Ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đã và đang gây nhiều tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống dân sinh ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Thích ứng hiệu quả, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần sản xuất xanh, bền vững là giải pháp nhiều địa phương tăng cường thực hiện.

Cán bộ kỹ thuật Công ty THHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre kiểm tra độ mặn khu vực cống Trung Nhuận, huyện Giồng Trôm. Ảnh tư liệu: Công Trí/TTXVN

Chọn tạo, chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi

Các nhà khoa học dự báo, đến năm 2030, Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 45% diện tích đất có nguy cơ nhiễm mặn, năng suất lúa giảm 9%, sản lượng cây ăn trái, thủy sản nước ngọt bị tổn thất, đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Vì vậy, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, bình tuyển, chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng thích ứng với những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu là rất cần thiết.

Theo ông Võ Hữu Thoại, Viện Cây ăn quả miền Nam (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có đóng góp rất quan trọng về sản lượng lúa, thủy sản, trái cây phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong đó, với diện tích trồng cây ăn quả 363,7 ngàn ha, đây là vùng sản xuất, xuất khẩu trái cây nhiệt đới lớn nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn đối với khu vực này. Thích ứng, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào phát triển các giống cây ăn quả chủ lực, Viện Cây ăn quả miền Nam đã chọn tạo, phát triển nhiều giống cây ăn quả mới có năng suất, chất lượng cao, được công nhận và đưa vào sản xuất. Viện nghiên cứu, chuyển giao nhiều tiến bộ về kỹ thuật canh tác giúp giảm chi phí “đầu vào”, khai thác tối đa tiềm năng, năng suất, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản… Viện tiến hành phục tráng giống và bình tuyển các cây đầu dòng đặc sản, bản địa như bưởi da xanh, sầu riêng Ri6, chôm chôm Java, xoài Cát Chu, xoài cát Hòa Lộc, nhãn xuồng cơm vàng... Qua đó, nâng cao chất lượng quả, chống thoái hóa vườn cây, góp phần sản xuất cây ăn quả bền vững cho các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long.

Để thích ứng với hạn, mặn, ngập, phèn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra hoặc các điều kiện bất thuận khác, Viện Cây ăn quả miền Nam đẩy mạnh hướng nghiên cứu tuyển chọn, lai tạo giống cây trồng làm gốc ghép. Qua đó, Viện đã tuyển chọn và lai tạo thành công nhiều dòng, giống gốc ghép như các giống, dòng cây ăn quả chịu mặn, giống cây ăn quả gốc ghép chống chịu ngập hay giống gốc ghép cây có múi chống chịu được bệnh thối rễ…

Cùng đề cập vấn đề chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện biến đổi khí hậu, theo ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ, với vai trò là trung tâm khoa học - công nghệ của vùng, đơn vị phối hợp với các ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong nghiên cứu, chọn tạo, đưa vào sản xuất nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chịu hạn, mặn, ngập úng và sức đề kháng sâu bệnh cao. Đồng thời, cán bộ chuyên môn hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước ngọt, rừng, tài nguyên sinh học, khoáng sản… trong sản xuất và sinh hoạt. Thông qua thực hiện các dự án thuộc chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi, thành phố đã có trên 50 quy trình công nghệ được chuyển giao vào sản xuất. Đặc biệt trong đó có các quy trình: Sản xuất và chế biến nấm ăn, nấm dược liệu; sản xuất và bảo quản lúa; sản xuất phân hữu cơ vi sinh; chăn nuôi gà Sao, gà Ai Cập; sản xuất hoa chất lượng cao, đưa vào sản xuất hiệu quả trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu...

Xây dựng nhiều mô hình sản xuất phù hợp

Với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng thành công các vùng sản xuất hàng hóa, mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển bền vững của vùng.

Ảnh minh họa: TTXVN

Thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ, thành phố đã có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả: Vùng sản xuất lúa hàng hóa đạt tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam), vùng lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu), mô hình trồng hoa lan thương phẩm từ các giống hoa lan Cattleya, Dendrobium Vanda và Mokara nuôi cấy mô trong hệ thống nhà lưới, trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao tại quận Ninh Kiều, sản xuất cam Xoàn và nhãn Ido theo tiêu chuẩn VietGap... góp phần nâng cao nhận thức sản xuất sản phẩm an toàn cho nông dân, thực hiện liên kết sản xuất, tạo sự ổn định trong tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, thông qua thực hiện dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững, góp phần thích ứng biến đổi khí hậu được triển khai từ năm 2016, Cần Thơ đã áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp thông qua hoạt động đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, giúp nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các mô hình sản xuất lúa đã được cơ giới hóa, từ khâu gieo cấy đến chăm sóc, thu hoạch, giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Kết quả tại nhiều mô hình sản xuất cho thấy, gieo sạ lúa bằng máy đạt được lợi nhuận cao hơn gieo sạ tay từ khoảng 3,7 triệu đồng - trên 16 triệu đồng/ha.

Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ Trương Hoàng Phương, ngành Khoa học và Công nghệ thành phố tích cực triển khai chương trình, kế hoạch trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp đô thị, thích ứng biến đổi khí hậu. Trong đó có các mô hình: Xây dựng quy trình nuôi lươn trong hệ thống nuôi thủy sản tuần hoàn phù hợp với nông nghiệp đô thị, sản xuất rau non (rau baby) an toàn ứng dụng công nghệ tiên tiến; xây dựng mô hình nhà lưới ứng dụng công nghệ điều khiển tưới tự động bằng cảm biến ẩm độ sử dụng năng lượng mặt trời, công nghệ xử lý nước tưới nông nghiệp tích hợp từ công nghệ từ trường và va đập phân tử, công nghệ tưới nhỏ giọt tự động…

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Hậu Giang thông tin, liên quan đến kết quả hoạt động khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất, đời sống, góp phần thích ứng biến đổi khí hậu, tỉnh xây dựng nhiều mô hình: Trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng; làm hầm biogas trong chăn nuôi kết hợp nuôi cá sặc rằn, nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa. Các mô hình thực hiện theo hướng thân thiện môi trường, giảm phát thải khí nhà kính phù hợp xu thế sản xuất ít phát thải và thích ứng biến đổi khí hậu.

Hậu Giang đã có Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến bối khí hậu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030. Trong đó, tỉnh đề ra giải pháp tiếp tục xây dựng cơ cấu cây trồng phù hợp, xây dựng các biện pháp kỹ thuật, tăng cường hệ thống tưới tiêu và biện pháp chống chịu với ngoại cảnh khắc nghiệt. Tỉnh tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, làm thay đổi cơ cấu sản xuất, góp phần tăng năng suất nhờ tác động của các yếu tố đổi mới công nghệ, hợp lý hóa quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ, mở rộng quy mô sản xuất và tiêu dùng tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng cho hay, tỉnh xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp. Trong đó, ở lĩnh vực thủy sản, tỉnh triển khai mô hình nuôi Artemia (một loại ấu trùng, sử dụng làm thức ăn trong nuôi thủy sản, còn được gọi là tôm ngâm nước mặn) thâm canh, đầu tư xây dựng xưởng chế biến trứng bào xác Artemia tại Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu, tạo chu trình khép kín từ khâu nuôi đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phát triển sản xuất trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu. Thị trường tiêu thụ trứng bào xác Artemia Vĩnh Châu được mở rộng, hiện nay, sản phẩm trứng bào xác Artemia Vĩnh Châu tiêu thụ không chỉ trong nước mà còn ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Thanh Trà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-trong-san-xuat-thich-ung-bien-doi-khi-hau-20230404091628690.htm