Ukraine phát hiện điểm yếu của thiết bị gây nhiễu Nga trang bị hàng loạt cho xe bọc thép

Nga được cho là đã trang bị hàng loạt thiết bị gây nhiễu di động cho các xe tăng, xe bọc thép hoạt động ở tiền tuyến nhằm đối phó các mẫu máy bay không người lái (UAV) tự sát của Ukraine, theo tạp chí Forbes.

Thiết bị gây nhiễu RP-377 được Nga trang bị trên một xe bọc thép chiến đấu.

Thiết bị gây nhiễu di động RP-377 của Nga có khả năng ngăn chặn hiệu quả sóng vô tuyến mà UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) sử dụng.

Binh sĩ Ukraine ở tiền tuyến nhận thấy, UAV FPV khi áp sát xe bọc thép Nga sẽ bị gây nhiễu dẫn đến mất khả năng điều khiển và hình ảnh UAV truyền về cũng bị ngắt.

Nhưng gần đây, Ukraine dường như đã phá hủy thành công nhiều mẫu xe bọc thép Nga dù các phương tiện này được gắn thiết bị gây nhiễu RP-377.

Vấn đề có lẽ nằm ở phạm vi gây nhiễu không xa. Binh sĩ Ukraine điều khiển UAV đã nắm được quy luật, đưa UAV vào trạng thái lao về phía mục tiêu sớm hơn để tận dụng động năng, trước khi tín hiệu truyền về bị ngắt. Khả năng tấn công chính xác cũng cao hơn nếu mục tiêu khi đó đang đứng yên.

Serhii Beskrestnov, chuyên gia Ukraine am hiểu về UAV, nói Bộ Quốc phòng không đưa ra chỉ dẫn mà tự các binh sĩ ở tiền tuyến rút ra kinh nghiệm.

"Không có một quy chuẩn cụ thể nào. Các binh sĩ Ukraine chỉ đơn giản là rút ra kinh nghiệm và thích nghi với điều kiện chiến đấu mới", ông Beskrestnov nhận định.

Gần đây, một đại đội chiến đấu Ukraine đăng video phá hủy thành công một xe bọc thép Nga có gắn thiết bị gây nhiễu RP-377. Đại đội 1Magyar Birds nói cuộc tập kích diễn ra khi xe bọc thép Nga đang đứng yên. Cần tới 3 UAV FPV để vô hiệu hóa thành công chiếc xe.

Theo tạp chí Forbes, RP-377 không phải là một thiết bị gây nhiễu tồi. "Tôi từng tham gia phân tích dữ liệu. Khả năng gây nhiễu của thiết bị này là rất mạnh", chuyên gia Beskrestnov cho biết.

Binh sĩ Nga chiến đấu ở tiền tuyến có lẽ đã bật chế độ gây nhiễu đa tần số nhằm đảm bảo khả năng đối phó UAV Ukraine. "Sự đánh đổi đi kèm là phạm vi gây nhiễu tương đối ngắn", ông Beskrestnov giải thích.

RP-377 vốn là thiết bị gây nhiễu cơ động để binh sĩ Nga có thể dễ dàng mang theo khi chiến đấu. Thiết bị này sử dụng pin thay vì lấy nguồn điện từ xe bọc thép. Ở chế độ hoạt động tối đa, thiết bị sẽ tiêu tốn một lượng lớn năng lượng nên phạm vi gây nhiễu hiệu quả sẽ giảm.

Tạp chí Forbes nhận định, phạm vi gây nhiễu của thiết bị có thể chỉ giới hạn ở vài chục mét. Nhưng Nga được cho là sẽ sớm khắc phục nhược điểm này.

Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã bắt đầu sản xuất hàng loạt xe bọc thép được tích hợp sẵn hệ thống gây nhiễu mang tên Volnorez. Hệ thống mới sử dụng nguồn điện từ chính phương tiện và phạm vi gây nhiễu hiệu quả tăng lên đến 800 mét.

Nhật Minh - Forbes

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doi-song-24h/ukraine-phat-hien-diem-yeu-cua-thiet-bi-gay-nhieu-nga-trang-bi-hang-loat-cho-xe-boc-thep-196833.html