Tuy Phong: Trật tự an toàn giao thông diễn biến phức tạp, khó lường

Huyện Tuy Phong có quốc lộ 1A đi qua dài 43 km, đường sắt Bắc – Nam dài 38 km, đường nội thị hơn 300 km... điều đó tạo áp lực rất lớn cho nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT). Trên thực tế, số người chết, bị thương và thiệt hại về tài sản do tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn huyện Tuy Phong có thời điểm liên tục tăng, có năm tăng rất cao...

TNGT diễn biến phức tạp

Để đảm bảo trật tự ATGT, những năm qua huyện Tuy Phong đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp song song với nỗ lực tuyên truyền của các ngành, địa phương. Trong 15 năm, Công an huyện Tuy Phong đã tổ chức gần 10.000 ca tuần tra kiểm soát giao thông. Kết quả, đã phát hiện, lập biên bản 52.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền 22,8 tỷ đồng. Qua tuần tra cũng kịp thời ngăn chặn, giải quyết 76 vụ tụ tập để đua xe, đánh võng trên quốc lộ 1A, ĐT.716, đường nội huyện. Công an còn phối hợp ra quân lập lại trật tự đô thị, nhất là ở các khu vực trung tâm, khu vực chợ của 2 thị trấn... qua đó đã phát hiện, xử lý 6.600 trường hợp, buôn bán, họp chợ, để xe lấn chiếm vỉa hè, lòng đường…

Hiện trường vụ TNGT trên quốc lộ 1A, đoạn qua xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong.

Bên cạnh, công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình giao thông các tuyến đường huyện, đường liên xã trên địa bàn, huyện cũng được thực hiện thường xuyên. Ngành chức năng huyện cũng liên tục rà soát, bổ sung hệ thống biển báo hiệu giao thông, kiểm tra chất lượng công trình giao thông; phối hợp khắc phục các điểm hư hỏng mặt đường trên tuyến quốc lộ 1A, xóa các điểm đen về giao thông. Nhờ vậy, TNGT được kiềm chế, trật tự công cộng trên địa bàn huyện được ổn định. Tuyến đường thủy và đường sắt cơ bản đảm bảo, riêng đường thủy không xảy ra TNGT. Tuy nhiên, TNGT ở Tuy Phong có lúc tăng cao.

Theo thống kê của Công an huyện Tuy Phong, mỗi năm huyện xảy ra khoảng 30 vụ khiến hơn 30 người thương vong. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNGT do đi không đúng phần đường, đi ngược chiều, khi đi qua ngã ba, ngã tư không giảm tốc độ, không có tín hiệu chuyển hướng, vượt ẩu, không nhường đường... Năm 2009, huyện xảy ra 22 vụ TNGT làm chết 25 người, bị thương 5 người. Đến năm 2023, huyện xảy ra 31 vụ TNGT làm chết 18 người, bị thương 26 người. Trong 15 năm qua, năm 2010 là năm có số vụ tai nạn thấp nhất với 17 vụ, làm chết 18 người, bị thương 12 người. Song, đến năm 2013, TNGT tăng cao với 42 vụ, làm chết 41 người, bị thương 14 người. Đỉnh điểm năm 2014, huyện xảy ra 62 vụ, làm chết 31 người, bị thương 41 người. Con số trên cho thấy, TNGT ở Tuy Phong diễn biến rất phức tạp, khó lường.

Giải pháp kéo giảm TNGT

UBND huyện Tuy Phong cho rằng, dù công tác bảo đảm trật tự ATGT được thực hiện đồng bộ bằng nhiều biện pháp, giải pháp nhưng TNGT có thời điểm tăng cao. Thực trạng trên có nhiều lý do, song nguyên nhân chính là công tác tuyên truyền chưa được sâu rộng, trong khi lưu lượng xe tham gia giao thông lớn (đặc biệt, trên tuyến quốc lộ 1A). Công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng đến nay vẫn chưa thể khép kín địa bàn. Kinh phí đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế; việc duy tu, sửa chữa các tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp trên quốc lộ 1A (qua xã Hòa Minh, Chí Công...), đường tỉnh lộ chưa kịp thời. Ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông chưa cao.

Nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu từng bước kéo giảm TNGT, UBND huyện Tuy Phong cho rằng cần bổ sung thêm kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, bố trí nhân lực đầy đủ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác quản lý, thực thi pháp luật bảo đảm ATGT. Với trách nhiệm của mình, huyện Tuy Phong đang huy động các cơ quan, đơn vị tích cực tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT bằng nhiều nội dụng, hình thức đến từng thôn, khu phố theo phương châm “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm”.

Thời gian tới, UBND huyện sẽ kiểm tra việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự ATGT tại các ngành, địa phương. Tập trung xử lý quyết liệt để giải tỏa việc lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang ATGT đường bộ. Huyện cũng yêu cầu ngành chức năng tiếp tục tuần tra kiểm soát giao thông. Các địa phương có tuyến đường sắt đi qua phải kiểm tra, phối hợp xử lý kịp thời việc tự ý mở lối đi dân sinh trái phép, lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt. Các địa phương có tuyến đường thủy nội địa phải tăng cường quản lý hoạt động vận tải khách, ngăn chặn các phương tiện thủy nội địa chở khách không đáp ứng đầy đủ các quy định về an toàn vận chuyển khách...

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tuy-phong-trat-tu-an-toan-giao-thong-dien-bien-phuc-tap-kho-luong-118052.html