UBND TP. Hồ Chí Minh họp để giải quyết khó khăn cho 7 dự án: Dự kiến tuần sau sẽ có phương án xử lý

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, chiều ngày 20/2, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có họp với lãnh đạo các ban, ngành và chủ đầu tư 7 dự án trên địa bàn. Hầu hết các dự án này đang ách tắt ở việc xác định tiền sử dụng đất

 Khu phức hợp Sóng Việt, lô 1-17 chính là dự án The Metropole Thủ Thiêm. Đây là dự án do Công ty Quốc Lộc Phát là chủ đầu tư, Sơn Kim Land là đơn vị phát triển. Dự án có quy mô khoảng 7,6ha. Ảnh: Kỳ Phương

Khu phức hợp Sóng Việt, lô 1-17 chính là dự án The Metropole Thủ Thiêm. Đây là dự án do Công ty Quốc Lộc Phát là chủ đầu tư, Sơn Kim Land là đơn vị phát triển. Dự án có quy mô khoảng 7,6ha. Ảnh: Kỳ Phương

Cụ thể, chiều ngày 20/2, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành cùng chủ đầu tư 7 dự án trên địa bàn.

Các dự án được đưa ra để tìm giải pháp gỡ khó gồm: Dự án khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7; Dự án khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú; Dự án chung cư Cửu Long, số 1 Tôn Thất Thuyết, phường 1, quận 4; Dự án khu phức hợp Sóng Việt, công trình tại lô đất 1 – 17, khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức.

Ngoài ra, còn có các dự án: Dự án khu nhà ở Thiên Lý, tại phường Phước Long B, TP. Thủ Đức; Dự án 30,2 ha phường Bình Khánh, TP. Thủ Đức; Dự án chung cư Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1.

Thông tin chia sẻ từ một doanh nghiệp tham dự cho biết, tại cuộc họp lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ ghi nhận thông tin về các vấn đề ách tắc của 7 dự án. Dự kiến trong tuần tới thành phố sẽ đưa ra hướng xử lý tiếp theo.

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, thị trường bất động sản đang rất khó khăn, có thể nói năm 2022 là năm khó khăn khắc nghiệt nhất (có gần 1.200 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 38,7% so với năm 2021) và năm 2023 là năm có tính “quyết định sống còn” đối với các doanh nghiệp bất động sản.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, bị thiếu thanh khoản nghiêm trọng có thể dẫn đến tình trạng “chết trên đống tài sản” nên đã phải quyết liệt tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh, phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO...

Đồng thời, để tồn tại, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, chuyển nhượng bớt dự án nhưng vẫn không tìm được người mua, phải cắt giảm nhân lực, thậm chí có đơn vị giảm đến 50 - 70% số lao động, giảm lương từ 30 - 50%.

“Lĩnh vực bất động sản là một trong “21 ngành kinh tế cấp 1” quan trọng nhất của nền kinh tế của nước ta nên thị trường bất động sản gặp khó khăn thì tác động bất lợi dây chuyền lan sang nhiều lĩnh vực kinh tế và tác động đến nguồn thu ngân sách Nhà nước” - ông Châu nhận định.

Kỳ Phương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ubnd-tp-ho-chi-minh-hop-de-giai-quyet-kho-khan-cho-7-du-an-du-kien-tuan-sau-se-co-phuong-an-xu-ly-122046.html