Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác thanh long hữu cơ

Trước những yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước, việc nâng cao năng suất và chất lượng trái thanh long đang là mối quan tâm hàng đầu của người trồng. Trong đó, cần thiết phải ứng dụng các kỹ thuật sinh học trong canh tác thanh long, cho chất lượng trái đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Quan trọng là không tồn lưu hóa chất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho vùng trồng thanh long trên địa bàn tỉnh.

Mô hình sản xuất thanh long hữu cơ

Ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, đến thời điểm này, Bình Thuận có khoảng 30.000 ha thanh long. Trong đó có trên 9.000 ha thanh long được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và khoảng 500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Để vùng sản xuất thanh long phát triển ổn định và đạt hiệu quả kinh tế cao, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó các giải pháp có vai trò quyết định là mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, tăng cường tiến bộ khoa học, công nghệ. Trong đó, dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình liên kết sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” đang được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện. Qua đó, nhằm góp phần nâng cao năng suất và chất lượng thanh long, mang lại giá trị kinh tế cho người dân.

Mô hình tại Trang trại Hồng Hà

Quá trình thực hiện dự án, có 3 cơ sở đảm bảo các điều kiện để thực hiện mô hình sản xuất thanh long hữu cơ, gồm HTX thanh long Thuận Tiến (Hàm Thuận Bắc) được thành lập với 11 thành viên, đã có 31,8 ha thanh long được cấp giấy chứng nhận VietGAP và 4 ha thanh long đã được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP. Công ty TNHH Nông Nghiệp Xanh Khang Quân (Thuận Quý, Hàm Thuận Nam) sản xuất 10 ha thanh long ruột đỏ (H14) 2 năm tuổi. Trang trại có đầy đủ các cơ sở vật chất để phục vụ sản xuất, các phân khu về nhà ở công nhân, phân lô khu vực sản xuất, hệ thống xử lý nước thải đảm bảo an toàn cho môi trường, hệ thống tưới gốc và tưới phun có thể kết hợp giữa tưới nước và bón phân. Công ty TNHH Sinh Thái Hồng Hà (Hàm Cường, Hàm Thuận Nam) đã và đang tiến hành trồng mới thanh long tím hồng, thuận lợi cho việc triển khai dự án. Sau 24 tháng, thanh long đã có trái, đáp ứng yêu cầu phải có trái để được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận hữu cơ.

Vườn thanh long hữu cơ

Thành công từ việc áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất

Th.s Nguyễn Thị Phương Vinh‐ Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh (chủ nhiệm dự án) cho biết: Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình liên kết sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” bắt đầu thực hiện từ cuối năm 2019. Đến nay dự án đã thực hiện thành công 3 mô hình sản xuất thanh long hữu cơ với tổng diện tích là 80 ha, đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu. Gồm mô hình thanh long hữu cơ tại Hợp tác xã Thuận Tiến 10 ha; tại Công ty TNHH Sinh Thái Hồng Hà 60 ha và mô hình thanh long hữu cơ Công ty TNHH Nông Nghiệp Xanh Khang Quân 10 ha. Đơn cử, hiệu quả kinh tế đạt được tại HTX thanh long Thuận Tiến cho thấy, sản xuất thông thường chi phí khoảng 8.000 đồng/kg, còn thanh long sản xuất hữu cơ 12.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá bán thanh long hữu cơ bình quân 30 triệu đồng/tấn, trong khi giá bán thanh long thường chỉ 12 triệu đồng/tấn. Do đó, hiệu quả kinh tế của thanh long hữu cơ có giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với sản phẩm thanh long thông thường.

Ngoài ra, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết, nguyên tắc sản xuất hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường sống. Việc xây dựng và chuyển giao thành công quy trình sản xuất thanh long hữu cơ sẽ tạo điều kiện để hình thành vùng sản xuất thanh long hữu cơ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sang các thị trường khó tính. Song song, nâng cao giá trị của trái thanh long, tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện kinh tế cho nông hộ. Việc canh tác nông nghiệp hữu cơ dựa vào nguyên tắc thân thiện với môi trường và đảm bảo cân bằng hệ sinh thái. Sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ là xu hướng tất yếu của sản xuất cây trồng nói chung và cây thanh long nói riêng. Chứng nhận hữu cơ được xem là tấm vé thông hành vào các thị trường có giá trị cao trên thế giới. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, việc phổ biến rộng rãi kết quả mô hình, tạo tiền đề xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ xuất khẩu. Tuy nhiên cần lưu ý, cơ sở phải duy trì sản xuất hữu cơ liên tục. Không được chuyển đổi qua và phải tách biệt khu vực sản xuất hữu cơ, sản phẩm hữu cơ với khu vực sản xuất không hữu cơ, sản phẩm không hữu cơ…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/ung-dung-tien-bo-ky-thuat-trong-canh-tac-thanh-long-huu-co-103233.html