Tưởng rẻ hóa đắt

ANTĐ - Một tờ báo lớn ở châu Âu mới đây thông tin Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước có giá lao động rẻ nhất thế giới là 0,39 USD/giờ. Con số này có thể coi là bằng chứng khẳng định lợi thế của nước ta có nguồn lao động giá rẻ, một yếu tố cạnh tranh đáng kể. Trên thực tế giá nhân công có rẻ như vậy không và tác động ra sao tới doanh nghiệp cũng như thu hút đầu tư?

Với mức lương 0,39 USD/giờ, lao động Việt Nam sẽ nhận 1,687 triệu đồng/tháng, tương đương với mức lương tối thiểu đang áp dụng trong các doanh nghiệp tại vùng 4 là 1,650 triệu đồng/tháng. Vùng 4 thuộc vùng sâu, vùng xa, kém phát triển. Còn lại vùng 1, 2, 3 mức lương tối thiểu từ 1,8 đến 2,350 triệu đồng/tháng. Thực tế có sự khác biệt lớn, giữa lương tối thiểu với lương cơ bản và thu nhập của người lao động. Lương tối thiểu chỉ là mức sàn để bảo vệ những lao động yếu thế trong điều kiện làm việc bình thường. Lương cơ bản là mức lương được tính bằng lương tối thiểu nhân với hệ số và cộng thêm các phụ cấp nếu có như ăn trưa, xăng xe… Thu nhập được tính bằng lương tháng cộng với các khoản thu nhập như làm thêm giờ, ngoài giờ. Mới đây, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát tiền lương công nhân tại 10 tỉnh, thành phố cho thấy, tổng thu nhập trung bình của người lao động là 3,623 triệu đồng/tháng. Trong đó, thu nhập ở các thành phố lớn cao nhất là 4,323 triệu đồng/tháng, thấp nhất là vùng 4 với 3,001 triệu đồng. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Lao động – tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH, việc duy trì chính sách lương thấp trong nhiều năm liền đã góp phần thu hút đầu tư, thể hiện qua số lượng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài gia tăng hàng năm và doanh nghiệp tư nhân thành lập mới.

Tuy nhiên, mặt bằng tiền lương đã liên tục tăng từ năm 1993 sau 11 lần điều chỉnh lương tối thiểu. Điều này chứng tỏ chính sách duy trì chính sách tiền lương thấp nhằm thu hút đầu tư vào nước ta đang có xu hướng bất cập. Muốn đảm bảo quyền lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động, tỷ lệ tăng lương phải tương đương với tỷ lệ tăng năng suất lao động. Thế nhưng, tỷ lệ tăng lương hàng năm luôn cao hơn 10% thậm chí 20% trong khi năng suất lao động chỉ tăng 3,5-5%. Rõ ràng phần thiệt thuộc doanh nghiệp, cho nên cắt giảm chi phí nhân công, giảm quy mô lao động là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp. Theo báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2012 vừa công bố, quy mô lao động trong doanh nghiệp giảm mạnh. Hiệu quả sử dụng lao động cũng giảm sút trông thấy, giai đoạn 2002-2007, cứ 1 đồng được trả, người lao động mang về 18 đồng doanh thu, giai đoạn 2008-2010 chỉ còn 16 đồng và năm 2012 chưa được 15 đồng. Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, hầu hết doanh nghiệp cắt giảm nhân công và tăng năng suất lao động bằng cách không tăng lương mà yêu cầu người lao động làm thêm nhiều việc hơn trước. Song việc này không đơn giản bởi một thời gian dài duy trì lương thấp chủ yếu thu hút đầu tư vào các ngành sử dụng nhiều lao động giá rẻ.

Do hiệu quả sử dụng lao động thấp, sản xuất chỉ dựa vào nhân công giá rẻ, giá trị gia tăng thấp, nhiều doanh nghiệp đã phải trả giá bằng việc ngưng sản xuất, đóng cửa hoặc phá sản. Đó là giá đắt phải trả cho chính sách nhân công giá rẻ.

Đan Thanh

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/van-de-hom-nay/tuong-re-hoa-dat/500531.antd