'Tuýt còi' chứng chỉ IELTS, nhiều phụ huynh 'chết đứng'

Xung quanh việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ra văn bản dừng việc không tuyển thẳng hoặc ưu tiên tiên đối với học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS vào lớp 10 đột ngột, đã có rất nhiều sự chú ý, bình luận trái chiều xung quanh vấn đề này.

Nghệ An là một trong những địa phương tiên phong trong việc thực hiện xét tuyển vào lớp 10 cho thí sinh có chứng chỉ IELTS cùng với tiêu chí kết quả học tập 4 năm học cấp Trung học Cơ sở.

Từ năm 2021, Nghệ An đã tuyển thẳng học sinh có điểm IELTS đạt 6.0 vào trường THPT công lập có lớp tiếng Anh tăng cường và 7.0 trở lên đối với Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.

Chính vì thế, khi Bộ GD-ĐT ra văn bản về việc không tuyển thẳng hoặc ưu tiên đối với học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ có rất nhiều ý kiến trái chiều của học sinh, phụ huynh và cả các giáo viên ở Nghệ An.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 luôn là một kỳ thi khó khăn với nhiều thí sinh.

Để có một chứng chỉ IELTS, nhiều phụ huynh cho biết, họ đã đầu tư hàng chục triệu đồng trong hơn 1 năm để tập trung cho con ôn thi. Chưa kể, thời điểm sát kỳ thi, nhiều phụ huynh còn sẵn sàng thuê giáo viên để kèm thêm cho các con với mức phí mỗi buổi có khi lên đến tiền triệu.

Việc thi IELTS cũng khá tốn kém, song nhiều học sinh sau khi thi lần 1 kết quả chưa tốt, sẵn sàng nộp thêm phí để thi lần 2, lần 3 với hy vọng cải thiện điểm.

Đã chuẩn bị cho con "một suất" vào một trường công lập trên địa bàn thành phố Vinh với chứng chỉ IELTS 6.0, chị Lê Phương Mai ở phường Hưng Bình, TP. Vinh (Nghệ An) cho rằng, "Văn bản của Bộ cần có lộ trình hoặc cần ban hành sớm hơn để phụ huynh, học sinh có định hướng phù hợp…

Thực tế, có rất nhiều gia đình đã dành thời gian, tiền của và công sức để có được chứng chỉ IELTS, thậm chí có bạn đã thi rất nhiều lần để đạt được số điểm như kỳ vọng. Phụ huynh chúng tôi mong muốn, nếu Bộ có sự thay đổi thì cần lùi lại thời gian để học sinh cố gắng các môn học khác…" - phụ huynh này chia sẻ.

Chứng chỉ ngoại ngữ IELTS lâu nay được xem là giấy ‘thông hành’ để tuyển sinh đầu vào ở nhiều cấp học, trong đó có tuyển sinh lớp 10.

Trong khi đó, chị Nguyễn Trúc Chi, tại phường Hưng Phúc, TP. Vinh cho rằng, nhiều năm nay có một trào lưu bố, mẹ đổ xô cho con đi học thêm, học ôn thi IELTS tại các trung tâm với chi phí vô cùng đắt đỏ ngay từ khi mới chớm vào cấp 2. Điều này dẫn đến hệ lụy, phụ huynh tập trung cho con học lệch thiên về ngoại ngữ, bỏ qua các kỹ năng, năng lực phẩm chất khác.

"IELTS chỉ là một loại chứng chỉ thể hiện trình độ ngoại ngữ của người học, không liên quan đến việc đánh giá năng lực của người học, học sinh muốn hành nghề giỏi cần phải có kiến thức của nhiều môn học khác.

Do đó, nếu dùng chứng chỉ ngoại ngữ, trong đó có IELTS để tuyển thẳng vào lớp 10 là không phù hợp và không công bằng với những học sinh gia đình không có điều kiện học tập chứng chỉ này. Học 1 môn mà thay thế cho các môn còn lại thì thiệt thòi cho những học sinh ko có tiền đi học đi thi mấy cái chứng chỉ này…" - chị Trúc Chi bày tỏ.

Năm nay, tại TP. Vinh, số lượng học sinh tham gia Kỳ thi tuyển sinh THPT tăng đột biến so với năm ngoái. Theo Sở GD-ĐT Nghệ An, số học sinh lớp 9 của toàn TP. Vinh là 6.218 em, cao hơn năm học trước 796 em. Mức tăng này cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh của một trường công lập và đẩy áp lực tuyển sinh lớn hơn năm trước rất nhiều.

Giờ học Tiếng Anh của học sinh trường Trường Trung học cơ sở Đặng Thai Mai TP.Vinh.

Đơn cử, năm học 2023 - 2024, để trúng tuyển vào Trường THPT công lập trên địa bàn TP. Vinh học sinh phải có điểm trung bình 7,5 - 8,25 điểm/môn. Chính Vì thế, khi nhận được văn bản của Bộ GD-ĐT về việc không tuyển thẳng đối với học sinh có chứng chỉ IELTS, rất nhiều học sinh và phụ huynh bày tỏ sự nuối tiếc và hụt hẫng.

Từ cuối năm lớp 9, học sinh Nguyễn Thảo Ng. (lớp 9 - Trường THCS Hưng Bình, TP. Vinh) đã có chứng chỉ IELTS 6.5 và tấm giấy "thông hành" đó là một trong những cơ sở để em được tuyển thẳng vào lớp 10. Để đạt điểm IELTS này, trong 2 năm ôn thi, Ng. chia sẻ em trải qua nhiều lớp học ở nhiều trung tâm khác nhau, thậm chí có thời điểm em học 1 kèm 1 với học phí là 600.000 đồng/buổi.

"Em cảm thấy mình khá hụt hẫng khi nhận được thông báo từ Bộ GD-ĐT. Sắp tới, trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, chúng em sẽ có thêm nhiều rủi ro vì đây là một kỳ thi khó, tỷ lệ cạnh tranh cao.

Cá nhân em vẫn mong rằng, nên có những phương án để ưu tiên cho những học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ, vì đây là một môn thi khó, học sinh cũng khá kỳ công mới có thể ôn tập và lấy được chứng chỉ" - Thảo Ng. bày tỏ.

Một buổi học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài của học sinh tại TP. Vinh

Không chỉ phụ huynh, học sinh mà các giáo viên cũng có nhiều ý kiến cho rằng, Bộ cần có lộ trình hoặc cần ban hành sớm hơn để phụ huynh, học sinh có định hướng phù hợp. Cô Nguyễn Thị Tú Anh – dạy Tiếng Anh, Trường THCS Hưng Bình, TP. Vinh cho biết, "Khi nghe thông tin này, tôi cảm thấy rất tiếc. Tôi hi vọng rằng Bộ và ngành giáo dục cần có chính sách phù hợp hoặc có lộ trình chậm hơn 1 năm để các em có sự chuẩn bị. Điều đó cũng sẽ động viên tinh thần ham học và nâng cao chất lượng Tiếng Anh ở các cấp học...".

Mặc dù vậy, việc học sinh quá tập trung "săn" chứng chỉ mà lơ là các môn học khác, là chưa phù hợp. "Rất nhiều học sinh chỉ có một mục tiêu duy nhất là IELTS nên các môn học khác năng lực các cháu bị hạn chế và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại trà. Vì vậy, nếu Bộ và Sở GD-ĐT quá coi trọng chứng chỉ Ngoại ngữ sẽ dẫn đến việc phát triển thiếu cân đối.

Trong khi, Ngoại ngữ chỉ là phương tiện hỗ trợ để tiếp cận làm việc với nước ngoài mà học sinh muốn hành nghề giỏi thì đang cần phải có kiến thức của nhiều môn học khác. Nếu đã ưu tiên môn tiếng anh tại sao không công bằng với các môn ngoại ngữ khác như tiếng nhật, tiếng nga, hay tiếng pháp…" – cô Nguyễn Thùy Dung một giáo viên dạy tiếng anh trên địa bàn TP. Vinh bày tỏ quan điểm.

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tuyt-coi-chung-chi-ielts-nhieu-phu-huynh-chet-dung-172240228090740008.htm