Tùy tiện miễn giảm phí BOT: Bộ GTVT có vi phạm quy định pháp luật?

Khi các trạm BOT "đặt nhầm chỗ" bị cánh tài xế làm căng, Bộ GTVT lại đưa ra "giải pháp" miễn giảm phí, nhưng để giải được tận gốc, không phải là việc miễn giảm phí cho ai, giảm bao nhiêu mà là phải di dời trạm.

Công khai các hợp đồng BOT: Thứ trưởng Bộ GTVT nói "cần tính toán"

Trả lời câu hỏi của PV về việc có nên công khai các hợp đồng BOT để người dân và xã hội giám sát tại cuộc họp báo ngày 17/8 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Nên xem xét một số phương án, việc công khai phải có phương án để đảm bảo khả thi, nên có quy định cụ thể vào luật, nhưng là hình thức thế nào thì cần tính toán”.

Về vấn đề này, trước khi xẩy ra "phong trào tiền lẻ" và "vụ Cai Lậy", từ đầu năm 2017, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. Hồ Chí Minh cũng từng đã có văn bản chất vấn Bộ GTVT.

Trạm thu phí Cai Lậy. Ảnh: Nguoilaodong

Trả lời hiệp hội này khi đó, Bộ GTVT nói rằng đối với các thông tin về tổng mức đầu tư công trình, thời gian thu phí, cách tính thu thế nào từ từng dự án, Bộ đã khai trương Cổng Thông tin điện tử (website) về các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) do Bộ quản lý tại địa chỉ http://ppp.mt.gov.vn, trong đó có đầy đủ thông tin các dự án như tổng mức đầu tư công trình, thời gian thu phí, cách tính thu của từng dự án... được công khai minh bạch, "không có việc hạn chế thông tin về các nội dung này".

"Bộ GTVT và Bộ Tài chính luôn công khai các thông tin (nêu trên) trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí và trên hệ thống trang thông tin điện tử của Bộ. Ngoài ra, Bộ thường xuyên chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án BOT cũng như các cơ quan đơn vị có liên quan công khai minh bạch các thông tin này trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí và trên hệ thống trang thông tin điện tử, công khai tại phạm vi dự án và trạm thu phí của dự án... để nhân dân cả nước biết, giám sát thực hiện" - văn bản phản hồi của Bộ GTVT cho biết.

Thế nhưng, trên thực tế thì bấy lâu nay người dân vẫn phải móc tiền trả phí BOT trong khi gần như không mấy ai nắm được là "cơ quan nhà nước có thẩm quyền" đã thỏa thuận những gì đối với các nhà đầu tư dự án.

Bộ GTVT đã có Cổng thông tin điện tử về các dự án PPP, vậy tại sao không công khai nội dung các hợp đồng BOT lên cổng này? Không rõ việc Thứ trưởng Đông đề cập đến chuyện "công khai phải có phương án để đảm bảo khả thi" là ý như thế nào?

Theo Nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, sau khi dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư ký kết hợp đồng dự án. Nội dung hợp đồng dự án gồm những gì cũng được Nghị định quy định rất rõ. Như vậy, hợp đồng này không có lý do gì là bí mật để không được công bố công khai.

Miễn phí tùy tiện, Bộ GTVT có làm trái quy định pháp luật?

Cho đến nay, người dân vẫn quen gọi là "phí BOT", tuy nhiên từ ngày 15/11/2016, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT quy định về mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án BOT, theo đó đã chuyển từ “phí” sang “giá" kể từ ngày 01/1/2017.

Chỉ thay đổi một từ nhưng bản chất pháp lý đã hoàn toàn thay đổi. Nếu gọi là "phí" thì việc thu nộp khoản tiền này phải tuân thủ Luật Phí và lệ phí, còn nếu gọi là "giá" thì tuân thủ theo Luật Giá.

Tại cuộc họp báo hôm 17/8, trước câu hỏi của Nhadautu.vn đề nghị giải thích về căn cứ miễn phí 100% cho người dân 4 huyện/thị ở hai đầu trạm thu phí cầu Bến Thủy (Nghệ An và Hà Tĩnh) - nơi "khởi phát" phong trào "đấu tranh" với trạm BOT bằng "tiền lẻ", Thứ trưởng Đông cho biết: “Người dân ai cũng muốn đi miễn phí, ở một số nước người ta còn không thu phí, nhưng do ngân sách hạn hẹp nên cần phải thu hút đầu tư, mà doanh nghiệp khi đầu tư thì phải tính lợi nhuận. Còn việc miễn phí hai đầu cầu Bến Thủy bởi vì đây là khu vực mà người dân đi lại hàng ngày, nên miễn giảm để hài hòa lợi ích”.

Tuy nhiên, vị thứ trưởng không đả động gì đến chuyện miễn phí như vậy căn cứ theo quy định pháp luật nào?

Bởi theo Luật Phí và Lệ phí, mọi tổ chức, cá nhân phải trả phí khi sử dụng dịch vụ công do cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp. Việc thu, nộp, miễn, giảm, quản lý, sử dụng phí, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan chức trách cũng được luật định rõ ràng, không được tuỳ tiện áp đặt.

Còn thực hiện theo Luật Giá, trong trường hợp cụ thể ở đây là giá dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án BOT, thì đã được chính Bộ GTVT quy định cụ thể tại Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT. Theo đó, chỉ có 11 đối tượng cụ thể được miễn giá sử dụng dịch vụ đường bộ, gồm: xe cứu thương, cứu hỏa, xe hộ đê, xe chuyên dùng quốc phòng, an ninh, đoàn xe đưa tang....

Như vậy, khi đưa ra quyết định không thu phí đồng loạt như vậy phải chăng là Bộ GTVT đã gián tiến thừa nhận người dân ở đây không sử dụng dịch vụ. Bản chất là như vậy nhưng về hình thức lại nói là “giảm giá tối đa”, vậy “ngầm ý” của Bộ GTVT là gì? Phải chăng vì Bộ không muốn thừa nhận vị trí đặt trạm như vậy là chưa hợp lý? Vì nếu thừa nhận điều này là đã thừa nhận trách nhiệm của Bộ. Và khi thừa nhận như vậy, thì để giải được tận gốc vấn đề, không phải là việc giảm phí cho ai, giảm bao nhiêu mà là phải di dời trạm./.

Điều 4. Đối tượng miễn giá sử dụng dịch vụ đường bộ

1. Xe cứu thương; các loại xe khác đang chở người bị tai nạn đến nơi cấp cứu.

2. Xe cứu hỏa.

3. Xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp gồm: máy cày, máy bừa, máy xới, máy làm cỏ, máy tuốt lúa.

4. Xe hộ đê; xe đang làm nhiệm vụ khẩn cấp phòng chống lụt bão theo điều động của cấp có thẩm quyền.

5. Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng

a) Xe tăng, xe bọc thép, xe kéo pháo, xe chở lực lượng vũ trang đang hành quân;

b) Các phương tiện cơ giới đường bộ mang biển số: nền màu đỏ, chữ và số màu trắng dập chìm (dưới đây gọi chung là biển số màu đỏ) có gắn các thiết bị chuyên dụng cho quốc phòng (không phải là xe vận tải thùng rỗng) như: công trình xa, cẩu nâng, téc, tổ máy phát điện. Riêng xe chở lực lượng vũ trang đang hành quân được hiểu là xe ô tô chở người có từ 12 chỗ ngồi trở lên, xe ô tô tải có mui che và được lắp đặt ghế ngồi trong thùng xe, mang biển số màu đỏ (không phân biệt có chở quân hay không chở quân).

6. Xe chuyên dùng phục vụ an ninh bao gồm các loại xe quy định tại điểm a khoản 5 Điều này và các loại xe của lực lượng công an (Bộ Công an, Công an tỉnh, thành phố, Công an quận, huyện):

a) Xe ô tô tuần tra kiểm soát giao thông của cảnh sát giao thông có đặc điểm: Trên nóc xe ô tô có đèn xoay và hai bên thân xe ô tô có in dòng chữ: “CẢNH SÁT GIAO THÔNG”;

b) Xe ô tô cảnh sát 113 có có in dòng chữ: “CẢNH SÁT 113” ở hai bên thân xe;

c) Xe ô tô cảnh sát cơ động có in dòng chữ “CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG” ở hai bên thân xe;

d) Xe ô tô của lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ sử dụng một trong các tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật trong trường hợp làm nhiệm vụ khẩn cấp;

đ) Xe ô tô vận tải có mui che và được lắp ghế ngồi trong thùng xe chở lực lượng công an làm nhiệm vụ;

e) Xe đặc chủng chở phạm nhân, xe cứu hộ, cứu nạn.

7. Đoàn xe đưa tang.

8. Đoàn xe có xe hộ tống, dẫn đường.

9. Xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng sử dụng vé “Phí đường bộ toàn quốc” theo quy định của Bộ Tài chính về thu phí sử dụng đường bộ.

10. Xe làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa đến những nơi bị thảm họa hoặc đến vùng có dịch bệnh theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp khi có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm.

11. Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe hai bánh gắn máy, xe ba bánh gắn máy.

(Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT)

Theo Nhadautu

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/tuy-tien-mien-giam-phi-bot-bo-gtvt-co-vi-pham-quy-dinh-phap-luat-215734/