Tuyên Quang và sự lựa chọn của lịch sử

Tuyên Quang là nơi đã diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại, gắn liền và quyết định vận mệnh dân tộc Việt Nam. Ngày 4-5-1945, 2 ngày sau khi Liên Xô giải phóng Béclin, Lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định rời Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) để lãnh đạo cách mạng cả nước.

Ngày 4-6-1945, Tổng bộ Việt Minh tuyên bố thành lập Khu Giải phóng gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang và một phần của các tỉnh: Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Yên Bái. Từ đây, Tân Trào - Tuyên Quang trở thành Thủ đô Khu Giải phóng, trung tâm đầu não lãnh đạo cao trào kháng Nhật cứu nước trong toàn quốc.

Ngày 7-5-1945, phát xít Đức - Ý đầu hàng Đồng Minh không điều kiện. Ngày 7-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật, chỉ trong vòng 1 tuần đã đánh bại đội quân Quan Đông là lực lượng chủ lực của phát xít Nhật, đồng thời các nước Đồng Minh liên tục tấn công vào các vị trí phòng thủ của Nhật. Nước Nhật đứng bên bờ vực thất bại, quân nhật và tay sai ở Đông Dương bị đẩy vào thế bất lợi, mất tinh thần chiến đấu, hoang mang, rệu rã tới cao độ.

Tại Lán Nà Nưa, Tân Trào, Tuyên quang, trong lúc sốt mê man, sức khỏe nguy kịch “ngàn cân treo sợi tóc”, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Cũng tại rừng Nà Nưa, Tân Trào, từ ngày 13 đến 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng đã họp quyết định lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa. Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc được thành lập, ra quân lệnh số 1 phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước.

Tại thời khắc lịch sử phát triển nhảy vọt, trong 2 ngày 16, 17-8-1945, tại Đình Tân Trào, Quốc dân Đại hội được triệu tập. Đại hội biểu thị ý chí, quyết tâm sắt đá giành độc lập dân tộc của toàn thể nhân dân Việt Nam. Đại hội cử ra Ủy ban dân tộc Giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; thông qua Mười chính sách lớn của Việt Minh, quyết định Quốc kỳ, Quốc ca.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8 - 1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đó, ngày 2-9 là Ngày Quốc khánh của nước ta.

Lịch sử đã lựa chọn Tân Trào, Tuyên Quang - Thủ đô Khu Giải phóng là Thủ đô lâm thời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Quốc dân Đại hội Tân Trào là Quốc hội lâm thời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Ủy ban dân tộc Giải phóng Việt Nam là Chính phủ lâm thời và Mười Chính sách lớn của Việt Minh là Hiến pháp tạm thời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những quyết định do Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội Tân Trào thông qua vừa mang tính sống còn của dân tộc, đồng thời mang tính giá trị pháp lý vững chắc và sâu sắc.

Những sự kiện của Đảng, của cách mạng Việt Nam diễn ra tại Tân Trào, Tuyên Quang gắn liền với thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và mãi mãi là những dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Chính vị trí chiến lược đặc biệt của Tuyên Quang nên chỉ hơn một năm sau, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai bùng nổ, một lần nữa, lịch sử lại chọn Tuyên Quang trở thành Thủ đô Kháng chiến - Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và 65 ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương (trong đó có 13/14 Bộ và cơ quan ngang Bộ) đóng trụ sở làm việc để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi.

Tuyên Quang

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/xa-luan-vdkn/tuyen-quang-va-su-lua-chon-cua-lich-su-122156.html