UAE – 'nơi trú ẩn' an toàn của giới nhà giàu Nga

Trong khi hàng loạt quốc gia phương Tây siết chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga do cuộc xung đột tại Ukraine, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) đang dần trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà tài phiệt nước này.

Quần đảo Cây Cọ, nơi có nhiều bất động sản sang trọng mà chủ nhân của nó là những người Nga đang phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ hoặc EU.

Mảnh đất an toàn cho các nhà tài phiệt Nga

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nhiều quốc gia phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng nhằm vào các tổ chức tài chính Nga, và các đồng minh thân cận của ông Putin. Nhiều trung tâm tài chính với hệ thống ngân hàng bí mật nổi tiếng thế giới như Thụy Sỹ, Monaco hay quần đảo Cayman cũng đã bắt đầu hợp tác, bằng việc đóng băng tài khoản, tịch thu các bất động sản và du thuyền.

Tuy nhiên, Dubai – khu nghỉ dưỡng quốc tế và trung tâm tài chính của UAE – vẫn đứng ngoài cuộc khi tiếp tục chào đón các nhà tài phiệt Nga.

Theo New York Times, nhiều đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện đang là chủ nhân của những bất động sản sang trọng tại quần đảo Cây Cọ – nằm trên vịnh Ba Tư, trong đó bao gồm một cựu thống đốc tỉnh kiêm giám đốc nhà máy điện hạt nhân, một cựu thượng nghị sĩ kiêm trùm xây dựng, và cả một nhà tài phiệt trong ngành thuốc lá ở Belarus. Sáu người trong số này đang phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ hoặc Liên minh châu Âu (EU).

Các dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng tiên tiến – một tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ cũng cho thấy, ít nhất 38 doanh nhân hoặc quan chức Nga hiện đang sở hữu (trực tiếp hoặc gián tiếp qua người thân) hàng chục bất động sản tại Dubai, với tổng giá trị hơn 314 triệu đô la Mỹ.

Bên cạnh đó, nhiều báo cáo cũng cho thấy hoạt động đáng chú ý của các máy bay tư nhân hoặc siêu du thuyền của những nhà tài phiệt Nga có tên trong danh sách trừng phạt của phương Tây. Du thuyền của nhà tài phiệt Andrei Skoch – một ông trùm ngành thép và là thành viên Duma Quốc gia Nga, hiện đã được thả neo ở ngoài khơi Dubai.

Một máy bay phản lực tư nhân thuộc sở hữu của tỉ phú Arkady Rotenberg cũng đã hạ cánh tại đây hôm thứ Sáu tuần trước. Nhiều siêu du thuyền và máy bay tư nhân khác cũng đã lên kế hoạch di chuyển tới khu vực này. Việc UAE không áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga, cho phép các tài sản này vẫn được an toàn tại đây.

Giới nhà giàu Nga đổ xô đến UAE

Không chỉ các tỉ phú, ngày càng nhiều người thuộc tầng lớp giàu có và các doanh nhân Nga tìm tới UAE, trước áp lực từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Trên trang web trực tuyến của mình, tạp chí phong cách sống Russian Emirates có trụ sở tại Dubai đưa ra cho độc giả một loạt các câu hỏi phổ biến, bao gồm những vấn đề rất thường ngày, như việc “Bạn có thể tìm đồ ăn Nga tại đâu ở UAE?”, hay “Ở đây có các bác sĩ nói tiếng Nga hay không?”. Tuy nhiên, câu hỏi nhận được nhiều sự chú ý hơn cả trong thời gian gần đây, với 83.000 lượt quan tâm lại là “Liệu tôi có thể lấy hộ chiếu UAE hay không?”.

Trong vòng hơn hai tuần qua, kể từ khi xung đột bùng phát giữa Nga và Ukraine, kéo theo các biện pháp trừng phạt từ phương Tây, lượng độc giả của trang mạng Russian Emirates đã tăng gần gấp đôi, với gần 300.000 lượt xem mỗi tuần.

Theo các chuyên gia, xu hướng này được dự báo vẫn sẽ tiếp tục, trong bối cảnh giới nhà giàu Nga đang tìm kiếm cách thức né các biện pháp trừng phạt và đảm bảo an toàn cho tài sản của mình. Một số thậm chí còn cố gắng rời bỏ quê nhà, nơi đang phải đối mặt với những dấu hiệu bất ổn chính trị ngày càng gia tăng.

Một doanh nhân Ảrập chuyên cho thuê các căn hộ cao cấp tại Dubai đã mô tả về “nhu cầu đáng kinh ngạc” từ các khách hàng người Nga, kể từ khi giao tranh bùng phát tại Ukraine. Ông cho biết, một gia đình đã chấp nhận thuê vô thời hạn căn hộ ba phòng ngủ ven sông với giá 15.000 đô la/tháng, trong khi hơn 50 cá nhân hoặc gia đình khác cũng đang tìm kiếm chỗ ở.

Dubai rộng tay chào đón dòng tiền từ Nga

Những người Nga ở Dubai cho biết họ đánh giá cao sự hiếu khách tại nơi đây. “Những người có hộ chiếu Nga hoặc tiền Nga bây giờ rất khó khăn. Không ai muốn tiếp nhận chúng tôi, ngoại trừ những nơi như Dubai. Không có vấn đề gì khi là người Nga ở Dubai”, một doanh nhân Nga giấu tên cho biết.

Theo Financial Times, việc thành lập doanh nghiệp ở UAE, cho phép người Nga đảm bảo thị thực cho bản thân và gia đình họ. Virtuzone – doanh nghiệp chuyên hỗ trợ việc thành lập các công ty tại UAE đã nhận thấy sự quan tâm tăng vọt từ các khách hàng Nga, Ukraine và Belarus sau khi xung đột bùng phát.

“Tôi nhận được 50 yêu cầu mỗi ngày, nhu cầu đang bùng nổ”, Maryia Vinahradava – người đứng đầu mảng khách hàng nói tiếng Nga của Virtuzone chia sẻ, đồng thời cho biết thêm, một công ty Nga với khoảng 500 nhân viên đang muốn chuyển đến Dubai.

“Mọi người đang lo lắng về tính liên tục của công việc kinh doanh”, bà Maryia nói. “Một thương nhân đã nhận được khuyến cáo từ luật sư của họ ở Đức rằng, họ nên chuyển tới UAE, bởi không thể tiếp tục các hoạt động thương mại với Nhật Bản và Trung Quốc nếu vẫn còn trụ sở tại Nga”.

Mua tài sản là một lựa chọn khác cho những người muốn chuyển đến UAE. Một khoản đầu tư trị giá 204.000 đô la vào bất động sản sẽ đảm bảo khả năng cư trú trong ba năm, trong khi các khoản đầu tư lớn hơn có thể đảm bảo “thị thực vàng” trong dài hạn.

Việc chuyển tiền tới UAE có thể là một thách thức khó khăn, bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với hệ thống tài chính của Nga đã làm gia tăng các rào cản đối với việc mở tài khoản ngân hàng. Một doanh nhân Nga có trụ sở tại Dubai chia sẻ: “Việc mở tài khoản rất khó. Nếu bạn có một tài khoản khác ở một quốc gia không bị trừng phạt, thì không vấn đề gì. Nhưng nếu tài khoản của bạn mở ở Nga, bạn sẽ gặp rắc rối và 90% sẽ bị từ chối”.

Để khắc phục khó khăn này, nhiều người Nga đang chuyển sang tiền kỹ thuật số hoặc các sàn giao dịch tiền tệ không chính thức, được gọi là hawala. Một doanh nhân Nga cho biết: “Có rất nhiều người sẵn sàng hỗ trợ việc này. Sau khi đã có tiền mặt, hoặc séc từ chủ ngân hàng, bạn sẽ dễ dàng mua tài sản tại Dubai”.

Reuters trích dẫn các nguồn tin cho biết, nhiều khách hàng người Nga đang sử dụng tiền kỹ thuật số để đầu tư vào bất động sản tại UAE, hoặc chuyển tiền kỹ thuật số thành tiền mặt và cất giữ ở các nơi an toàn.

“Các khách hàng đầu tư tiền của họ vào hàng chục bất động sản tại các khu vực Marina, Downtown”, Sami Fadlallah của công ty tư vấn Healy Consultants cho biết. “Chúng tôi đã thấy rất nhiều người Nga bảo hiểm rủi ro trước sự mất giá của đồng rúp bằng cách chuyển nhiều tài sản sang tiền kỹ thuật số và đầu tư tại đây. Và tại UAE, các quy định cũng như thái độ của cơ quan chức năng đối với việc giao dịch tiền kỹ thuật số là tương đối lỏng lẻo”.

Mối quan hệ phức tạp

Việc dòng tiền từ Nga ào ạt đổ vào UAE kể từ khi xung đột bùng phát tại Ukraine đang làm gia tăng những bất đồng trong quan hệ giữa UAE và Mỹ. UAE hiện đang giữ một ghế không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và đã bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết lên án chiến dịch quân sự của Nga nhắm vào Ukraine, đồng thời từ chối chỉ trích Moscow.

Các quan chức của UAE cũng cho biết, sẽ không thực thi các biện pháp trừng phạt Nga trừ khi Liên hiệp quốc thông qua nghị quyết – điều chắc chắn không thể xảy ra, bởi Nga vẫn đang là Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an và có quyền phủ quyết.

Ông Abdulkhaleq Abdulla, nhà phân tích chính trị thân cận với giới cầm quyền UAE, cho biết: “Nếu chúng tôi không vi phạm bất kỳ luật quốc tế nào thì không ai nên đổ lỗi cho UAE hay quốc gia nào khác vì cố gắng thu hút bất kỳ ai đến một cách hợp pháp. Tôi không hiểu vì sao phương Tây lại phàn nàn”, ông nói.

Những chuyên gia khác, lưu ý rằng, mối quan hệ thân thiện với Nga, mang lại cho các quốc gia Arập như UAE nhiều lợi ích, và sẽ rất hữu ích nếu duy trì lập trường trung lập. Nga đã bán vũ khí cho UAE, đồng thời có thời gian hợp tác tại Libya. Nga cũng đã sử dụng các mối quan hệ tài chính để kéo các nước Ảrập vùng Vịnh như UAE xích lại gần mình hơn, một phần thông qua Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga do nhà nước kiểm soát.

Hiện UAE đang phải đối mặt với áp lực tăng cường giám sát dòng tiền từ Nga đổ vào quốc gia này. Hôm 4-3, Lực lượng Đặc nhiệm hành động tài chính (FATF) – một tổ chức có trụ sở tại Paris (Pháp) do các nước G7 thành lập để chống rửa tiền – đã đưa UAE vào “danh sách vùng xám” – các khu vực pháp lý không đủ sức phát hiện các quỹ bất hợp pháp.

Trước những sức ép từ phương Tây, UAE cũng đã có những động thái mang tính xoa dịu khi cam kết sẽ tiếp tục hợp tác sâu hơn với các đối tác quốc tế, và tăng cường tính minh bạch. Những bước đi này được dự báo có thể hạn chế phần nào khả năng các nhà tài phiệt bị trừng phạt cất giấu tài sản và chuyển tiền tới UAE.

Tuy nhiên, theo ông Jodi Vittori – giáo sư tại Đại học Georgetown (Mỹ), UAE vẫn sẽ cố gắng thu hút các nhà đầu tư từ Nga, miễn là họ không vi phạm luật pháp địa phương, và xem họ là trụ cột quan trọng của nền kinh tế.

New York Times nhận định, Chính phủ Mỹ có thể thúc đẩy UAE hợp tác nhiều hơn, bằng cách đe dọa hạn chế quyền tiếp cận của nước này đối với hệ thống tài chính Mỹ. Biện pháp này đã từng được Washington áp dụng để ngăn chặn UAE vi phạm các biện pháp trừng phạt đối với Iran.

Nguồn: New York Times, Bloomberg, Reuters, Financial Times, DW

Lạc Diệp

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/uea-noi-tru-an-an-toan-cua-gioi-nha-giau-nga/