Ủ bã dong riềng làm phân vi sinh mang lại lợi ích kép

ĐBP - Xử lý tồn đọng bả thải dong riềng là một trong những vấn đề đang được đặt ra tại xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ), khi các xưởng chế biến dong riềng ngày càng phát triển tại địa bàn. Trước tình trạng này, Đoàn Thanh niên xã Nà Tấu đã thử nghiệm mô hình 'Ủ bã dong riềng làm phân vi sinh' và thu được những kết quả tích cực.

Bã dong riềng sau khi thu gom về được rắc men vi sinh, chế phẩm sinh học và đảo đều.

Anh Lò Văn Nước, Bí thư Chi đoàn bản Xôm, xã Nà Tấu, người thực hiện chính của mô hình này, vui mừng chia sẻ: “Sau một năm cùng các đoàn viên thanh niên (ĐVTN) khác tìm tòi, thử nghiệm thành công, năm nay, tôi dự kiến ủ 100 khối bã dong riềng. Ngay từ đầu vụ, đã có người đặt 2 tấn phân từ bã dong riềng với giá thị trường hiện là 5.000 đồng/kg để chăm bón cây trồng, một lần nữa khẳng định hiệu quả và lợi ích kinh tế của phân vi sinh từ bã dong riềng”.

Để có kết quả đó, rất nhiều công sức đã bỏ ra. Được biết mô hình bắt đầu thử nghiệm từ tháng 1/2021 với 2 giai đoạn. Từ tháng 1 - 6, thực hiện quá trình ủ phân vi sinh và lên men. Từ tháng 6 - 10, đưa vào sử dụng thử nghiệm tại đồng ruộng trên địa bàn. Mô hình triển khai tại gia đình anh Lò Văn Nước với sự tham gia hỗ trợ của các ĐVTN địa phương. Họ cùng nhau đi thu gom bã dong riềng tại các xưởng với khoảng 40 khối. Để tìm ra cách ủ phù hợp, tạo ra sản phẩm cuối cùng chất lượng nhất, anh Nước cùng Đoàn xã đã thử nghiệm 3 cách làm, bao gồm: ủ bình thường, ủ phủ bạt kết hợp men vi sinh và đào hố ủ. Kết quả cho thấy ủ phủ bạt kết hợp men vi sinh, chế phẩm sinh học, mật đường tự nhiên tạo phân vi sinh tốt nhất. Thời gian ủ theo phương pháp này kéo dài 3 tháng, và đòi hỏi thường xuyên đảo đều. Kết quả cho ra loại phân vi sinh có màu đen, tơi, ráo, không dính tay, không có mùi hôi (không gây ô nhiễm không khí). 40 khối bã dong riềng có thể cho thu 2 - 3 tấn phân vi sinh.

Sau khi có thành phẩm, phân vi sinh từ bã dong riềng đã được bón thử nghiệm cho ruộng, vườn tại địa bàn. Anh Nước đi đầu sử dụng loại phân vi sinh này cho diện tích rau, ruộng lúa của gia đình mình làm minh chứng cho mọi người mạnh dạn dùng thử. Anh Lò Văn Nước cho biết: “Cây trồng được chăm bón bằng phân vi sinh từ bã dong riềng lên rất tốt, cứng cáp, ít sâu bệnh. Đối với rau màu vẫn giữ được vị ngon, đậm của nông sản; lúa, ngô thì vẫn năng suất, chất lượng. Những gia đình sử dụng thử loại phân bón này đều đánh giá tốt và rất ủng hộ. Vì vậy, năm nay mô hình tiếp tục được triển khai và tăng khối lượng ủ, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường vừa cố gắng xử lý tối đa số bã thải trong điều kiện, khả năng cho phép của gia đình”.

Anh Lò Văn Nước sử dụng phân vi sinh từ bã dong riềng chăm bón cho rau màu của gia đình.

Được biết, trên địa bàn xã Nà Tấu hiện có 8 cơ sở chế biến dong riềng. Vào mùa hoạt động, trung bình mỗi ngày chế biến từ 120 - 150 tấn củ dong riềng tươi với một lượng bã khá lớn. Mỗi mùa dong riềng kéo dài hơn 2 tháng, các cơ sở thải ra hàng nghìn tấn bã dong riềng. Vì vậy nếu xử lý được tồn đọng bã thải theo mô hình trên không chỉ góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường đang “nóng” của địa phương, mà còn làm thay đổi tư duy của người dân từ sử dụng phân hóa học sang sử dụng phân hữu cơ bền vững sẵn có, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch và chất lượng. Đồng thời tạo thêm việc làm, thu nhập cho ĐVTN trên địa bàn, thông qua việc thuê nhân công và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.

Anh Lường Văn Hoàng, Phó Bí thư Đoàn xã Nà Tấu nhận định: “Ủ bã dong riềng làm phân vi sinh” là mô hình cần thiết đối với tình hình địa bàn, là mô hình điểm được Ban Chấp hành Đoàn xã lựa chọn thực hiện để nhân rộng trong các gia đình ĐVTN khác. Mô hình này gắn việc phát triển kinh tế với giáo dục thanh thiếu nhi trên địa bàn về nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và tăng cường sự sáng tạo, tích cực áp dụng khoa học công nghệ, kiến thức tiên tiến để giải quyết các vấn đề tại địa bàn và góp phần xây dựng bản, làng ngày càng giàu đẹp, no ấm.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/192748/u-ba-dong-rieng-lam-phan-vi-sinh-mang-lai-loi-ich-kep