Ứng xử với công nghệ

Đứng trước cái mới, chúng ta thường nhìn vào cách ứng xử của nước khác để học hỏi kinh nghiệm, nhất là khi nước đó trải nghiệm cái mới trước chúng ta khá lâu. Chính vì thế, vào thời kỳ đầu bùng nổ công nghệ thông tin, chúng ta thường ủng hộ những điều được xem là lẽ thường tình, là cách tiếp cận đúng đắn.

Có thể kể nhiều ví dụ như ưu ái cho xe taxi công nghệ vì cách tổ chức rất khoa học; đánh giá cao các mạng xã hội nhờ tính kết nối của chúng; coi trọng dữ liệu, cho phép chúng tự do di chuyển như dòng huyết quản nuôi sống một thế giới không biên giới… Lúc đó chúng ta không lo lắm chuyện bảo vệ dữ liệu cá nhân, chuyện lừa đảo qua mạng…

Tuy nhiên, hiện nay thái độ của các nước đối với công nghệ, đặc biệt là với các doanh nghiệp công nghệ lớn như Google, Apple, Facebook, TikTok, Amazon… đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt, cần lưu ý tìm hiểu.

Chẳng hạn mới đây nhất nước Mỹ kiện Apple ra tòa với cáo buộc đã sử dụng vị thế thống lĩnh thị trường của chiếc điện thoại iPhone nhằm bóp nghẹt cạnh tranh. Giả dụ như iPhone là sản phẩm của một nước nào khác, ắt rằng nước đó sẽ ưu ái hết mình cho chiếc điện thoại cả thế giới dùng, đem lại biết bao ưu thế, kể cả uy tín cho nước chủ nhà. Thế nhưng cách tiếp cận của nước Mỹ không chỉ vì một sản phẩm hay một doanh nghiệp; cái họ nhắm đến là một thị trường cạnh tranh lành mạnh, nơi mọi doanh nghiệp đều có thể thi đấu với nhau trên cùng một mặt bằng như nhau. Có như thế các công ty khởi nghiệp mới có thể gia nhập thị trường, tìm cách lớn mạnh và tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác.

Lý do siết lại với các công ty công nghệ không chỉ nhằm nuôi dưỡng môi trường cạnh tranh bình đẳng; nó còn là bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ an ninh quốc gia như lý do nhiều nước đưa ra khi phạt Facebook hay cấm TikTok. Nói cách khác, hai thập niên trước đây là giai đoạn các nước để công ty công nghệ tự quản lý; nay là lúc các nước biên soạn các điều luật, quy định để kìm cương các công ty này.

Trong bối cảnh đó, thiết nghĩ chúng ta cũng phải rà soát lại các luật lệ liên quan, biên soạn luật mới nếu chưa có và sửa đổi luật cũ để thích ứng với tình hình mới. Chẳng hạn, đối với dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, cần biên soạn luật để siết lại việc doanh nghiệp công nghệ thu thập dữ liệu người dùng mà không có biện pháp bảo mật đầy đủ; ngăn chận tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân, bịt các lỗ hổng bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo người dùng. Việc siết lại như thế không loại trừ doanh nghiệp nào hay tổ chức nào, bất kể quy định mới có thể làm chi phí tuân thủ của họ cao hơn, tốn công sức hơn.

Chúng ta đón nhận cái mới, như thương mại điện tử hay các loại hình dịch vụ xuyên biên giới nhưng đồng thời cũng cần duy trì việc tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng. Như thế, luật lệ phải nhắm tới việc khắc phục những khe hở để các công ty nước ngoài lợi dụng nhằm chi phối hệ thống phân phối trong nước, gây khó khăn cho sản xuất trong nước.

Trên thực tế, nếu không có một chiến lược toàn diện, chúng ta dễ dàng bị tràn ngập bởi sản xuất và dịch vụ nước ngoài, từ phân phối hàng hóa giá rẻ được trợ giá vận chuyển đến phim ảnh, ca nhạc, phương tiện giải trí. Góc nhìn từ lợi ích của người tiêu dùng là quan trọng; nhưng quan trọng hơn là lợi ích chung của cả nền kinh tế cũng như sự an toàn của người tiêu dùng.

Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ung-xu-voi-cong-nghe/