U23 Việt Nam tại Vòng chung kết U23 châu Á: Tầm nhìn và mục tiêu thực tế

Nhiều người chờ đợi thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ chơi ấn tượng để lấy lại niềm tin cho người hâm mộ tại Vòng chung kết U23 châu Á. Tuy nhiên, nhìn tổng quan, bóng đá Việt Nam vẫn loay hoay chưa thể nâng tầm tại sân chơi châu lục, dù trước đó đã có những suy nghĩ táo bạo cùng với HLV Troussier dự sân chơi World Cup.

U23 Việt Nam hướng đến mục tiêu ngắn hạn tại Vòng chung kết U23 châu Á

Thế hệ kế cận

U23 Việt Nam có trận đấu được đánh giá khá tốt trước U23 Jordan (hòa 0-0 ở 2 hiệp chính và chỉ thua luân lưu 3-4) trong trận giao hữu cuối cùng trước khi tranh tài tại Vòng chung kết U23 châu Á.

Đây là trận đấu mà HLV Hoàng Anh Tuấn đã sử dụng hầu hết các cầu thủ để đánh giá một cách tổng quan về nhân sự và ông thầy người Khánh Hòa khá hài lòng về các học trò.

Điều dễ nhận thấy là U23 Việt Nam hiện tại được xây dựng trên nền tảng các cầu thủ vô địch U23 Đông Nam Á 2023, ASIAD 2023, được chính HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt. Đó có thể là lý do đội tuyển triển khai lối chơi khá trơn tru và thể hiện sự hiệu quả.

Ở U23 Việt Nam hiện tại, HLV Hoàng Anh Tuấn có thể yên tâm về chiều sâu đội hình khi tất cả các vị trí đều có thể thay thế. Điển hình như ở vị trí thủ môn, nếu Văn Chuẩn (Hà Nội FC) không thể thi đấu thì vẫn còn Văn Việt. Thủ thành Sông Lam Nghệ An bắt chính cho CLB xứ Nghệ 2 mùa giải liên tiếp gần nhất và có sự trưởng thành nhất định.

Vị trí trung vệ, HLV Hoàng Anh Tuấn đang kết hợp những học trò ông từng sử dụng tại giải vô địch U23 Đông Nam Á và ASIAD 2023 gồm: Duy Cương, Mạnh Hưng, Nguyên Hoàng, Đức Anh, Ngọc Thắng. Trừ Đức Anh không được Hà Nội FC dùng thường xuyên, còn lại Ngọc Thắng (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh), Mạnh Hưng (Bình Phước), Nguyên Hoàng (Sông Lam Nghệ An), Duy Cương (SHB Đà Nẵng) đều đang là trụ cột ở CLB.

Vị trí hậu vệ trái hiện đang dư cầu thủ có thể đảm nhiệm. Ngoài Khuất Văn Khang dường như là lựa chọn số 1 để thay thế Phan Tuấn Tài, HLV Hoàng Anh Tuấn còn cặp đôi của Công an Hà Nội là Văn Phương và Văn Toản. Ở giữa sân, HLV Hoàng Anh Tuấn sở hữu 4 “ông chủ” tuyến giữa là Thái Sơn (Thanh Hóa), Đức Việt (Hoàng Anh Gia Lai), Minh Khoa (B.Bình Dương) và Văn Toản (Công an Hà Nội).

Trong sơ đồ 3 tiền đạo, những cầu thủ Võ Nguyên Hoàng (Thanh Hóa), Nguyễn Quốc Việt (Hoàng Anh Gia Lai), Nguyễn Đình Bắc (Quảng Nam) có thể là lựa chọn đầu tiên của ông thầy quê Khánh Hòa.

Nhìn chung, lực lượng U23 Việt Nam hiện nay được đánh giá tốt nhất của bóng đá Việt Nam. Màn trình diễn của họ tại Vòng chung kết U23 châu Á không chỉ là vấn đề thành tích mà còn là thước đo chính xác cho tương lai của đội tuyển Việt Nam trong những năm tới.

Từ bỏ tham vọng World Cup?

Sau khi HLV Troussier rời Việt Nam trong thất bại, người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng mất dần sự hào hứng. Ở góc độ quản lý, cũng không nghe những người đứng đầu bóng đá Việt Nam phát biểu liên quan đến mục tiêu mang giá trị chiến lược tầm nhìn, cụ thể là sân chơi World Cup.

Có thể tất cả đều thấy rằng, đó mãi là ước muốn rất khó thực hiện với bóng đá Việt Nam. Cũng có thể VFF đang tính toán với vị thuyền trưởng tiếp theo của bóng đá Việt Nam và chưa thể công bố. Điều có thể thấy rõ nhất là bóng đá Việt Nam không thể dự World Cup với lứa cầu thủ trẻ dưới thời HLV Troussier, thậm chí là lứa cầu thủ U23 Việt Nam của HLV Hoàng Anh Tuấn.

Công bằng mà nói, những nền bóng đá trung bình như Việt Nam đang muốn vươn lên, luôn có những lựa chọn khó khăn nhiều hơn những nền bóng đá mạnh. Người Đức, Ý, Brazil… có thể “hy sinh” 5-7 năm để rèn giũa cho một thế hệ mà không gặp vấn đề gì, bởi với nền tảng của mình, họ luôn có cơ sở để trở lại với thời hoàng kim. Nhưng bóng đá Việt Nam thì ngược lại, không thể nói về lối chơi đẹp, giấc mơ World Cup khi nền tảng từ các CLB còn yếu và vẫn theo đuổi mục tiêu thành tích ngắn hạn.

Đã có những mạnh dạn và tạo đột phá từ những người làm bóng đá Việt Nam với sự kết nối từ HLV Troussier. Tuy nhiên, ai cũng thấy đó là sự thất bại. HLV Troussier tất nhiên có phần lỗi của mình, nhưng khách quan nhìn nhận, nền tảng bóng đá Việt Nam chưa đáp ứng được giấc mơ dự World Cup.

Lấy ví dụ như thành tích của các CLB Việt Nam ở Cúp châu Á. Tại đấu trường AFC Champions League, nổi bật nhất là 2 lần vào bán kết AFC Cup của B.Bình Dương (2009) và Hà Nội FC (2019). Bóng đá Việt Nam bắt đầu dự các giải đấu CLB châu Á từ năm 1992, nhưng đến nay cũng chỉ có 2 cột mốc vừa nêu được xem là ấn tượng nhất. Với thành tích ấy của các CLB tại V-League (yếu tố hàng đầu tạo nên sức mạnh cho các đội tuyển Việt Nam), thì liệu có công bằng khi đòi hỏi đội tuyển quốc gia phải vào tốp 10 châu lục, thường xuyên vượt qua vòng bảng Asian Cup, hay giành quyền dự World Cup?

Với những phân tích như vậy, có thể khẳng định U23 Việt Nam sẽ nỗ lực thi đấu tại Vòng chung kết U23 châu Á với mục tiêu ngắn hạn, chứ không thể xem đây là một giai đoạn quan trọng trong tầm nhìn chiến lược của bóng đá Việt Nam.

Đã có những mạnh dạn và tạo đột phá từ những người làm bóng đá Việt Nam với sự kết nối từ HLV Troussier. Tuy nhiên, ai cũng thấy đó là sự thất bại. HLV Troussier tất nhiên có phần lỗi của mình, nhưng khách quan nhìn nhận, nền tảng bóng đá Việt Nam chưa đáp ứng được giấc mơ dự World Cup.

NGÔ NHT

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/88/315326/u23-viet-nam-tai-vong-chung-ket-u23-chau-a--tam-nhin-va-muc-tieu-thuc-te.html