U19 Việt Nam: Thế hệ bình thường nhưng chẳng tầm thường

Một thế hệ cầu thủ bình thường, không có cá nhân xuất sắc đã làm nên điều phi thường khi giành quyền vào chơi tại U20 World Cup.

Khoảnh khắc tiếng còi của trọng tài Al Marri vang lên báo hiệu kết thúc trận đấu giữa U19 Việt Nam và U19 Bahrain cũng chính là khoảnh khắc những chàng trai đôi mươi ấy đặt mốc son chói lọi trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Lần đầu tiên trong lịch sử, U19 Việt Nam đoạt vé dự U20 World Cup.

Và cũng từ thời khắc ấy, tràn ngập trên mạng xã hội, trên báo chí, trên các phương tiện truyền thông là những chúc tụng, những câu chữ, những cảm xúc biểu thị niềm vui sướng đến tột độ của hàng triệu người hâm mộ. Những bài phân tích, những lời ngợi ca xuất hiện với tần suất dày đặc.

Cũng phải thôi, với chiến tích phi thường ấy, những chàng trai của chúng ta xứng đáng được tôn vinh, chúc tụng.

Trước khi bước vào giải Châu Á, lứa cầu thủ hiện tại không được đánh giá cao bởi họ không có cá nhân nổi bật, cùng một giải đấu Đông Nam Á đáng quên. Họ còn phải chịu sức ép cực lớn khi bị so sánh với những đàn anh quá nổi tiếng 2 năm trước, với những cầu thủ xuất sắc như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường.

Nhưng bằng tinh thần đoàn kết, kỷ luật và khao khát thể hiện mình, những Trọng Đại, Minh Dĩ, Đức Chinh, Tiến Dũng, Tiến Dụng,v.v.. đã tự mình bước ra ánh sáng, vượt qua cái bóng của thế hệ đàn anh.

Họ xứng đáng được tung hô. Nhưng dường như truyền thông và người hâm mộ đang quá đỗi vui mừng, đắm chìm trong chiến thắng lịch sử mà quên đi thực tại.

Thực tại là nhắc đến lứa U19 năm nay, chúng ta sẽ chỉ nhắc tới một nền tảng thể lực tuyệt vời, ý thức kỷ luật, tâm lý thi đấu. Thành quả đạt được đến từ ý chí quyết thắng và cả sự may mắn. Các chàng trai của chúng ta chưa đủ trình độ chuyên môn về kỹ thuật cá nhân và tư duy chiến thuật để sánh với các đội bóng lớn.

Đây chỉ là thành công của một đội bóng vào một thời điểm, mang tính nhất thời, nó không khiến chúng ta phút chốc trở thành một thế lực. Nó không thể xóa nhòa đi những bất cập vẫn còn tồn đọng của một nền bóng đá "mang tiếng lên chuyên" hơn chục năm nhưng vẫn giậm chân tại chỗ.

Tứ kết của một giải trẻ vẫn chưa là gì nếu Đội tuyển Quốc gia vẫn mãi ì ạch và lẹt đẹt trước những đội tuyển mạnh khác. World Cup một giải trẻ đã là gì khi nền bóng đá với một giải vô địch quốc gia năm nào cũng lùm xùm chuyện xin-cho, dàn xếp điểm và mất tích ở những giải đấu châu lục giành cho các CLB.

Đâu đó có những dư luận vội vàng cho rằng chúng ta đã thoát khỏi cái "ao làng Đông Nam Á", và chúng ta có thể "vươn ra biển lớn" mà "không thua chị kém em". Nếu chỉ từ thành công của một giải đấu trẻ mà có thể "hóa rồng" thì chúng ta đã "hóa rồng" sau thành tích vang dội ở Vòng chung kết U16 Châu Á năm 2000 với thế hệ tài năng Văn Quyến, Như Thuật, Ánh Cường, v.v..

Nhắc tới những Văn Quyến, Quốc Anh, v.v.. để thấy được sự tung hô quá mức sẽ ảnh hưởng xấu tới những cầu thủ trẻ tới mức nào. Nếu thiếu đi sự quan tâm đúng mực của CLB, của VFF và của truyền thông, những cầu thủ trẻ sẽ dễ thất bại trong chính ánh hào quang ảo tưởng mà chúng ta đã vẽ ra. Đừng tung hộ các cầu thủ trẻ quá mức bởi làm thế chính là đang hại họ.

19 tuổi, các chàng trai của chúng ta vẫn chỉ bước những bước đầu tiên trong sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp của mình. Hãy hướng họ đi theo con đường đúng đắn. Đó là tránh cho các cầu thủ trẻ vướng vào vòng lao lý hoặc nghĩ rằng họ đã đủ trình là một ngôi sao.

Chúng ta mừng vì đang sở hữu những viên ngọc thô, quí giá nhưng cũng đáng lo. Bởi nếu không rèn giũa, ngọc có thể sẽ mãi không bao giờ tỏa sáng.

Phong Lan

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/u19-viet-nam-the-he-binh-thuong-nhung-chang-tam-thuong-a303941.html