang cố ăn vội miếng cơm để kịp bắt chuyến xe từ bệnh viện trở về nhà. Chốc chốc, Lan Anh lại giục mẹ cùng ăn. Mỗi lần như thế, mẹ của em là chị Hồ Thị Poong chỉ dùng đũa gắp qua loa vài miếng, như để con yên lòng. Khẩu phần ăn 15 ngàn đồng chưa bao giờ đủ để cả hai mẹ con cùng ấm bụng.

Thế nhưng, ít ai biết, một bữa cơm như thế này là ước mơ không chỉ của Lan Anh mà cả các thành viên khác trong gia đình.

Dù rất mệt nhưng Lan Anh vẫn nở nụ cười. Cô bé hạnh phúc bởi hôm nay có người đưa đi chạy thận. Ở nhà Lan Anh, cả ba và em trai cũng đang bị bệnh tật giày vò. Mọi gánh nặng trong nhà đặt cả trên đôi vai gầy của mẹ. Biết hoàn cảnh gia đình nên Lan Anh thường tự nguyện một mình bắt xe khách về Bệnh viện Đa khoa tỉnh để chạy thận. Những lúc kiệt sức, em mới nhờ người đưa đi. Thế nhưng, từ trong sâu thẳm, Lan Anh vẫn mong muốn có người thân bên cạnh để được cảm nhận hơi ấm của sự quan tâm, săn sóc.

Là con thứ ba trong một gia đình đông anh em ở huyện vùng cao Hướng Hóa, từ nhỏ, Lan Anh đã quen với cuộc sống thiếu thốn. Bữa cơm no, manh áo lành là ước mơ của em. Vất vả của cuộc sống đã phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe của cô bé Vân Kiều. Những trận ốm cứ triền miên đeo đuổi em.

Thế nhưng, vì hoàn cảnh khó khăn nên ba mẹ hiếm khi cho em đến bệnh viện khám, điều trị. Cách đây không lâu, thấy cơ thể em phù nề, chỉ thở thôi cũng khó nhọc, ba mẹ mới xoay chạy vay mượn để đem Lan Anh đến viện. Qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện em bị suy thận nặng. Để duy trì sự sống, Lan Anh được đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế để mổ cầu, sau đó chạy thận mỗi tuần hai lần.

Thông tin ấy khiến Lan Anh và các thành viên khác trong gia đình rất sốc. Ba mẹ lại một lần nữa chạy vạy khắp nơi để Lan Anh có tiền mổ cầu. Sau đó, họ tiếp tục phải bước vào hành trình chạy thận khánh kiệt về cả kinh tế, thể chất lẫn tinh thần cùng Lan Anh. Mỗi lần nhìn gương mặt hốc hác của ba mẹ, Lan Anh thấy nhói trong lòng nhưng cô bé không biết phải làm sao để giúp cả nhà vơi bớt gánh nặng. Vì vậy, Lan Anh thường chọn cách cắn răng chịu đựng những cơn đau.

Tin xấu liên tục đến với gia đình Lan Anh. Sau khi em bước vào chuỗi ngày chạy thận, ba của Lan Anh là anh Hồ Xà Ưn bị mắc bệnh hở van tim, suy thận, rồi loét dạ dày nặng... Thực ra, mấy năm nay, ba của Lan Anh đã cố sống chung với bệnh vì biết gia đình không có điều kiện. Thế nhưng, đến thời điểm này, sức khỏe không còn cho phép ông chịu đựng hơn được nữa. Mới đây, em trai của Lan Anh cũng đổ bệnh. Các bác sĩ xác định em có khả năng bị nhiễm trùng máu, cần khám, điều trị khẩn cấp. “Hoàn cảnh gia đình khiến ba mẹ em suy sụp lắm. Ba mẹ em không biết phải làm sao”, Lan Anh kể trong dòng nước mắt.

Biết tình trạng bệnh của mình, từ lâu, Lan Anh đã dám nhìn thẳng vào sự thật. Cô bé người Vân Kiều biết mình không bao giờ có thể khỏi bệnh. Vì thế, em chỉ mong sao ba và em trai có tiền khám, điều trị bệnh, để không ai bị rơi vào hoàn cảnh như mình. Thế nhưng, ước mơ ấy lại nằm ngoài tầm tay của Lan Anh.

Tây Long

*Mọi sự ủng hộ em Hồ Thị Lan Anh xin gửi đến Báo Quảng Trị - 311 - Hùng Vương - thành phố Đông Hà (ĐT: 0919001317) hoặc chuyển vào tài khoản: Báo Quảng Trị, số TK: 0771000000456 tại NHTMCP Ngoại thương Việt Nam-Chi nhánh Quảng Trị; 54010000470399 tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Quảng Trị; 102010000393537 tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam-Chi nhánh Quảng Trị; 3900211011886 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Quảng Trị; hoặc gửi trực tiếp về gia đình theo địa chỉ: Em Hồ Thị Lan Anh, thôn Cheng, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/uoc-mo-cua-co-be-van-kieu-bi-suy-than/181780.htm