Tỷ lệ sinh giảm mạnh: Bước tiến của giới trẻ và bước lùi của xã hội

Tỷ lệ sinh bắt đầu giảm trong bối cảnh dân số ngày một già đi khiến các nhà lãnh đạo lo ngại vì tình trạng này sẽ làm cạn kiệt lực lượng lao động trong độ tuổi cần thiết để cung cấp sức mạnh cho nền kinh tế, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Ở góc độ cá nhân, không ai có trách nhiệm phải sinh cho đất nước mình một đứa con, để kế thừa và phát triển những truyền thống tốt đẹp hay dựng xây đất nước. Nhưng việc chọn không sinh con chắc chắn là một sự mất mát đối với sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.

Tình hình dân số giảm báo động nguy cơ xã hội của các quốc gia chứ không riêng gì với Trung Quốc hay Việt Nam. Ảnh: www.pexels.com

Dân số thế giới có khoảng 8 tỉ người, quốc gia có số dân đông nhất trên thế giới là Trung Quốc. Đây là những thông tin về tình hình dân số rất mực quen thuộc với mỗi người chúng ta. Dân số Trung Quốc có thể nói là đông đến mức choáng ngợp và ngay cả chính phủ nước này phải áp dụng chính sách “một con” (one-child policy) trong suốt hơn ba thập kỷ, từ năm 1980-2015 nhằm đối phó với thực trạng dân số tăng nhanh và số dân đông đúc của mình. Tuy vậy trong những năm gần đây, Trung Quốc đã phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng tăng và đến cuối năm 2023, theo số liệu công bố của Cơ quan Dân số LHQ (UNPD), Trung Quốc không còn là quốc gia đông dân nhất thế giới.

Trong năm 2023, Trung Quốc có 9,02 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra, giảm so với mức 9,56 triệu vào năm 2022. Đây cũng là năm thứ bảy liên tiếp có số trẻ em được sinh ra ở nước này thấp nhất. Thêm vào đó, số người chết trong năm lên tới 11,1 triệu người khiến Trung Quốc trở thành nước có nhiều người già hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới mà con số này còn đang tăng lên nhanh chóng. Theo Cục Thống kê quốc gia, tổng dân số Trung Quốc vào cuối năm 2023 là 1,4 tỉ, con số này đã giảm 2 triệu người so với năm trước đó.

Những con số kể trên không đơn thuần là số liệu dân số của một quốc gia mà qua đó ta có thể nhận thấy tình hình dân số đang báo động cho một nguy cơ đối với xã hội hiện đại của tất cả các quốc gia, chứ không riêng Trung Quốc.

Những thách thức mang tầm vóc xã hội

Tỷ lệ sinh bắt đầu giảm trong bối cảnh dân số ngày một già đi khiến các nhà lãnh đạo lo ngại vì tình trạng này sẽ làm cạn kiệt lực lượng lao động trong độ tuổi cần thiết để cung cấp sức mạnh cho nền kinh tế, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Điển hình trong đó là Nhật Bản, Hàn Quốc phải thường xuyên nhập khẩu lao động từ các nước đang phát triển để phục vụ cho quá trình sản xuất trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp khi nguồn nhân lực của các nước này giảm đáng kể sau nhiều năm có tỷ lệ sinh thấp kỷ lục.

Mặt khác, để đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực, những người vốn đã qua độ tuổi lao động ở các nước có tỷ lệ sinh thấp vẫn phải tiếp tục làm việc. Theo Nikkei Asia, trong năm 2023, gần 40% số doanh nghiệp Nhật Bản phải thuê người lao động hơn 70 tuổi để làm việc. Dù là quốc gia từng được xem là cha đẻ của robot, thì ngay dưới thời kỳ công nghệ có robot hay AI – những công cụ được cho là có thể thay thế được con người – tại Nhật Bản, những người già đã qua tuổi nghỉ hưu vẫn phải tiếp tục lao động.

Tình trạng thiếu hụt lao động này ngày càng diễn ra trầm trọng đến mức các quốc gia có tỷ lệ sinh thấp đã phải thay đổi luật để tăng độ tuổi nghỉ hưu nhằm đối phó với thực trạng ngày càng có ít trẻ em ra đời. Độ tuổi nghỉ hưu theo luật của những nước này cao hơn so với mặt bằng chung. Ví dụ, phụ nữ ở Nhật Bản phải làm việc đến 64 tuổi trong khi đó ở Việt Nam độ tuổi này là 55 tuổi 4 tháng (kể từ năm 2021).

Như vậy, khi phụ nữ Việt Nam bước vào giai đoạn nghỉ hưu thì phụ nữ Nhật Bản vẫn phải tiếp tục lao động thêm gần một thập kỷ nữa. Đặc biệt, do sự thiếu hụt lao động mà độ tuổi nghỉ hưu của nam và nữ ở Nhật Bản là như nhau, thay vì có sự chênh lệch như ở Việt Nam, nữ giới có độ tuổi nghỉ hưu sớm hơn nam giới.

Sự chuyển hóa độ tuổi lao động từ nhóm người trẻ sang nhóm người già trong xã hội sẽ như quả bóng tuyết đang lăn tròn, mỗi lúc một to hơn rồi dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân khẩu học và gây áp lực cho hệ thống lương hưu, hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe cho người già, khiến chính phủ phải đổ dồn nguồn lực của quốc gia, chống đỡ cho thế hệ công dân ngày một già đi của mình.

Hiện trạng này còn là gánh nặng lên đôi vai của thế hệ trẻ nối tiếp đang phải lớn lên cùng sự thiếu hụt nhân lực kèm với trách nhiệm gánh vác cán cân xã hội ngày càng chênh lệch. Người trẻ trong độ tuổi lao động chật vật bởi tình trạng thiếu nhân công, họ buộc phải tăng ca, làm thêm giờ để mua những thực phẩm với giá ngày một cao, chi phí sinh hoạt đắt đỏ còn giá nhà thì ngày một tăng, tiền lương không đuổi kịp tốc độ lạm phát.

Những khó khăn này gộp lại sẽ thành một bức tường thành đủ cao để người trẻ chọn không sinh con, vì nếu sinh con họ còn phải đối mặt thêm với nhiều chi phí khác. Không những vậy, gánh nặng đè gánh nặng, trường hợp gia đình chỉ có một đứa con đang trong độ tuổi lao động thì người này sẽ phải chăm lo cho cả ba và mẹ khi họ về già, thay vì như trước đây, khi tỷ lệ sinh còn cao, nhiều đứa con có thể chia sẻ việc chăm ba mẹ với nhau.

Ngoài ra, tỷ lệ sinh được tính dựa trên mức chênh lệch giữa số trẻ em được sinh ra và số người chết đi so với dân số trung bình trong kỳ nghiên cứu. Như vậy, có thể thấy tỷ lệ sinh không được tính trung bình số con trẻ được sinh ra bởi mỗi cặp vợ chồng mà tính chung tất cả trẻ em được sinh ra trong thời điểm đó. Nói như vậy để có thể thấy rằng vấn đề tỷ lệ sinh giảm còn nhức nhối ở việc tỷ lệ sinh không đồng đều giữa các gia đình.

Các gia đình có điều kiện thường chỉ sinh một con hoặc chọn không sinh con vì những người này chú trọng hơn cho hạnh phúc và sự tự do cá nhân. Như câu “Phú quý sinh lễ nghĩa”, việc có điều kiện sống tốt hơn giúp họ có nhiều cơ hội tận hưởng nhiều thú vui khác của cuộc sống nên việc sinh con không còn là lựa chọn được ưu tiên. Họ muốn dành thời gian của bản thân để khám phá cuộc sống, trong khi chuyện lập gia đình và có con chiếm quá nhiều thời gian, nguồn lực.

Không những vậy, người trẻ hiện đại cũng kết hôn ngày càng muộn hơn. Việc kết hôn muộn, mong muốn tận hưởng cuộc sống hôn nhân với bạn đời khi chưa phải chăm lo cho con cái cũng là một nhu cầu mới dẫn đến hệ quả là nhóm này chỉ sinh rất ít hoặc không sinh con vì sau khi trải nghiệm cuộc sống mà mình muốn, họ đã không còn trong độ tuổi phù hợp để sinh nữa.

Một sự tương phản thú vị là trước đây dưới xã hội phong kiến, khi một người phạm trọng tội thì mới bị “Tru di cửu tộc”, “Tru di tam tộc”, với ý nghĩa không để lại hậu nhân nào của gia đình đó vì con nối dõi vô cùng quan trọng. Ngược lại, khi chúng ta ngày càng tiến đến sự tự do của xã hội hiện đại, thì nhiều người trẻ chủ động chọn “bản án” này một cách dễ dàng.

Hiện trạng này là một mất mát lớn cho sự phát triển phồn vinh của chính đất nước. Như tiến sĩ Thân Nhân Trung có câu nói bất hủ “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” hay câu nói nổi tiếng của Bác Hồ “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Sự kế tục giữa các thế hệ vốn là quy luật tồn tại, phát triển của mọi xã hội. Trong bất cứ một quốc gia, dân tộc nào, tuổi trẻ đều là tương lai của đất nước. Do vậy, một đất nước muốn phát triển bền vững thì phải “trồng người”, giáo dục – đào tạo thế hệ kế tiếp.

Thay lời kết, không ai “nợ” quốc gia của mình một đứa con…

Không ai có trách nhiệm phải sinh cho đất nước mình một đứa con, để kế thừa và phát triển những truyền thống tốt đẹp hay dựng xây đất nước. Nhưng việc chọn không sinh con chắc chắn là một sự mất mát đối với sự phát triển của nền kinh tế nước nhà và dân số Việt Nam chắc chắn sẽ già đi trước khi kịp giàu, trước khi kịp sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong mỏi.

Kỳ Duyên

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ty-le-sinh-giam-manh-buoc-tien-cua-gioi-tre-va-buoc-lui-cua-xa-hoi/