Tuyển tập Ca Văn Thỉnh: Sống mãi di sản văn hóa Nam bộ

Lần đầu tiên, các công trình chuyên khảo, bài viết của GS Ca Văn Thỉnh được in trọn vẹn thành Tuyển tập Ca Văn Thỉnh - Di sản văn hóa Nam bộ gồm ba tập, do NXB Tổng Hợp TP.HCM ấn hành.

Tuyển tập Ca Văn Thỉnh ấn bản 2022 nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông

“Nhà Nam bộ học”, “nhà cách mạng”, “nhà khoa học phát lộ ký ức văn hóa Nam bộ trong văn học Nam bộ”, nhà khoa học tầm lưu ký ức văn hóa trong lịch sử Nam bộ”… - đó là những danh xưng mà nhiều nhà nghiên cứu đã trân trọng dành cho cố GS Ca Văn Thỉnh (1902-1987).

* Tư liệu quý về Nam bộ

Lúc sinh thời, GS Ca Văn Thỉnh được xem là một trong những người thầy tiên phong nghiên cứu về văn học Nam bộ trước năm 1954, sưu tầm văn học dân gian Nam bộ cũng như nghiên cứu lịch sử văn học nước nhà nói chung. Những bài viết, nghiên cứu của ông góp phần khắc họa, phản ánh nét đẹp văn hóa con người Nam bộ. Những đặc tính về ý chí chinh phục, khai phá thiên nhiên, tinh thần “trọng nghĩa khinh tài”, lòng yêu nước và sự kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương đất nước của nhân dân Nam bộ được tác giả ghi nhận, sưu tra, hệ thống đa chiều.

“Con người Nam bộ thật thà, thẳng thắn, trái tim để trong lòng bàn tay” - trích Tuyển tập Ca Văn Thỉnh 2022

Đọc Tuyển tập Ca Văn Thỉnh - Di sản văn hóa Nam bộ của GS Ca Văn Thỉnh ấn hành năm 2022, độc giả rất tiện sưu tra từ ba hướng khác nhau về vùng đất giàu truyền thống Nam bộ thông qua lịch sử, văn học và danh sĩ Nam bộ. GS Thỉnh trình làng với đại chúng các công trình nghiên cứu về Nam bộ bằng “một phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại, một thái độ làm việc hết sức nghiêm túc, coi trọng tư liệu” như lời nhận xét của PGS-TS Đoàn Lê Giang.

Viết lời giới thiệu cho Tuyển tập Ca Văn Thỉnh - Di sản văn hóa Nam bộ năm 2022, PGS-TS Đoàn Lê Giang khẳng định: “Tư liệu mà ông sử dụng đều là các tư liệu nguyên gốc, xác thực, có độ tin cậy cao. Cách diễn giải của ông trong các bài viết đều rõ ràng, khúc chiết, logic chặt chẽ, hết sức thuyết phục. Và bao trùm hơn cả là tình cảm sâu đậm với mảnh đất Nam bộ: một niềm tự hào sâu sắc về văn hóa Nam bộ, một niềm tri ân trìu trịu với tiền nhân - những người đã đổ mồ hôi khai phá, đổ máu để giữ gìn mảnh đất này cho thế hệ mình và các thế hệ con cháu mai sau”.

* Đâu là di sản văn hóa Nam bộ?

Theo GS Ca Văn Thỉnh, di sản văn hóa Nam bộ “thể hiện tâm hồn và phẩm chất của con người nơi đây, khắc họa truyền thống luôn sẵn sàng đấu tranh để gìn giữ độc lập, tự do, tự cường, dựa vào tính linh hoạt, thích nghi, tinh thần đoàn kết, nhân ái, dân chủ từ thôn xã… của người Nam bộ”.

Tác phẩm của của GS Ca Văn Thỉnh từng được in thành sách nhiều lần, nhưng nhân dịp năm 2022 kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông, những công trình nghiên cứu văn hóa Nam bộ của trí thức yêu nước người Bến Tre này một lần nữa được tập hợp, tuyển soạn thành trọn bộ ba tập trang nhã, đầy đặn. Bộ sách gồm ba tựa: Di sản văn hóa Nam bộ nhìn từ danh sĩ Nam bộ thế kỷ XVIII-XIX; Di sản văn hóa Nam bộ nhìn từ lịch sử Nam bộ và Di sản văn hóa Nam bộ nhìn từ văn học Nam bộ, do các tác giả Lê Sỹ Đồng, Nguyễn Long Trảo (con rể của GS Thỉnh) và Ca Lê Hồng sưu tầm, tuyển soạn. Ông Sỹ Đồng là nhà nghiên cứu được xem là một “chuyên gia về Ca Văn Thỉnh”, ông Long Trảo chính là con rể của GS Thỉnh - người dành nhiều năm để tập hợp tài liệu của nhạc phụ mình một cách đầy đủ nhất.

Trong tập sách Di sản văn hóa Nam bộ nhìn từ danh sĩ Nam bộ, GS Thỉnh dựng lại cuộc đời của các nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển văn hóa và nhân cách con người Nam bộ và vinh danh công trạng họ một cách đầy kính trọng và khâm phục. Đó là các danh sĩ Nam bộ như Phan Văn Trị, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Cư Trinh, Võ Trường Toản, Lê Quang Định, Nguyễn Thông, Nguyễn Hữu Huân, Trần Tử Mẫn, Huỳnh Mẫn Đạt, Trần Thiện Chánh, Nguyễn Đình Chiểu… Công trình nổi tiếng đầu tiên của GS Thỉnh là bài nghiên cứu Doãn Uẩn (1794-1848), một vị quan có công bình định Trấn Tây công bố năm 1941.

Đặc biệt do xuất thân từ mảnh đất Mỏ Cày, Bến Tre, GS Ca Văn Thỉnh viết rất nhiều bài về Nguyễn Đình Chiểu và tác phẩm Lục Vân Tiên với những góc nhìn, phân tích, kiến giải sâu sắc. Hồi đầu thập niên 1980 ông từng ra mắt Nguyễn Đình Chiểu toàn tập. Trong Tuyển tập ấn hành cuối năm 2022, độc giả có dịp đọc lại nhiều bài viết rất có giá trị của GS Thỉnh như Nguyễn Đình Chiểu - nhà thơ chiến đấu vì nghĩa cả; Nguyễn Đình Chiểu và hào khí dân tộc… với bình luận “tinh thần đấu tranh của nhà thơ bắt nguồn từ truyền thống quật cường của dân tộc, với sắc thái địa phương Nam bộ” (trang 141 trong tập Di sản văn hóa Nam bộ nhìn từ danh sĩ Nam bộ thế kỷ XVIII-XIX).

Thế nhưng nhắc đến những di sản mà GS Ca Văn Thỉnh để lại cho hậu thế, không thể không có tác phẩm nổi tiếng nhất là Hào khí Đồng Nai. Công trình này ông ra mắt năm 1983 và ngay lập tức gây tiếng vang khi thể hiện một tình cảm sâu đậm, một niềm tự hào sâu sắc về mảnh đất, văn hóa con người, những tiền nhân có công khai phá cũng như hi sinh biết bao xương máu để gìn giữ mảnh đất này. Khi giặc ngoại xâm đến cướp nước ta, “đất Nam bộ phì nhiêu trở thành bãi chiến trường. Người nông dân cần cù trở thành chiến sĩ. Các nhà nho yêu nước đứng lên chiêu mộ nghĩa quân, làm tham mưu cho các lãnh tụ khởi nghĩa (…) Sĩ phu và nhân dân đã nhất tề đứng dậy chống giặc, hào khí ngút trời” – những áng văn của GS Ca Văn Thỉnh trong Hào khí Đồng Nai mang giá trị vượt thời gian, được lưu truyền như một trong những biểu hiện rực rỡ của truyền thống dân tộc ta.

Tuyển tập Ca Văn Thỉnh ấn bản 2022 một lần nữa khẳng định ông là gương mặt trí thức tiêu biểu, hàng đầu của Nam bộ. Sách là một công trình nghiêm túc và thú vị, hữu ích cho giới nghiên cứu văn hóa Nam bộ xưa và nay, là tài liệu quý cho các sinh viên học sinh cũng như bất cứ ai yêu lịch sử văn học nước nhà. Giáo sư Ca Văn Thỉnh không chỉ góp phần ca ngợi tinh thần yêu nước của trí thức Nam bộ ở khía cạnh văn chương mà ông còn muốn kêu gọi người dân Nam bộ “hãy tiếp tục phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp vốn có ấy”.

Cẩm Điệp

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202212/tuyen-tap-ca-van-thinh-song-mai-di-san-van-hoa-nam-bo-3151683/