Tỷ giá, lãi suất đang tác động thế nào tới doanh nghiệp?

(NDHMoney) Lãi suất cho vay, tỷ giá hiện vẫn quá cao so với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp. Đó là hạn chế lớn nhất của việc điều hành chính sách tiền tệ hiện nay.

TS Cao Sỹ Kiêm Quan điểm trên được TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa ra khi trao đổi với NDHMoney về những bất cập của chính sách tiền tệ và tác động đến cộng đồng doanh nghiệp. Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông có thể cho những ảnh hưởng của chính sách tiền tệ đối với công đồng doanh nghiệp? Nhiều người cứ nghĩ rằng, năm nay kinh tế hồi phục thì doanh nghiệp trong nước cũng theo đó mà vượt qua được những khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế năm 2009. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp Việt Nam trong năm nay lại khó khăn hơn trong năm 2009, bởi vì đầu năm nay, chúng ta vừa chống lạm phát, vừa chống suy thoái xong thì phải khắc phục kinh tế nên cung cách kinh doanh của doanh nghiệp phải thay đổi. Chính điều này đã dẫn đến nhiều khó khăn trong chính sách và phương thức điều hành kinh doanh. Bên cạnh đó, dù năm 2009 chịu ảnh hưởng của suy thoái nhưng còn có gói kích cầu khá lớn, còn trong năm nay không còn nữa đã khiến không ít doanh nghiệp rơi vào trạng thái hụt hẫng. Hiện nay, chi phí đầu vào tăng nhanh, đặc biệt là lãi suất và tỷ giá cũng biến động tăng mạnh, vượt ra ngoài khả năng chịu đựng của doanh nghiệp nên nhiều doanh nghiệp đang lâm vào khó khăn. Thị trường xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp đã bị thu hẹp đã khiến cho hàng tồn kho tăng lên, dẫn tới chi phí kho bãi, giá thành tăng theo. Hơn nữa, chúng ta nhận bắt nhiều vấn đề rất sớm, song công tác điều hành lại bất cập, giật cục, không thống nhất đã khiến cho lòng tin của doanh nghiệp giảm sút. Cụ thể là vấn đề tỷ giá và lãi suất đang tác động như thế nào đối với doanh nghiệp? Bên cạnh một số mặt tích cực đạt được, hiện công tác điều hành 2 vấn đề này còn nhiều bất cập, thể hiện ở việc lãi suất vẫn quá cao so với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp. Hiện trung bình lãi suất vay vẫn là 14 -15%, trong khi lợi nhuận của doanh nghiệp không vượt quá 20%, thì rốt cuộc chỉ còn 5% để trang trải tất cả các khoản. Hơn nữa, các doanh nghiệp thế giới vốn vay ngân hàng chỉ là vay bổ sung, trong khi doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là vay ngân hàng tới 90%, nên khi ngân hàng thắt chặt cho vay thì doanh nghiệp sẽ lao đao vì không tiếp cận vốn được. Bên cạnh đó, có hiện tượng không gặp nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Có doanh nghiệp cần vốn thì không tiếp cận được, nhưng cũng có một số ngân hàng có nhu cầu cho vay lại không đàm phán và chọn lựa được doanh nghiệp đủ điều kiện cho vay. Điều hành không phối hợp được với nhau trong chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Chúng ta muốn tăng vốn lên, muốn tăng tín dụng lên trong khi bội chi ngân sách vẫn cao thì không thể có một chính sách tiền tệ và lãi suất ổn định được. Tỷ giá hiện cũng đang có vấn đề và lại đang có 2 quan điểm khác nhau. Một khuynh hướng là phá giá VND để kích thích xuất khẩu, đưa đồng tiền trở lại giá trị thực. Nhưng cũng có quan điểm tỷ giá phải ổn định, đảm bảo kiềm chế nhập siêu và đảm bảo lợi ích cho những doanh nghiệp đang vay nhiều USD. Do đó, tôi cho rằng, cơ quan quản lý của chúng ta đang đứng giữa “ngã ba đường” trong vấn đề điều hành tỷ giá. Tôi cũng thừa nhận rằng, điều hành tỷ giá là nhiệm vụ khó nhất trọng bối cảnh hiện nay của Ngân hàng Nhà nước. Chúng ta vẫn phải bám vào mục tiêu ổn định là chủ yếu, song vẫn phải khai thác mọi thế mạnh, tiềm năng, thời cơ để đạt tăng trưởng cao. Giải pháp phù hợp là tiếp tục giảm lãi suất thông qua 4 động thái cơ bản là: kiềm chế giá tiêu dùng vì đây là cơ sở để xác định giá đồng tiền; Giải quyết các vấn đề bất ổn của kinh tế vĩ mô để sản xuất của doanh nghiệp có kết quả càng cao càng tốt; Phải điều hành linh hoạt chính sách tỷ giá và lãi suất theo cung cầu và diễn biến trên thị trường. Và cuối cùng là phải chống được tâm lý dao động, tung tin đồn nhảm. Trong điều hành phải công khai, minh bạch và nhất quán. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 19 nhằm sửa đổi một số nội dung của Thông tư 13 được ban hành trước đó. Theo ông điều này sẽ tác động thế nào đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp? Thông tư 13 quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng ra đời đúng lúc nền kinh tế chúng ta đang thiếu vốn và bản thân các ngân hàng cũng thiếu vốn. Lạm phát tương đối cao. Vì thế các ngân hàng thương mại không huy động được vốn nên khả năng cung ứng của các ngân hàng là rất khó. Việc sửa Thông tư 13 nới rộng ra khả năng huy động vốn, nới rộng khả năng để cho ngân hàng sử dụng vốn có hiệu quả hơn, và khả năng này cũng có thể làm cho thanh khoản các ngân hàng được cải thiện. Ông có cho rằng, với việc ban hành Thông tư 19, khả năng mở rộng tín dụng sẽ thoáng hơn, và điều này sẽ giúp các ngân hàng giảm lãi suất? Thông tư 19 sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các ngân hàng sử dụng vốn và huy động vốn. Tuy nhiên, đây không hoàn toàn là bước ngoặt để các ngân hàng có điều kiện để vươn lên để huy động vốn một cách mạnh mẽ. Tôi đồng tình với thay đổi song cần có thời gian, lộ trình nên chúng ta cũng không nên kỳ vọng là nó sẽ góp phần tạo rất nhiều vốn, giảm lãi suất ngân hàng, vì mục tiêu của Thông tư 13 là để quản lý vốn chặt hơn, an toàn hơn cho các ngân hàng. Xin cảm ơn ông!

Nguồn NDH: http://ndhmoney.vn/web/guest/dau-tu/tai-chinh-tien-te/tai-chinh-ngan-hang/_/-/journal_content/journal_content_INSTANCE_6Fvc/10136/313514