Ukraine trở thành bãi thử nghiệm chiến đấu AI - Kỳ 1: Các robot đang đến

Khi máy bay không người lái hướng về tiền tuyến ở Ukraine, các nước lớn hơn như Trung Quốc và Mỹ đang tích cực theo dõi hiệu quả của chúng trên chiến trường.

Vào một ngày thứ Ba đầy nắng vào cuối tháng 4, tại một cơ sở quân sự gần Kyiv xuất hiện đông đảo máy bay không người lái (UAV) quân sự. Chúng bay trên khắp một vùng trời thủ đô Ukraine. Khu vực này có rất nhiều kỹ thuật viên và binh lính Ukraine. Họ tập trung trên một cánh đồng để thử nghiệm những thiết bị quân sự cải tiến mới nhất của họ.

Trong số đó, sản phẩm đang được chú ý nhất là UAV sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của một công ty khởi nghiệp Ukraine tên Swarmer - được đăng ký tại Delaware (Mỹ) và có văn phòng ở Romania, Ba Lan.

Công nghệ máy bay không người lái đã trở thành trụ cột trong công cuộc phản công của Ukraine kể từ thời điểm lực lượng Nga tràn qua biên giới nước này vào tháng 2.2022 - Ảnh: Politico

Công nghệ máy bay không người lái đã trở thành trụ cột trong công cuộc phản công của Ukraine kể từ thời điểm lực lượng Nga tràn qua biên giới nước này vào tháng 2.2022 - Ảnh: Politico

Máy bay không người lái điều khiển bằng AI

Đội ngũ kỹ sư của Swarmer gồm 5 người. Họ mất khoảng 20 phút để chuẩn bị máy bay không người lái cho nhiệm vụ tìm và tiêu diệt hai mục tiêu ẩn nấp đâu trên chiến trường mô phỏng.

Thông thường, máy bay không người lái cần phi công được trang bị bộ điều khiển phức tạp cũng như mất nhiều thời gian để đào tạo họ cách sử dụng. Tuy nhiên, đối với cuộc thử nghiệm của Swarmer, Yaroslav Sherstyuk, cựu sĩ quan quân đội Ukraine, người đang điều khiển cùng một lúc 3 máy bay không người lái trinh sát và 2 máy bay ném bom lớn nhấn mạnh: “Việc điều khiển này chỉ cần nhấn ba nút mà thôi”.

Sherstyuk chỉ ra các mục tiêu trên bản đồ, rồi bắt đầu ngả lưng vào ghế và cho phép hai UAV trinh sát phóng đi đầu tiên. Sherstyuk cho biết mỗi UAV sử dụng trí tuệ nhân tạo đã tự mình quyết định quỹ đạo tốt nhất để tiếp cận mục tiêu dựa trên các phân tích địa hình hoặc các chướng ngại vật có thể có trên bản đồ.

Sau khi xác định được vị trí mục tiêu bởi UAV trinh sát, hai UAV ném bom theo sau bắt đầu tấn công dưới sự chấp thuận của Sherstyuk. Chiếc máy bay không người lái cuối cùng có nhiệm vụ xác định thiệt hại của mục tiêu. Khi nhiệm vụ đã hoàn thành, những chiếc UAV quay trở lại điểm xuất phát. Nhóm của Swarmer sau đó đã chúc mừng thử nghiệm thành công bằng bia không cồn.

Trong bối cảnh cuộc chiến chống Nga vẫn kéo dài, Ukraine đang nổi lên như một nơi thử nghiệm trang thiết bị quân sự tiên tiến, bao gồm UAV và các phương tiện có khả năng tự thự hiện các phần nhiệm vụ của mình.

Serhii Kuprienko, người sáng lập và là Giám đốc điều hành của Swarmer tự tin cho rằng đội UAV của ông có thể được triển khai trên chiến trường trong năm nay. “Chúng tôi đã vượt qua các cuộc thử nghiệm chiến đấu đầu tiên”, Kuprienko nói.

Bắng cách cho phép các phi công có thể điều khiển nhiều UAV cùng một lúc, Swarmer sẽ giúp giảm bớt tình trạng thiếu nhân lực vốn đang khiến lực lượng vũ trang Ukraine gặp khó khăn trong những tuần gần đây.

Một phi công luyện tập với máy bay không người lái trên sân tập ở Kyiv - Ảnh: AFP

Một phi công luyện tập với máy bay không người lái trên sân tập ở Kyiv - Ảnh: AFP

“Máy bay không người lái được hỗ trợ bởi AI có thể thực hiện trong vài giây những những nhiệm vụ mà con người phải mất vài giờ. Một phi công lái máy bay không người lái có kinh nghiệm có thể làm việc hiệu quả với hàng chục UAV cùng lúc”, ông Kuprienko cho hay.

CEO của Swarmer cũng nhấn mạnh rằng quyết định tấn công mục tiêu sẽ luôn do con người đưa ra. “Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một phiên bản "Kẻ hủy diệt" phù hợp để bảo vệ và giúp đỡ quân đội của Ukraine", ông nói thêm.

Duy trì lợi thế máy bay không người lái

Công nghệ máy bay không người lái đã trở thành trụ cột trong công cuộc phản công của Ukraine kể từ thời điểm lực lượng Nga tràn qua biên giới nước này vào tháng 2.2022 với ưu thế vượt trội về nhân lực cùng trang thiết bị tiên tiến.

Tại chiến trường, UAV có mặt khắp nơi với nhiệm vụ quét mặt đất để phát hiện mục tiêu, thả lựu đạn hoặc lao cảm tử vào xe cộ, trang bị và quân đội của Nga. Trên mạng xã hội Telegram tràn ngập các video quay lại cảnh máy bay không người lái của Ukraine được trang bị chất nổ. Chúng bay lượn xung quanh binh lính và xe tăng Nga như những con muỗi giận dữ, chết người.

Thứ trưởng phụ trách chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine Alex Bornykov nói rằng máy bay không người lái đã mở rộng vùng đệm giữa các chiến binh Ukraine và Nga từ vài km lên tới 20km. “Bất cứ thứ gì bạn đặt trong ‘khu vực xám’ này, nó đều có thể bị UAV phá hủy”, ông nói.

Vai trò then chốt của UAV chính thức được thừa nhận vào tháng 2.2024, khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thành lập một nhánh mới của quân đội: Lực lượng Hệ thống UAV, hoàn toàn chuyên tâm làm việc với máy bay không người lái trên không, trên mặt đất và trên biển. Vài ngày sau, chính phủ của ông Zelensky thông báo rằng Ukraine đang trên đà sản xuất hơn một triệu máy bay UAV vào cuối năm 2024.

Ngay cả khi lượng đạn dược mà Mỹ công bố gần đây giúp Ukraine đa dạng hóa cách tiếp cận, UAV vẫn sẽ không biến mất. Torsten Reil, Giám đốc điều hành của Công ty quốc phòng AI châu Âu Helsing, cho biết: “Một khi có thêm pháo binh, người Ukraine sẽ sử dụng máy bay không người lái thương mại ít hơn. Nhưng chúng ta sẽ thấy sự phát triển của các UAV quân sự có khả năng tấn công, phối hợp hiệu quả với lực lượng pháo binh”.

Thách thức công nghệ UAV của Ukraine

Trở ngại đối với Ukraine là Nga đã nhận ra sức mạnh đột phá của công nghệ UAV và chuyển sang chiến tranh điện tử bằng việc triển khai các phương tiện được phủ ăng-ten đĩa để gây nhiễu tần số vô tuyến mà các phi công máy bay không người lái Ukraine dựa vào.

“Nga có các trạm gây nhiễu cách nhau 10km ở tiền tuyến, vì vậy cách tiếp cận dựa trên máy bay không người lái của Ukraine không còn hiệu quả như trước đây”, ông Reil cho biết.

Ngoài việc cắt đứt tín hiệu UAV khỏi người điều khiển, việc gây nhiễu có thể gây trở ngại cho các hệ thống định vị như GPS. Tệ hơn nữa, công nghệ của Nga có thể xác định vị trí của các phi công lái máy bay không người lái để tấn công bằng pháo binh.

Để cố gắng duy trì lợi thế của mình, Chính phủ Ukraine đã nỗ lực tái cơ cấu, tăng tốc phát triển công nghệ trong lĩnh vực chiến tranh bằng máy bay không người lái, hợp tác với các công ty địa phương và phương Tây để phát triển các biện pháp đối phó, thử nghiệm và triển khai UAV trên chiến trường

Đi đầu là chương trình Brave1 được quản lý bởi một nhóm các đơn vị phát triển công nghệ quân sự, do các cơ quan chính phủ Ukraine thành lập. Khoảng sau 1 năm ra mắt, gần 700 phát minh trong chương trình Brave1 đã được lực lượng vũ trang Ukraine chấp thuận sử dụng.

Một quân nhân thuộc Trung đoàn 14 của Lực lượng Vũ trang Ukraine thử nghiệm và chuẩn bị vận hành máy bay không người lái tấn công FPV tại căn cứ của ở tiền tuyến thuộc vùng Zaporizhia - Ảnh: EPA

Một quân nhân thuộc Trung đoàn 14 của Lực lượng Vũ trang Ukraine thử nghiệm và chuẩn bị vận hành máy bay không người lái tấn công FPV tại căn cứ của ở tiền tuyến thuộc vùng Zaporizhia - Ảnh: EPA

Brave1 cũng hỗ trợ các công ty khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ y tế, hậu cần và an ninh mạng cùng các lĩnh vực khác. Nhưng ưu tiên hàng đầu của chương trình này là hệ thống không người lái. “Mục tiêu robot, chứ không phải con người, sẽ chiến đấu trên chiến trường”, Thứ trưởng phụ trách Chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine Alex Bornykov nói.

Với khả năng gây nhiễu của Nga, Ukraine đang tập trung phát triển các thiết bị bay không người lái được tích hợp AI trong đó phát triển các loại UAV trinh sát, cảm tử có thể tự động xử lý tình huống khi bị nhiễu sóng hoặc mất điều khiển để phát hiện và xác định các mục tiêu quân sự của đối phương.

Mykhailo Fedorov, Phó thủ tướng phụ trách Đổi mới kiêm Bộ trưởng Chuyển đổi Kỹ thuật số của Ukraine hồi tháng 4 cho biết: “AI có thể giúp UAV khóa mục tiêu và sau đó tự động tấn công trong điều kiện bị hệ thống tác chiến điện tử của đối phương trấn áp. Tuy nhiên, AI chưa thể giúp những chiếc máy bay không người lái tự đưa ra một số quyết định tấn công hay không tấn công. Nhưng tôi nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra tương lai”.

Theo ông Fedorov, ngoài UAV, chương trình Brave1 cũng bắt đầu phát triển hàng loạt các loại robot chiến trường có khả năng hoạt động như vũ khí tấn công tự sát, tháp pháo điều khiển từ xa, thiết bị rà phá bom mìn cũng như phương tiện sơ tán binh sĩ trên tiền tuyến.

Phó thủ tướng Ukraine tiết lộ các phiên bản robot thử nghiệm đã thể hiện khả năng tác chiến trên bãi thử, và sẽ có mặt trên chiến trường trong vài tháng nữa với hàng trăm hệ thống khác nhau xuất trận. Ông Fedorov tin chắc rằng các hệ thống robot trên mặt đất “sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi tiếp theo trong cuộc chiến với Nga”.

Hoàng Vũ (theo Politico)

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ukraine-tro-thanh-bai-thu-nghiem-chien-dau-ai-ky-1-cac-robot-dang-den-217510.html