Vi phạm quản lý bảo vệ rừng tại Đắk Nông: Kỷ luật hàng loạt cán bộ

Nhiều lãnh đạo địa phương lợi dụng việc giao khoán, quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông còn nhiều bất cập để trục lợi cá nhân. Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đắk Nông vừa thông báo thi hành kỷ luật, đề nghị kỷ luật hàng loạt lãnh đạo huyện, sở, ban, ngành liên quan đến các sai phạm trong việc giao khoán đất rừng.

Giao rừng để mất rừng

UBKT Tỉnh ủy kết luật, ông K’Bốt - Bí thư Huyện ủy Tuy Đức - quá trình công tác thiếu gương mẫu, chưa thực hiện tốt nhiệm vụ đảng viên, nhiệm vụ cấp ủy viên trong việc cùng gia đình nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ không đúng đối tượng; thực hiện không đúng hợp đồng; quản lý, bảo vệ không tốt, để mất diện tích rừng được giao tại xã Đắk Ngo huyện Tuy Đức.

Không chỉ lãnh đạo huyện Tuy Đức để xảy ra sai phạm mà việc giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 135 xuất hiện dấu hiệu tiêu cực ở nhiều ban, ngành tại Đắk Nông. Có thể kể ra trường hợp ông Đoàn Văn Quỳnh - Giám đốc Sở Nội vụ - đã thực hiện chưa tốt nhiệm vụ cán bộ, đảng viên trong việc cùng gia đình nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng theo Nghị định 135 không đúng đối tượng; thực hiện không đúng hợp đồng; quản lý, bảo vệ không tốt, để mất diện tích rừng được giao tại xã Quảng trực, huyện Tuy Đức.

Từ những sai phạm có tính liên tục, nghiêm trọng của 2 ông này, UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật theo quy định và thực hiện việc bồi thường thiệt hại theo hợp đồng giao khoán, thực hiện việc bồi thường thiệt hại theo hợp đồng giao khoán.

Cũng trong kỳ họp này, UBKT Tỉnh ủy cũng đề nghị kỷ luật đối với các ông: Hoàng Duy Chuyển - nguyên Bí thư Huyện ủy Đắk G’Long; ông Đàm Quang Trung - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đắk G’Long; ông Phạm Đặng Quang - Phó trưởng Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk G’Long; ông Nguyễn Ngọc Long - Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức; ông Lê Văn Quang - Phó Bí thư Đảng ủy Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức; ông Phạm Ngọc Kha - Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Tuy Đức, nguyên Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuy Đức. Những người này trong quá trình công tác để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Có tình trạng cán bộ buông lỏng quản lý

Ông Lê Văn Chiến - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Nông - thừa nhận, việc hàng loạt cán bộ tỉnh có sai phạm đã xảy ra từ lâu. Từ câu chuyện này, ông Chiến nhận định, hiện một số chính sách trong việc giao khoán, bảo vệ rừng còn tồn tại một số bất cập bị lợi dụng. Ông Chiến dẫn chứng Nghị định 135 của Chính phủ với mục tiêu chính là giao đất rừng về cho cộng đồng, tuy nhiên, quá trình thực hiện có một số cán bộ làm không chuẩn, có dấu hiệu trục lợi cá nhân. “Quan điểm của Tỉnh ủy Đắk Nông là kiên quyết xử lý những cán bộ có sai phạm đất đai, bảo vệ rừng dù là bất cứ ai” - ông Chiến thông tin.

Theo ông Trương Minh Hoàng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội - việc nhiều lãnh đạo tại Đắk Nông để xảy ra sai phạm đất đai hay giao khoán rừng khi đang giữ chức vụ bí thư huyện, chủ tịch huyện ủy nhưng sau đó tiếp tục giữ chức vụ cao hơn cho thấy đang có những bất cập trong công tác quản lý cán bộ. Từ câu chuyện này, ông Hoàng thẳng thắn nhìn nhận có tình trạng cán bộ buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm.

“Chúng ta vẫn nói câu “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” để thấy rằng, người lãnh đạo có vai trò quan trọng, làm gương cho cán bộ cấp dưới. Từ câu chuyện tại Đắk Nông, tôi cho rằng, các cấp ủy Đảng, địa phương và cả lãnh đạo các lâm trường, bản quan lý rừng tại nhiều tỉnh, thành cần tự kiểm tra, đánh giá lại mình trong việc giao đất, giao rừng trên địa bàn. Nếu phát hiện cán bộ sai phạm, phải xử lý đến nơi, đến chốn. Chúng ta cũng cần phát động người dân tích cực tham gia phong trào tố cáo tiêu cực, tham nhũng” - ông Hoàng nói.

HỮU LONG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/vi-pham-quan-ly-bao-ve-rung-tai-dak-nong-ky-luat-hang-loat-can-bo-608364.ldo