UEFA Champions League, sân khấu lớn của những siêu CLB

Không một trận đấu nào ở Champions League là vô nghĩa, chúng đều được quy đổi thành tiền bạc và điểm số trên bảng xếp hạng 5 năm.

Tính cho đến trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, thì số tiền mà UEFA thu về từ bản quyền truyền hình Champions League đạt 2,4 tỷ euro ở mùa giải 2018-2019, qua đó chiếm đến 85% tổng doanh thu giải đấu. Chi tiết khiến giới quan sát cho rằng UEFA quá thành công trong việc định vị sản phẩm của họ nằm ở phân khúc cao cấp, sang trọng.

Như ông Aigner từng nói, việc thay đổi từ Cup C1 sang Champions League không chỉ là nâng cấp về tên gọi đơn thuần mà hơn cả, chất lượng các trận đấu tạo ra thực sự định nghĩa lại cách thưởng thức bóng đá của người hâm mộ, sự quan tâm từ các thương hiệu lớn và là hình mẫu cho phần còn lại của sân cỏ thế giới dõi theo với những phiên bản “Champions League” châu Á, châu Phi, CONCACAF...

Để tạo ra thứ sản phẩm tốt nhất, UEFA biến sân chơi từng thua cả Cup C3 ngày nào trở thành sân khấu của những quyền lực bóng đá lớn nhất hành tinh. Trong đó, tầm nhìn của Lennart Johansson và những nhà tổ chức đã đi trước thời đại về cơ cấu chi thưởng. Vậy khác biệt ấy nằm ở đâu?

Kết thúc mùa giải Champions League 2019-2020, tổng doanh thu mà UEFA công bố ước tính đạt 3,25 tỷ euro. Trong đó, 1,95 tỷ euro được phân bổ cho các CLB tham dự giải đấu với công thức như sau:

· 25% phí tham dự giải đấu (488 triệu)

· 30% thành tích trên sân (585 triệu)

· 30% bảng xếp hạng 5 năm của UEFA (585 triệu)

· 15% theo thị trường truyền hình (292 triệu)

Đây là bốn thành tố tạo nên số tiền thưởng thu về cho những Barcelona, Real Madrid, Bayern Munich, Liverpool… sau mỗi mùa giải Champions League. Như tác giả Andrea Vieli của cuốn sách 60 năm ra đời UEFA, đây là bốn gạch nối tạo nên vòng tròn lợi ích cho UEFA và các CLB nhằm đảm bảo gìn giữ tính cạnh tranh, bản sắc lẫn khí chất khác biệt mà giải đấu mang lại.

Chung kết UEFA Champions League mùa giải 2021-2022 giữa Real Madrid và Liverpool sẽ là sự phô diễn của 2 siêu CLB. Nguồn: Eurosports.

Dựa vào cơ cấu ở trên, chúng ta thấy giá trị truyền thống của một đội bóng được UEFA tôn trọng ra sao khi có tỷ lệ ngang ngửa với thành tích trong mùa giải đó, nghĩa là 2 CLB nếu cùng tiến sâu như nhau thì một đội bóng lớn luôn vượt lên về số tiền kiếm được.

Thậm chí, ngay cả khi họ dừng bước sớm hơn cũng chưa chắc thua kém đội bóng nhỏ về con số nhận được. Minh chứng nằm ở mùa giải 2019-2020, Atalanta dù lọt đến tứ kết Champions League nhưng vẫn thua xa Juventus (dừng bước tại vòng 1/8) về doanh thu tại châu Âu khi Bianconeri nhận được gần 30 triệu euro tiền “vị thế” trên bảng xếp hạng 5 năm, vượt xa con số 3.3 triệu euro mà thầy trò Gasperini có được.

Bước đi làm hài lòng những tên tuổi lớn vốn bị mất niềm tin nghiêm trọng sau quyết định “cào bằng” Champions League vào năm 2007 của cựu chủ tịch Michel Platini nhưng đồng thời, UEFA cũng cảnh báo những Real Madrid, Barcelona, Manchester United... rằng họ phải gồng mình chiến đấu để bảo vệ vị thế mà lịch sử từng ghi nhận cho mình nếu không muốn bị lãng quên như những AC Milan, Arsenal hay Ajax.

Chiến lược này khiến mùa giải nào cũng chứng kiến sự ganh đua quyết liệt giữa các đội bóng khi không một trận đấu nào ở Champions League là vô nghĩa, bởi chúng đều được quy đổi thành tiền bạc và điểm số trên bảng xếp hạng 5 năm.

Sự so kè khốc liệt ấy trực tiếp khiến yếu tố bất ngờ tại Champions League dần biến mất để nhường chỗ cho tiếng nói của các tên tuổi lớn. Bởi đã qua rồi cái thời mà những Steaua Bucarest, Sao Đỏ Belgrade, PSV Eindhoven, Nottingham Forest… thi nhau làm nên các cơn địa chấn, Champions League ngày nay là sân khấu riêng của những siêu CLB phô diễn sức mạnh. Để làm thay đổi dòng chảy lịch sử ấy, có một biến cố đã xuất hiện nhằm định vị lại bức tranh tổng thể của bóng đá châu Âu và thế giới.

Ngày 15/12/1995, Tòa án tư pháp châu Âu ra phán quyết chiến thắng cho Jean Marc Bosman sau tranh chấp với CLB chủ quản RFC Liege (Bỉ) về quyền được tự do tìm kiếm bến đỗ mới sau khi hợp đồng giữa đôi bên đáo hạn. Sử sách gọi phán quyết này là “luật Bosman” và xem đây là cột mốc đánh dấu màn trỗi dậy về quyền lực của giới cầu thủ khi đối diện với đội bóng chủ quản.

Một cách trực tiếp, họ được phép nói chuyện với bất cứ CLB nào 6 tháng trước khi mãn hạn hợp đồng nhưng xa hơn, hệ quả của “luật Bosman” âm thầm gia tăng quyền lực cho các tên tuổi lớn khi giật sập đổ bức tường “3+2”, chi tiết ít được nhắc đến trong sự kiện này vốn từng là thành trì bảo vệ những đội bóng nhỏ bấy lâu, đặc điểm giữ cho bóng đá châu Âu nói chung và Cup C1 nói riêng có những khoảnh khắc bất ngờ.

Cụ thể, thì quy định “3+2” của UEFA chỉ cho phép mỗi CLB tham dự Cup châu Âu không được dùng quá 5 ngoại binh, trong đó bắt buộc 2 cầu thủ phải trải qua hệ thống đào tạo trẻ.

Đây là rào cản khiến các đội bóng lớn phải tính toán thật kỹ cho suất ngoại binh trong đội hình, khi tiền bạc chưa chắc là yếu tố quyết định thành bại của một CLB. Ví như AC Milan chẳng hạn, năm 1987 họ chiêu mộ tiền vệ Claudio Borghi (Argentina) và sau đó ít lâu là Frank Rijkaard trong khi có sẵn hai siêu sao Marco Van Basten và Ruud Gullit.

Chính nguyên tắc “3+2” buộc ông chủ Silvio Berlusconi tiếc nuối nhìn Borghi chuyển sang Neuchatel Xamax (Thụy Sĩ) nhằm giữ lại Rijkaard, dù tài năng của tiền vệ người Argentina được ví von chỉ xếp sau Diego Maradona ở xứ Tango.

“Bây giờ thì nhóm khoảng 25 CLB mạnh nhất chi ra những số tiền chuyển nhượng khổng lồ mà các đội bóng nhỏ không thể với tới. Họ bỏ xa phần còn lại bởi chênh lệch giữa các đội bóng là quá lớn để san lấp. Đó hoàn toàn không phải là đích đến của luật Bosman”.

Ngay bản thân nhân vật chính của sự kiện phải thừa nhận điều này trong khi Tổng thư ký UEFA Lars Christer Olsson nói hồi năm 2005 rằng, sự phân tầng trong quần thể “xã hội bóng đá” ngày càng rõ rệt khi người giàu thì ngày càng giàu hơn, còn những kẻ nghèo hèn bị đẩy xa khỏi những danh vọng.

Thực tiễn đã chứng minh điều này, khi Ajax Amsterdam trở thành nạn nhân bị “xâu xé” đầu tiên bởi các ông lớn dù vị thế lúc đó của họ cũng là một thế lực ở Champions League.

Nhưng sự thua kém về tiền bạc buộc người Hà Lan phải cay đắng chứng kiến sự ra đi của những tài năng được họ đào tạo như Winston Borgade, Patrick Kluivert, Edgar Davids, Michael Reziger (đến AC Milan), Clarence Seedorf (Sampdoria)…7 cầu thủ từng đá chính khi Ajax gặp Juventus ở Vienna tại chung kết Champions League năm 1996.

Sự kiện đó như là lời cáo chung cho các thân phận bé nhỏ muốn xây dựng chỗ đứng ở châu Âu khi suốt 25 mùa giải sau đó, những hiện tượng nổi lên sau một mùa giải ngay lập tức bị những ông lớn nuốt chửng các ngôi sao, từ Dynamo Kyiv 1999, Galatasaray 2000, Monaco 2004, 2017… ngoài FC Porto năm 2004, 24 nhà vô địch đều đến từ 4 giải đấu mạnh nhất lục địa già, điều chưa từng xảy ra trong 40 năm lịch sử trước đó của sân chơi danh giá này.

Vũ Anh Tuấn / TH Books / NXB Hà Nội

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/uefa-champions-league-san-khau-lon-cua-nhung-sieu-clb-post1321316.html