Ukraine coi F-16 như 'thuốc thần', phương Tây vẫn 'bế tắc viện trợ'

Việc chuyển giao chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine có thể tiếp tục bị chậm, khi 12 phi công huấn luyện chuyển loại lái máy bay này khi hoàn thành khóa học trở về, nhưng không có máy bay F-16 để sử dụng.

Đầu tháng 3 xuất hiện những thông tin từ các cơ quan truyền thông của Mỹ tiết lộ kế hoạch bàn giao 6 máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên tới Ukraine vào mùa hè này có thể tiếp tục bị chậm.

Việc NATO đào tạo cho 12 phi công lái máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine dự kiến hoàn thành vào mùa hè năm nay, hiện đang được tiến hành ở các nước Đan Mạch, Mỹ và Anh.

Đồng thời, các thông tin này nhấn mạnh rằng, trong số khoảng 45 máy bay chiến đấu F-16 mà các đồng minh phương Tây đã cam kết viện trợ cho Ukraine, chỉ một phần nhỏ (6 chiếc) sẽ được giao khi các phi công trở về Ukraine.

Ngoài ra, có vẻ như việc đào tạo huấn luyện chuyển loại phi công Ukraine lái F-16 tại Căn cứ Không quân Feteşti ở Romania, nằm cách Bucharest 150 km về phía đông, đã bị chậm. Theo một số nhà phân tích quân sự, việc “câu giờ” xung quanh lịch trình giao F-16, chủ yếu phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng của phi công Ukraine.

Hiện nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời, chẳng hạn như số lượng máy bay F-16 mà mỗi quốc gia đồng minh sẽ huy động, tốc độ đào tạo phi công và làm thế nào Ukraine có thể tập hợp đủ thợ kỹ thuật để bảo trì máy bay phù hợp...?

Việc rút ngắn quá nhiều thời gian huấn luyện chuyển loại phi công cho Ukraine, với chương trình đào tào thường kéo dài vài năm, cô đọng lại chỉ trong vài tháng, là sự “đốt cháy giai đoạn” quá lớn. Điều này tiềm ẩn những rủi ro trong quá trình khai thác máy bay sau này.

Tuy nhiên, quá trình này vẫn không tiến triển nhanh như Ukraine và các đồng minh đã lạc quan dự đoán. Dự kiến, các phi công Ukraine được huấn luyện lái máy bay chiến đấu từ thời Liên Xô đang phải vật lộn với việc thích nghi nhanh không chỉ với các tiêu chuẩn quân sự của phương Tây, mà còn với khả năng thông thạo tiếng Anh - một yêu cầu để F-16 hoạt động hiệu quả.

Tuy nhiên, để trấn an, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch, ông Troels Lund Poulsen tuyên bố qua email rằng, khóa huấn luyện đang đi đúng hướng, khi các phi công Ukraine huấn luyện tại Đan Mạch đã có khả năng bay đơn, mà không cần giáo viên Đan Mạch bay kèm. Ông nhấn mạnh rằng, thời gian đào tạo phần lớn sẽ phụ thuộc vào tiến độ học tập của phi công.

Bên cạnh đó, các quan chức Mỹ tiếp tục cảnh báo rằng việc đưa F-16 vào cuộc chiến sẽ không làm thay đổi tình thế chiến trường và quá trình huấn luyện sẽ tốn nhiều thời gian. Có lẽ họ đã nhận thấy sự “nóng vội” của Kiev khi muốn có ngay chiến đấu cơ F-16; điều này cũng là dễ hiểu đối với tình hình Ukraine hiện nay.

Bà Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, trong một cuộc phỏng vấn với tờ ABC News vào tháng trước, cũng đã cho biết một phần lý do về sự chậm trễ trong việc phê duyệt kế hoạch điều động F-16 tới Ukraine.

Cùng với đó, Patrick Ryder, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, trong cuộc phỏng vấn với kênh Radio Svoboda, đã tiết lộ những chi tiết về “ranh giới đỏ” do Lầu Năm Góc vạch ra, liên quan đến việc sử dụng F-16 của Ukraine, trong cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra.

Khi được hỏi về những hạn chế sử dụng F-16, Ryder nói rõ rằng, những chiếc máy bay này sẽ chỉ hoạt động trong biên giới chủ quyền của Ukraine. Tuy nhiên, tuyên bố của quan chức này không trả lời cụ thể liệu việc F-16 từ lãnh thổ Ukraine phóng tên lửa tầm xa vào khu vực tài phán của Nga, có vi phạm ranh giới đỏ này hay không?

Rõ ràng, ông Ryder chỉ có thể khẳng định rằng, F-16 sẽ giúp Ukraine tăng cường năng lực phòng không của Ukraine, chủ yếu trong phạm vi biên giới chủ quyền của nước này. Đặc biệt là chống lại số chiến đấu cơ của Nga đang thả bom lượn ở chiến trường.

Mới đây, một quan chức cấp cao Ukraine tiết lộ, Tổng thống Romania Klaus Iohannis đã chấp thuận cho các phi công F-16 Ukraine được huấn luyện trên lãnh thổ Romania. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Romania đồng ý tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển viện trợ quân sự quốc tế qua lãnh thổ Romania tới Ukraine.

Quyết định sơ bộ trên của Tổng thống Romania cần có sự tán thành của lãnh đạo hai viện của Quốc hội Romania. Nghị quyết này sẽ được đưa ra biểu quyết tại phiên họp toàn thể chung lần tiếp theo. Theo thông tin này, số máy bay F-16 huấn luyện và các giáo viên bay F-16 hiện đã có mặt tại Trung tâm huấn luyện bay mới thành lập ở Romania.

Trong khi háo hức với F-16, Ukraine cũng đang “ve vãn” Thụy Điển về máy bay chiến đấu JAS-39 Gripen. Làn sóng yêu cầu kêu gọi bắt đầu đàm phán với Ukraine trong phe đối lập Thụy Điển đang gia tăng, đặc biệt khi chủ đề này tiếp tục gây tiếng vang trên mạng xã hội và các nền tảng khác.

Các cuộc thảo luận về việc Thụy Điển cho Ukraine “mượn máy bay” chiến đấu Gripen đã xuất hiện vào năm ngoái, trong bối cảnh cuộc đối thoại sôi nổi về việc triển khai máy bay chiến đấu F-16 trên lãnh thổ Ukraine.

Đáng chú ý, chính quyền trung hữu của Thụy Điển đang lên kế hoạch chiến lược cho việc viện trợ máy bay chiến đấu Gripen, có tính năng tương đương như F-16 cho Ukraine, tương tự như hành động của các đồng minh châu Âu như Đan Mạch, Na Uy, Bỉ và Hà Lan, khi tất cả đều khẳng định cam kết viện trợ F-16 cho Ukraine (Nguồn ảnh: Reuters, CNN, ABC New).

Tiến Minh (Theo Bulgarianmilitary)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/ukraine-coi-f-16-nhu-thuoc-than-phuong-tay-van-be-tac-vien-tro-1970186.html