Tượng nhà mồ Tây Nguyên và những điều ít ai biết đến

Nói đến vùng đất Tây Nguyên là nói đến một kho tàng văn hóa đặc sắc từ đời sống tinh thần như: Lễ hội, nhạc cụ, ẩm thực cho đến nghệ thuật điêu khắc và nổi bật hơn cả là tượng nhà mồ được các nghệ nhân buôn làng J’rai, Ba Na, Êđê, Xơ Đăng,… làm ra phục vụ cho lễ bỏ mả.

Theo quan niệm tâm linh của đồng bào Tây Nguyên khi một người từ bỏ trần gian để về với Yàng - “chết” không có nghĩa là chấm hết tại đây mà họ tin rằng linh hồn người mới khuất đó vẫn quanh quẩn đâu đó cho đến khi lễ bỏ mả diễn ra.

Thường thì người chết từ một năm trở lên hoặc cũng có khi kéo dài đến hàng chục năm sẽ được làm lễ bỏ mả. Đây là ngày hội mừng người sống được gặp gỡ, chung vui lần cuối cùng với người đã khuất, trước khi tiễn biệt họ về một thế giới khác.

Kể từ đây, người sống không phải chăm lo cơm nước hằng ngày ở nhà mồ, không có đám giỗ hàng năm cho người chết. Chỉ sau khi làm lễ bỏ mả, người sống mới yên tâm rằng mình đã làm tròn bổn phận với người đã khuất. Linh hồn họ mới có thể tái sinh vào kiếp khác, sống một cuộc đời mới. Cũng bởi thế người sống đã tạc rất nhiều tượng gỗ thể hiện sinh động cuộc sống trần tục dựng xung quanh nhà mồ của người chết.

Các bức tượng với nhiều sắc thái dựng quanh nhà mồ.

Khu nhà mồ của đồng bào Tây Nguyên thường được dựng ở trong rừng, mang dáng vẻ kỳ bí làm cho những ai lần đầu đặt chân tới như lạc vào cả một mê cung tượng gỗ với rất nhiều sắc thái khác nhau. Những người già nhất ở các buôn làng cũng không biết tượng nhà mồ có từ bao giờ, các nhà nghiên cứu cũng chưa thể tìm ra thời điểm tượng nhà mồ xuất hiện chỉ biết rằng tượng nhà mồ gắn liền với lễ bỏ mả. Và trước khi lễ bỏ mả diễn ra vài tháng chủ hộ đã tìm người biết tạc tượng giúp gia đình hoàn thành những bức tượng.

Nơi nhà mồ được dựng nên.

Già làng Rơ Chăm Đo, làng Plei Kep, xã Ia Mnông, huyện Cư Păh (Gia Lai) cho hay: "Trong nghi lễ bỏ mả phải đốt bò, đánh cồng chiêng, rượu cần, cơm lam và đặc biệt là tượng nhà mồ. Những bức tượng này được chuẩn bị trước đó, sau khi đem gỗ từ rừng về chúng phải được khắc, đẽo tại nhà mồ này luôn. Hình dạng của từng bức tượng là ngẫu nhiên chứ không có định hình trước, người khắc nghĩ gì thì khắc theo cái đó.”

Xưa kia, loại gỗ để đẽo các bức tượng nhà mồ thường là các loại cây gỗ quý tuổi thọ trên chục năm như: Gỗ hương, cà chít,... nhưng theo thời gian diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp lại, cây gỗ quý ngày càng trở nên khan hiếm, cũng bởi lẽ đó mà nhiều gia đình chọn cây gạo để thay thế. Sau khi kiếm được gỗ, chủ hộ và những nghệ nhân tạc tượng sẽ di chuyển chúng lên nghĩa địa bên cạnh nhà mồ cũ thổi hồn lên những khúc gỗ tưởng chừng như vô tri vô giác thành những tượng gỗ sống động đầy cảm xúc. Phổ biến nhất là tượng người ôm mặt, phụ nữ ôm bụng bầu, mẹ bồng con,… hay các bức tượng chàng trai cô gái đang giao hoan trong tín ngưỡng phồn thực.

Các bức tượng với nhiều sắc thái

Nghệ nhân Đinh Plih người Ba Na ở xã Kơtung, huyện K’bang (Gia Lai) cho hay: "Thời nay tùy điều kiện của mỗi gia đình mà thời gian nuôi “ma” ngắn hay dài. Nếu như trước đây tục này kéo dài từ vài năm đến hàng chục năm thì nay thường họ chỉ để 1 năm rồi làm lễ bỏ mả - không thăm nuôi mộ nữa. Bởi một lẽ làm lễ bỏ mả rất tốn kém, phải có ít nhất vài con trâu hoặc bò, nhiều thì đến vài chục con, rượu cần,... để đãi bà con trong làng. Phần đẽo tượng nhà mồ mọi người trong làng đến giúp với tinh thần tự nguyện chứ không hề lấy công hay tiền bạc, xuyên suốt thời gian hoàn thành những bức tượng này chủ hộ phải nuôi các nghệ nhân.

Các nghệ nhân trong cuộc thi tạc tượng dân gian.

Việc khai thác gỗ để tạc tượng có kiêng kỵ nhất định, nếu đêm ngủ chủ hộ mơ thấy nhà cháy, bến nước cạn kiệt thì sáng hôm sau sẽ hoãn lại việc lấy gỗ, trên đường vào rừng lấy gỗ nếu gặp con rắn bò qua đường thì họ quay về ngay, theo tâm linh họ cho rằng đó là điềm không lành, dễ có chuyện xấu xảy ra. Bên cạnh đó, điều tối kỵ nhất là người trong buôn làng không bao giờ mua bán tượng nhà mồ. Các bức tượng tạc bằng gỗ quý thường bị mất cắp là do những người ở vùng khác làm, còn nếu người trong buôn làng vi phạm những điều cấm này thì sẽ bị làng phạt nặng.” - ông Đinh Plih cho biết thêm.

Nghệ thuật điêu khắc tượng nhà mồ.

Anh Y Ser Bkrông (33 tuổi), ngụ tại xã Ea Kao, TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) là một trong số ít người trẻ tuổi ở Đắk Lắk có niềm đam mê học hỏi đối với công việc tạc tượng nhà mồ. “Công việc chính của tôi là hằng ngày gắn liền với nương rẫy, những lúc rãnh rỗi tôi lại đắm mình bằng việc đẽo gỗ theo các hình thái trong trí tưởng tượng của tôi. Hiện nay, nghệ nhân tạc tượng nhà mồ ngày càng ít đi. Giờ chủ yếu mấy người già trong làng còn biết tạc, thế hệ trẻ rất ít người học nghề này. Tôi mong rằng trong tương lai sẽ có các lớp học tạc tượng gỗ để con em người dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận gần hơn với văn hóa tập quán của dân tộc mình bên cạnh đó góp phần gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên."

Hải Đăng

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/tuong-nha-mo-tay-nguyen-va-nhung-dieu-it-ai-biet-den-d59212.html