U.21 trong mắt tôi

Đồng hành và gắn bó với giải bóng đá trẻ U.21 Báo Thanh Niên, trong gần 20 năm qua kể từ năm 1997 đến nay, nhiều ấn tượng sâu đậm đọng lại trong tôi qua nhiều mùa giải.

Giải U.21 luôn nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước - Ảnh: Khả Hòa

Tôi đồng hành và gắn bó với giải bóng đá trẻ U.21 Báo Thanh Niên ở 3 cương vị. Khi là Phó giám đốc Sở TDTT TP.HCM phụ trách bóng đá, phối hợp trong vai trò là Ban tổ chức địa phương đăng cai vào các năm 1998, 2000; lúc là Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tham gia vào Ban tổ chức giải như năm 2003 tại Long Xuyên (An Giang) và những năm gần đây có dịp tham gia trực tiếp bình luận trên truyền hình cho giải.

Nhiều ấn tượng sâu đậm đọng lại trong tôi qua nhiều mùa giải trong gần 20 năm qua kể từ năm 1997 đến nay về một giải bóng đá trẻ mang tính phong trào đã được Báo Thanh Niên sáng lập, rồi những năm gần đây có Tập đoàn truyền thông Thanh Niên tham gia tổ chức, đã kiên trì, bền bỉ phát triển hình ảnh, sức sống cho giải để trở thành một giải bóng đá được tổ chức có hệ thống ở quy mô quốc gia, mở rộng thêm giải quốc tế truyền thống hằng năm kể từ năm 2007 đến nay. Nói cách khác, Giải bóng đá U.21 Báo Thanh Niên là đặc sản, là thương hiệu có giá trị của Báo Thanh Niên được người hâm mộ yêu mến và giới chuyên môn đánh giá cao.

Trong xu thế xã hội hóa thể thao mạnh mẽ ngày ấy, Báo Thanh Niên đã chọn giải U.21 để tổ chức với tiêu chí tạo sân chơi lành mạnh cho bóng đá trẻ, chơi đẹp, chơi sạch; giải trở thành bệ phóng cho các tài năng trẻ trong gần 20 năm qua. Có thể nói, đây là một điển hình đúng đắn và thành công của chủ trương xã hội hóa thể thao mà một cơ quan truyền thông biết tận dụng thế mạnh của mình không chỉ duy trì mà ngày càng phát triển làm cho giải ngày một lớn mạnh hơn.

Tôi thực sự tâm đắc với bốn điều sau đây về Giải U.21 Báo Thanh Niên:

1. Công tác tổ chức bài bản và chuyên nghiệp: Từ việc xây dựng Điều lệ, phối hợp với VFF, chọn địa phương đăng cai tổ chức vòng loại đến vòng chung kết hằng năm đều được chuẩn bị chu đáo, chú trọng đưa giải về những địa phương còn khát bóng đá để kích thích phong trào.Tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương để đảm bảo công tác tổ chức được triển khai tốt từ cơ sở vật chất, hậu cần, tài chính, tài trợ, thông tin tuyên truyền đến việc tiếp đón và việc tổ chức lễ khai, bế mạc trọng thể, ấn tượng.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các đại biểu tặng hoa cho các đội bóng - Ảnh: Khả Hòa

Việc lãnh đạo các cấp từ địa phương đến trung ương luôn có mặt dự giải đều đặn hằng năm cho thấy sự quan tâm với bóng đá trẻ nhờ Ban tổ chức biết cách vận động, biết cách tạo sự thu hút và cho thấy uy tín của các nhà tổ chức.

Chất lượng chuyên môn bao giờ cũng được chú trọng hàng đầu khi Ban tổ chức coi trọng điều lệ thi đấu nhằm tạo mọi điều kiện cho các CLB có đội hình U.21 có chất lượng tốt nhất được tham gia, không để bỏ sót tài năng. Nhờ vậy mà từ giải U.21 có nhiều ngôi sao tỏa sáng và trở thành tuyển thủ quốc gia.

2. Chú trọng đặc biệt đến công tác truyền thông: Trong thể thao hiện đại, nếu muốn tổ chức thành công bất kỳ sự kiện thể thao nào cũng phải làm tốt công tác truyền thông. Báo Thanh Niên luôn được sự hỗ trợ hợp tác từ báo, đài và ngược lại Ban tổ chức cũng luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể cho đội ngũ báo chí tác nghiệp tại giải. Thậm chí khi có điều kiện tổ chức được còn có cả bình luận khách mời trực tiếp các trận đấu. Điều đó cho thấy Ban tổ chức hết sức quan tâm đến người hâm mộ bóng đá trẻ. Ở nhiều giải khi sân bị quá tải, sức chứa của sân không thể đáp ứng nhu cầu khán giả thì truyền hình trực tiếp luôn kịp thời phục vụ cho đông đảo người hâm mộ.

3. Nhà tài trợ - Bạn đồng hành: U.21 phải nói là giải đấu thu hút rất nhiều quảng cáo tài trợ. Có năm tôi đếm được tổng cộng 80 bảng quảng cáo trên sân trong khi mức tối đa cho phép quảng cáo dưới sân chỉ là 72 bảng. Ngay cả giải thưởng đều có chủ nhân để trao chứng tỏ việc vận động tài trợ và tiếp thị quảng cáo của giải U.21 quá hay đã thu hút khách hàng như Tôn Đông Á, Yến sào Khánh Hòa, Vietravel, Becamex... đến nườm nượp. Chính sự quảng bá và chăm sóc khách hàng tốt đáp ứng quyền lợi của các nhà tài trợ cho giải U.21 đã khiến cho bộ mặt của giải luôn tươi tắn và tiếng lành vang xa.

4. Giải U.21 Quốc tế rất thú vị: Trong 9 lần tổ chức từ 2007 đến 2015, 6 lần Cúp ở lại VN, 2 lần hạng nhì. Việc giành chức vô địch, đoạt cúp trên sân nhà có tác dụng kích thích phong trào bóng đá trẻ của chúng ta.

Giải U.21 Quốc tế là cơ hội để các cầu thủ trẻ cọ xát, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm thi đấu quốc tế - Ảnh: Khả Hòa

Tôi cho rằng việc chọn các đối tượng vừa sức trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Myanmar hay mở ra ngoài khu vực với các đội trẻ của Iran, Trung Quốc, Sydney Úc hay U.18 Hàn Quốc để cọ xát cũng là hợp lý khi có những trận đấu hay, ngang ngửa đáng học hỏi. Việc hình thành một đội tuyển U.21 Báo Thanh Niên sau VCK giải quốc gia để dự giải quốc tế từ sự bình chọn đội hình tiêu biểu cũng có nhiều ý nghĩa cho các cầu thủ trẻ xuất sắc thể hiện mình.

Theo Trần Văn Mui (Thanh Niên Tuần San)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-thao-c-71/bong-da-c-116/u21-trong-mat-toi-45693.html