Tuyên truyền ngộ độc thực phẩm tại địa bàn có nguy cơ cao

Để tránh những vụ ngộ độc đáng tiếc xảy ra, người dân đặc biệt là trẻ em tuyệt đối không ăn các loại cây quả lạ mọc trong rừng, không sử dụng các loại hạt mốc, bột cũ để làm bánh hay thức ăn

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang, xảy ra nhiều vụ ngộ độc, hầu hết các vụ ngộ độc là do độc tố tự nhiên có trong nấm độc, hoa quả rừng và bột ngô mốc.

Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm

Điển hình là vụ trên địa bàn huyện Đồng Văn, Hà Giang xảy ra liên tiếp 2 vụ ngộ độc do ăn quả hồng châu và ngộ độc do ăn bánh trôi ngôi khiến nhiều người mắc và tử vong. Theo các chuyên gia, vào thời điểm từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm nhiều quả rừng đang chín rộ, là dịp nghỉ hè của học sinh nên thường xảy ra vụ ngộ độc do trẻ ăn phải quả hồng châu.

Cây hồng châu có tên khoa học (Capparis versicolor Griff), họ màn màn (Capparaceae). Tên gọi theo địa phương khác là: cây rom, cây mề gà, cây khua mật, cây móc quạ (Thái Nguyên), chi pản sloa (Cao Bằng)...

Cây hồng châu thường mọc ở khu vực núi đá, nó thuộc dạng cây dây leo, vỏ thân cây màu xanh nhạt, có gai nhọn, cứng. Lá cây to gần bằng 2 ngón tay người lớn, dài khoảng 11-12 cm, màu của lá xanh đậm. Quả tròn to gần bằng quả trứng gà, vỏ nhẵn mượt không có lông, quả non vỏ màu xanh nhạt, khi quả chín vỏ có màu tím và hơi mềm, bên trong có lớp vỏ màu hồng, mỗi quả có từ 4 - 6 hạt, các hạt có một lớp cùi màu trắng đục, nhiều nước và mềm bao bọc, bên trong cùi có một hạt to bằng hạt ngô có màu tím và hơi dẹp. Quả hồng châu chín vào tháng 7-9 hằng năm. Độc tố của quả hồng châu là alcaloid, chứa chính trong nhân hạt của quả. Độc tính của chúng tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp, trụy tim mạch dẫn đến tử vong. Khi bị ngộ độc hồng châu, không có thuốc điều trị đặc hiệu; điều trị căn nguyên và điều trị triệu chứng là chủ yếu. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo cần gây nôn (bằng biện pháp cơ học) ngay lập tức. Cho người bệnh uống nước và gây nôn; uống than hoạt: liều 1g/kg cân nặng người bệnh. Cho người bệnh uống đủ nước, tốt nhất là dùng oresol; nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Ông Nguyễn Văn Trân, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Giang, đến thăm hỏi bệnh nhân ngộ độc quả hồng châu

Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận điều trị cho 4 bệnh nhân ở Hà Giang bị ngộ độc nặng sau khi ăn bánh trôi ngô. Theo TS-BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, đặc điểm chung của cả 4 bệnh nhân là tổn thương gan ồ ạt, suy gan tối cấp tính, hôn mê gan, tiên lượng rất nặng, nguy cơ cao tử vong.

Để tránh những vụ ngộ độc đáng tiếc xảy ra, cục An toàn thực phẩm tỉnh Hà Giang khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em tuyệt đối không ăn các loại cây quả lạ mọc trong rừng dù chỉ ăn thử một lần và tuyệt đối không ăn bột ngô để lâu ngày sinh ra nấm mốc gây ảnh hưởng sức khỏe con người dễ dẫn đến tử vong. Với món bánh trôi ngô, Để ngăn ngừa ngộ độc, bác sĩ Nguyên khuyến cáo người dân khi sử dụng hạt ngô khô làm thực phẩm, tuyệt đối không sử dụng ngô mốc, không sử dụng bột ngô cũ để làm bánh hay thức ăn. Hạt ngô kể cả sạch sau khi đã xay, nghiền thành bột thì chế biến ngay và ăn hết sớm.

Chủ động tuyên truyền phòng chống ngộ độc

Hằng năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các xã xây dựng nông thôn mới và các xã hay xảy ra ngộ độc bằng nhiều hình thức, nội dung tuyên truyền phong phú, đa dạng.

Đồng thời, hướng dẫn cho thành viên ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân xã; trưởng thôn, nhân viên y tế thôn, bản biết cách truyền thông trực tiếp tại thôn, bản có nguy cơ cao, tuyên truyền tại lớp học; hướng dẫn truyền thông gián tiếp qua hệ thống loa phát thanh của UBND xã, trạm y tế xã tại chợ phiên, buổi tiêm chủng hằng tuần, hằng tháng và cấp phát sổ tay kiến thức an toàn thực phẩm cho các trạm y tế xã để phát cho các thành viên trong ban chăm sóc sức khỏe nhân dân xã, y tế thôn bản, học sinh.

Đồng thời, lồng ghép tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các nhóm hộ gia đình sinh sống gần rừng, có phong tục tập quán, thói quen sử dụng các loại rau, củ, quả rừng làm thực phẩm ăn uống hằng ngày trên địa bàn xã; Hướng dẫn cách xử trí ban đầu khi phát hiện bị ngộ độc thực phẩm và cách nhận biết, phòng tránh ngộ độc thực phẩm tại bữa cỗ đông người ăn.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang khuyến cáo người dân tuyệt đối không thu hái, sử dụng các động, thực vật lạ có nguy cơ gây ngộ độc. Không nên ăn các loại hoa, quả từ cây rừng, nấm mọc tự nhiên khi chưa xác định được nấm lành hay nấm độc. Không nên sử dụng bột ngô để lâu ngày lên nấm men mốc. Trong quá trình chế biến, cần bảo đảm các nguyên tắc an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tránh việc nhiễm độc tố từ bên ngoài xâm nhập thực phẩm.

Khánh Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/tuyen-truyen-ngo-doc-thuc-pham-tai-dia-ban-co-nguy-co-cao-20231109172906647.htm