Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Đảng (bài cuối)

Việc triển khai 'Sổ tay đảng viên điện tử' ở nhiều địa phương trong đó có Hà Nội đang phát huy hiệu quả mạnh mẽ. Đây cũng chính là điểm nhấn thực hiện mục tiêu mà Quyết định số 27-QĐ/TW ngày 10/8/2021 của Ban Bí thư về việc ban hành Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan đảng giai đoạn 2021-2025 đề ra.

Mọi thông tin tới đảng viên có thể chỉ tính bằng giây, bằng phút

Quyết định số 27-QĐ/TW ngày 10/8/2021 của Ban Bí thư về việc ban hành Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan đảng giai đoạn 2021-2025 nêu rõ mục tiêu tổng quát: "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc và cải cách hành chính trong Đảng; tăng cường kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu, phát triển, nâng cấp các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho công tác tham mưu, thông tin, phục vụ và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tại các cơ quan đảng, đồng thời, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan đảng phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia".

Nhận xét về hiệu quả việc thực hiện chuyển đổi số trong sinh hoạt Đảng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết: "Sổ tay đảng viên điện tử" đang được triển khai rất hiệu quả. Đây là kênh thông tin 2 chiều. Trước đây, chỉ thị, nghị quyết phải qua cấp ủy cấp huyện, cấp xã, đến chi bộ, rồi mới đến đảng viên; bây giờ chuyển thẳng xuống đảng viên luôn, chỉ tính bằng giây, bằng phút, không phải chờ. Cho nên, những chủ trương mới, cấp bách là đảng viên có thể tiếp nhận và thực hiện được ngay, vừa hiệu quả vừa tiết kiệm in ấn. Thứ hai, qua "Sổ tay đảng viên điện tử", cấp ủy cấp trên hay Ban tổ chức Thành ủy có thể thu nhận được thông tin từ cơ sở. Đảng viên muốn phản ánh với TP, quận, huyện về những vấn đề thực tế ở cơ sở thì phản ánh được ngay trên ứng dụng này nên thông tin là chính xác nhất và nhanh nhất. Thứ ba là chúng tôi kiểm soát được toàn bộ sinh hoạt chi bộ, tháng này có sinh hoạt không, bao nhiêu đảng viên sinh hoạt, thời gian có đúng không, nội dung sinh hoạt là gì...

Bác Nguyễn Văn Thịnh - Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 7, Đảng ủy phường Bồ Đề (Hà Nội) điều hành một cuộc họp chi bộ trực tuyến thông qua hệ thống máy chiếu và camera do UBND phường trang bị.

Tất cả đều có thể theo dõi được. Chi bộ nào không sinh hoạt, sinh hoạt không có nội dung cũng được phản ánh. Đảng viên có 40 người mà chỉ có 15 đồng chí sinh hoạt là chúng tôi biết hết. Cho nên "Sổ tay đảng viên điện tử" có tác dụng rất tích cực. Việc sử dụng phần mềm còn đem lại tính chính xác, nhất là những nội dung liên quan đến cán bộ, đảng viên như Huy hiệu Đảng, thẻ Đảng, nâng lương, nâng bậc, chính sách khám sức khỏe, đối tượng chăm sóc người có công đều đòi hỏi yêu cầu rất cao về tính chính xác, kịp thời, không được nhầm lẫn. Nhờ phần mềm, chúng tôi bảo đảm tốt tính chính xác, kịp thời".

Tuy nhiên, theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, các phần mềm hiện vẫn chưa được khai thác hết tính năng, đến nay mới có thể phục vụ cho 2 trong số khoảng 10 nghiệp vụ công tác đảng viên. Nếu khai thác hết, tác dụng, hiệu quả và năng suất lao động còn lớn hơn rất nhiều. Ông Bảo thông tin, cái khó nhất hiện nay là nhập dữ liệu, nhất là cập nhật dữ liệu từ cơ sở. Phần mềm không quan trọng bằng nhập dữ liệu. Nhập dữ liệu phải bảo đảm thời gian và tính chính xác. Hiện nay, các cấp cơ sở thường phải thuê nhưng theo thời gian thì không thể thuê mãi được khi nhập dữ liệu phát sinh di biến động...

"Để khắc phục, chúng tôi đã kiến nghị đưa vấn đề này vào Luật Thủ đô (sửa đổi). Chúng tôi cùng với Sở Nội vụ TP Hà Nội đã tham mưu giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này. Nếu các điều kiện thuận lợi thì UBND TP sẽ sớm trình HĐND TP quyết định bổ sung cho mỗi địa phương 1 biên chế văn phòng cấp ủy chuyên trách được hưởng chế độ. Một số nơi đông đảng viên có thể có nhiều hơn 1 biên chế", ông Bảo nói.

Chuyển đổi số trong Đảng cần được thực hiện đồng bộ từ trung ương đến địa phương

Hiện nay, Hà Nội cũng như đảng bộ các tỉnh, TP trên cả nước cơ bản là triển khai "chuyển đổi số" mang tính địa phương, nội bộ là chính, mỗi tỉnh, TP làm một kiểu, chưa thống nhất, trong khi "chuyển đổi số" rất cần được triển khai đồng bộ từ trung ương xuống địa phương. Tại Hà Nội, từ Thành ủy xuống các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn cơ bản là thông suốt, thuận lợi nhưng các vấn đề báo cáo với các cơ quan trung ương thì vẫn đang phải làm thủ công.

"Chúng tôi cho rằng, trung ương cần ban hành các quy định, các tiêu chí, tiêu chuẩn để các cấp ủy cấp dưới chuẩn hóa và đến lúc nào đó có thể khớp nối đồng bộ, vận hành liên thông, thông suốt", Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo kiến nghị.

Còn theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, triển khai phần mềm "Sổ tay đảng viên điện tử" và "Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên" là việc mới và khó khi Đảng bộ TP Hà Nội có đông đảng viên và sinh hoạt ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp khác nhau. Để phần mềm thật sự "đúng, đủ, sạch, sống", các địa phương chủ động hơn trong cập nhật thông tin của địa phương lên phần mềm; khắc phục những khó khăn về công nghệ, nguồn nhân lực… để triển khai căn cơ, bài bản các nội dung của phần mềm này đến các đảng viên.

Theo TS Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Vinasa, một trong ba tác giả cuốn sách "Hỏi đáp về chuyển đổi số" do Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành, trong bối cảnh các cấp chính quyền và người dân hoạt động trong môi trường số nhiều hơn và khi chính quyền với người dân tương tác trên môi trường số, công tác Đảng cũng cần chuyển đổi số để nắm bắt tình hình, nguyện vọng của nhân dân để lãnh đạo. Trước đây, khi muốn phổ biến các nghị quyết từ trung ương tới cơ sở, cấp trên phải cử những cán bộ tuyên huấn truyền đạt tại các hội nghị và xuống từng cấp chi bộ nên quá trình triển khai mất nhiều thời gian.

Hiện nay, với phương tiện công nghệ phát triển, Nghị quyết của Đảng có thể lan tỏa đến từng đảng viên nhanh chóng. Nếu không tận dụng môi trường số để tổ chức công tác Đảng, hoạt động của Đảng trên môi trường số, đây sẽ là bất cập lớn. Việc chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong công tác Đảng là một quá trình và quá trình nào cũng có khó khăn. Để việc triển khai đồng nhất về dữ liệu sổ tay đảng viên, theo ông Quang có thể triển khai theo 2 hướng. Hướng thứ nhất là thiết kế và sử dụng thống nhất một ứng dụng từ trung ương cho toàn quốc. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi sử dụng đường truyền dung lượng lớn và liên quan đến vấn đề bảo mật, an toàn thông tin.

Hướng làm thứ hai là mỗi địa phương hoặc khối doanh nghiệp làm một sổ tay đảng viên điện tử. Phương án này không kinh tế, không đồng đều khi triển khai nhưng sẽ phát huy tính sáng tạo địa phương. Tuy nhiên, với phương án này, cơ quan Đảng cấp trung ương sớm quy định chuẩn dữ liệu thống nhất để các địa phương triển khai. Phương án này bên cạnh quy chuẩn chung sẽ phát huy tính đặc thù địa phương và sự sáng tạo.

Ngọc Yến - Thanh Huyền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/ung-dung-manh-me-cong-nghe-thong-tin-nang-cao-chat-luong-hieu-qua-cong-tac-dang-bai-cuoi--i724112/