Ứng dụng hẹn hò bị kiện vì tính 'gây nghiện'

Vào ngày lễ Tình nhân năm nay, Tinder, Hinge và Match.com đã bị cáo buộc khuyến khích tính phụ thuộc bằng cách lợi dụng nhu cầu tình cảm của người dùng.

Nhiều người đã có những trải nghiệm tồi tệ khi bị từ chối, bị “dắt mũi” hoặc bị coi là lựa chọn cuối cùng trên các ứng dụng hẹn hò - mặc dù rất ít người có ý tưởng đưa “trái tim tan vỡ” của mình của ra tòa. Vào ngày 14/2, sáu người dùng đã đệ đơn kiện tập thể cáo buộc Tinder, Hinge và các ứng dụng ghép đôi khác của công ty Match vì đã sử dụng các tính năng “gây nghiện” để khuyến khích tính phụ thuộc.

Các chuyên gia tin rằng vụ kiện phản ánh cách các ứng dụng đang lợi dụng cảm xúc người dùng để kiếm lợi nhuận. (Ảnh minh họa)

Các ứng dụng của Match, theo đơn kiện đệ trình lên tòa án liên bang ở quận Bắc California, “sử dụng các tính năng thao túng chất dopamine (hoóc-môn tạo vui vẻ trong não)” để biến người dùng thành “những con bạc mắc kẹt trong cuộc tìm kiếm phần thưởng tinh thần”, từ đó tạo ra “thành công trong thị trường bằng cách thúc đẩy cơn nghiện qua những gói đăng ký đắt tiền và yêu cầu sử dụng thường xuyên”.

Match cho rằng vụ kiện này “thật lố bịch”, nhưng các chuyên gia hẹn hò trực tuyến cho biết, nó phản ánh cách các ứng dụng lợi dụng cảm xúc của người dùng để kiếm lợi nhuận và khiến mọi người cảm thấy bị thao túng. “Tôi không hề ngạc nhiên khi chuyện này dẫn đến kiện tụng. Tôi nghĩ công nghệ này giống như một loại thuốc lá lớn mới, vì điện thoại cũng gây nghiện như thuốc lá”, cô Mia Levitin, tác giả cuốn sách The Future of Seduction (Tương lai của sự quyến rũ), cho biết.

Theo cô, tính gây nghiện có thể đã được tích hợp vào các ứng dụng hẹn hò ngay từ đầu, kể từ khi ông Jonathan Badeen, người đồng sáng lập Tinder thừa nhận rằng ông lấy cảm hứng từ các thí nghiệm của nhà tâm lý học B.F. Skinner. Trong một thí nghiệm, những con chim bồ câu được huấn luyện để tin rằng chúng sẽ được cho ăn mỗi khi chúng dùng mỏ để mổ.

“Bằng cách tận dụng hệ thống khen thưởng của não, nơi ưu tiên tác động dopamine trong một khoảnh khắc thay vì các phần thưởng dài hạn hơn, các ứng dụng hẹn hò được thiết kế để khuyến khích chúng ta tiếp tục sử dụng. Nó giống như việc ăn đồ ăn vặt thay vì một bữa ăn thực sự”, cô Levitin nói.

Yếu tố gây nghiện còn được thể hiện rõ hơn trong giao diện kiểu bộ bài được Tinder sử dụng, cho người dùng khả năng lựa chọn bằng cách quẹt sang trái hoặc phải. Bà Natasha Dow Schüll, một nhà nhân chủng học văn hóa, đã ví các ứng dụng hẹn hò với máy đánh bạc.

Mặt khác, hiện vẫn không rõ liệu các ứng dụng hẹn hò có ngăn cản các mối quan hệ lâu dài hay không. Một nghiên cứu cho thấy các cặp đôi gặp nhau trên mạng có nhiều khả năng có cuộc hôn nhân kém thỏa mãn và kém ổn định hơn so với những cặp đôi gặp nhau ngoài đời thật, mặc dù rất khó để chứng minh mối quan hệ nhân quả.

Bà Natasha McKeever, giảng viên chuyên về tình yêu và tình dục tại Đại học Leeds (Anh) cho biết, các ứng dụng hẹn hò dường như “khuyến khích những hành vi xấu – các mối quan hệ nhỏ giọt, dự phòng, dễ đổ vỡ”. Điều này có thể là do việc có một ứng dụng hẹn hò trong điện thoại có thể khiến bạn cảm thấy rằng “một bạn đời tốt hơn dành cho mình luôn nằm trong tầm tay”.

Bà Lee MacKinnon, giảng viên tại Đại học Truyền thông London (Anh), người đang hoàn thành bằng tiến sĩ về tính gây nghiện của ứng dụng hẹn hò, cho biết vấn đề là các ứng dụng này thay đổi cách mọi người hành xử bằng cách sử dụng các kỹ thuật khoa học về hành vi.

“Mọi người cảm thấy bị lừa dối khi những trang web này tạo ấn tượng rằng họ đang hoạt động vì lợi ích của người dùng, nhưng thực chất họ chỉ để tâm đến lợi ích của các tập đoàn lớn. Chúng ta trở thành các sản phẩm, và cuộc sống cá nhân, đời sống tình cảm, những chi tiết thân mật nhất của chúng ta đều bị biến thành những con số”, bà nói.

Cho dù về mặt lý thuyết, các ứng dụng hẹn hò mở cửa cho nhiều đối tượng lãng mạn tiềm năng hơn, tuy nhiên sự có sẵn này càng dẫn đến tính phụ thuộc. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy giới trẻ dành 10 giờ mỗi tuần cho các ứng dụng hẹn hò. Theo ông Luke Brunning, giảng viên triết học tại Đại học Leeds, việc các lựa chọn dường như vô tận cũng giống như mạng xã hội không có điểm dừng, gây ảnh tưởng tiêu cực tương tự đến sức khỏe tinh thần.

Ông Brunning cho biết, các ứng dụng có thể đưa ra những cải tiến, bao gồm tính minh bạch về các thuật toán ghép đôi. Họ cũng có thể nâng cao nhận thức người dùng về những cạm bẫy của việc hẹn hò trực tuyến, hạn chế hành vi lạm dụng bằng cách tạm dừng khả năng sử dụng ứng dụng của người dùng.

“Tôi nghi rằng những lập luận của vụ kiện này có thể sẽ không tìm được sự thấu hiểu của tòa án. Nhưng theo một cách nào đó, các nguyên đơn đã chỉ ra một vấn đề mang tính hệ thống với các ứng dụng hẹn hò”, ông nói.

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Match cho biết: “Vụ kiện này thật lố bịch và không có giá trị gì. Mô hình kinh doanh của chúng tôi không dựa trên số liệu quảng cáo hay tương tác. Chúng tôi cố gắng giúp kết nối mọi người hàng ngày và thoát khỏi ứng dụng của chúng tôi. Bất cứ ai tuyên bố điều ngược lại đều không hiểu mục đích và sứ mệnh của toàn bộ ngành này”.

Ngọc Diệp (theo inc.com, ngày 21/02/2024)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ung-dung-hen-ho-bi-kien-vi-tinh-gay-nghien-post1614766.tpo