Ứng phó với hạn hán, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 3 tháng đầu năm, hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 90%; dự báo trong 3 tháng tiếp theo, El Nino giảm dần về cường độ, nhưng vẫn có khả năng duy trì tới tháng 6, với xác suất khoảng từ 60-65%, dẫn đến nguy cơ hạn hán, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, do xuất hiện nắng nóng gay gắt, thiếu hụt lượng mưa, nguồn nước trong các hồ chứa sụt giảm nhanh và gia tăng nhu cầu dùng nước.

Giọng nữ

Giọng nam

Giọng nữ

Nông dân bản Tân Kiểng, xã Mường Do, khơi thông dòng chảy mương nội đồng. Ảnh: PV

Trước diễn biến khó lường của thiên tai, các cấp, các ngành, huyện, thành phố trong tỉnh tập trung theo dõi chặt diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán. Các cơ quan chức năng có dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước và nguy cơ thiếu nước để cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân. Đồng thời, chủ động triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước phù hợp với diễn biến thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực; hướng dẫn tổ chức sản xuất phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là thời kỳ cao điểm thường xảy ra hạn hán.

Chú trọng tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp nêu cao ý thức, nhận thức đúng, đầy đủ về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước. Các cơ quan chức năng tăng cường quản lý việc khoan giếng nước ngầm và khai thác nước ngầm đúng theo quy định.

Thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong các công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước, có kế hoạch phân phối nước hợp lý và kịp thời điều chỉnh khi bị thiếu hụt để đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu về nước phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng... Tiếp tục hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục và các nhu cầu thiết yếu khác, không để thiếu nước sinh hoạt. Thực hiện tốt các biện pháp sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả. Xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể theo chỉ đạo của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Rà soát, đánh giá lại công năng, nhiệm vụ, quy trình vận hành của hệ thống công trình nước sinh hoạt đô thị, nông thôn; các đập, hồ chứa nước; nạo vét bồi lắng lòng hồ, bảo đảm dung tích phòng lũ của hồ chứa theo thiết kế. Chỉ đạo quản lý, duy tu, bảo dưỡng hệ thống nước sinh hoạt, điều phối nước sinh hoạt tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý, vận hành các đập, hồ chứa nước, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công trong lĩnh vực thủy lợi, nước sinh hoạt nông thôn, bàn giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch tập trung nông thôn theo quy định.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước; lãnh đạo, chỉ đạo tích trữ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; quản lý việc khoan giếng nước ngầm và khai thác nước ngầm theo quy định.

Tập trung giải quyết các thủ tục hành chính, khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án đầu tư thủy lợi, nước sinh hoạt nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Tăng cường quản lý nhà nước về thủy lợi, nước sinh hoạt. Chỉ đạo quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt hiện có. Chú trọng kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc để giải quyết kịp thời, hiệu quả. Chỉ đạo đánh giá, hỗ trợ, triển khai nhân rộng các các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, tích trữ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Kịp thời động viên, biểu dương và nhân rộng những mô hình hay, điển hình tốt, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Các địa phương chỉ đạo thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước; triển khai phương án đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân, nhất là khu vực dự báo thiếu hụt nước sinh hoạt.

Ngọc Thuấn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-de-hom-nay/ung-pho-voi-han-han-thieu-nuoc-sinh-hoat-va-san-xuat-bs4qGNaIg.html