Tương lai nào chờ đợi người dân Sudan sau một năm nội chiến?

Mỹ và các nước châu Âu dự kiến sẽ công bố một số gói hỗ trợ mới dành cho Sudan, trong bối cảnh đất nước châu Phi này đánh dấu tròn một năm cuộc xung đột đẫm máu giữa quân đội chính phủ và Lực lượng Hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF), khiến hơn 15.000 người thiệt mạng và gây ra một trong những cuộc khủng hoảng di dân lớn nhất và phức tạp nhất thế giới.

Mỹ dự kiến sẽ công bố khoản viện trợ lên đến 100 triệu USD để giúp Sudan ứng phó với cuộc khủng hoảng, cùng với đó, Washington sẽ tìm cách thúc đẩy các nước trên thế giới chung tay trong nỗ lực này, hãng Reuters đưa tin. Bà Samantha Power, người đứng đầu Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), cho biết khoản viện trợ đầu tiên sẽ dành cho hỗ trợ lương thực khẩn cấp cũng như thuốc men, nước sạch cho người dân tại Sudan.

Người dân Sudan xếp hàng lấy nước sinh hoạt ở ngoại ô Khartoum. Ảnh Sudan Times

Trong tuyên bố được đưa ra mới đây, người đứng đầu USAID kêu gọi các bên tham chiến ngừng cản trở việc tiếp cận nhân đạo và tham gia vào “các cuộc đàm phán thiện chí để đạt được lệnh ngừng bắn”, qua đó ngăn chặn nạn đói và tình trạng khốn khổ cho người dân. Đáng chú ý, theo Văn phòng hành động đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), Ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné, người đồng cấp Đức Annalena Baerbock, quan chức ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell và Ủy viên EU về Quản lý Khủng hoảng Janez Lenari cùng tham dự cuộc họp tại Paris ngày 15/4 nhằm thúc đẩy việc tăng viện trợ cho Sudan. Hiện các bên mới chỉ huy động được 6% trong tổng số 2,7 tỷ USD cần cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng. Tuần trước, Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Sudan Tom Perriello đánh giá rằng những nỗ lực quốc tế nhằm trợ giúp Sudan vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Theo ông Perriello, Mỹ đã cam kết dành hơn một tỷ USD cứu trợ nhân đạo cho cuộc xung đột nhưng đến nay “chỉ vận động được 5% số tiền cần thiết”. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, nếu giao tranh không dừng lại và việc tiếp cận hàng viện trợ nhân đạo tiếp tục bị cản trở, cuộc khủng hoảng ở Sudan sẽ trở nên tồi tệ hơn và có thể ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực.

Rạng sáng 15/4/2023, người dân thủ đô Khartoum của Sudan thức giấc trong sự hoang mang vì những tiếng súng và tiếng nổ dữ dội từ các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và Lực lượng Hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF), hai phe vốn đã tranh giành quyền lực trong suốt một thời gian dài. Từ Khartoum, chiến sự lan rộng ra nhiều khu vực của đất nước và kéo theo nhiều hệ lụy. Theo Dự án dữ liệu sự kiện và vị trí xung đột vũ trang (ACLED), tính đến tháng 4/2024, hơn 15.000 người, bao gồm cả quân nhân, đã thiệt mạng do chiến sự tại Sudan. Tuy nhiên, ACLED và nhiều chuyên gia nhận định rằng những con số này có thể vẫn còn thấp đáng kể so với thực tế do khó thu thập dữ liệu chính xác. Một báo cáo gần đây của Cơ quan tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR) cho thấy, gần 4.000 dân thường đã thiệt mạng và 8.400 người bị thương chỉ riêng ở Darfur trong chưa đầy nửa năm đầu của cuộc xung đột. Dù những con số này chỉ là ước tính nhưng cũng cho thấy sự thảm khốc của cuộc chiến. Không dừng lại ở đó, theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (UNOCHA) của Liên hợp quốc, ít nhất 8,2 triệu người trong tổng số 49 triệu dân của Sudan đã phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi giao tranh nổ ra, trong đó 1,8 triệu người phải chạy sang các nước láng giềng như Chad, Ai Cập, Ethiopia và Nam Sudan, khiến đây trở thành một trong những cuộc khủng hoảng di dời lớn nhất và phức tạp nhất thế giới.

Tổ chức Y tế Thế giới hôm 12/4 cho biết cuộc khủng hoảng có thể trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tới do việc phân phối viện trợ nhân đạo và vật tư y tế vẫn bị hạn chế. Theo UNOCHA, ngoài nạn đói, người dân ở Sudan còn đối mặt với sự bùng phát của nhiều loại dịch bệnh, như dịch tả, sởi và sốt rét. Trong khi đó, khoảng 65% dân số không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và khoảng 70 đến 80% bệnh viện ở các vùng xung đột không còn hoạt động do các cuộc không kích, thiếu nguồn cung cấp và tấn công nhân viên y tế của cả hai bên trong chiến tranh. Tại Darfur, các trường học bị đóng cửa, khiến hàng triệu người không được học hành hoặc được hưởng lợi từ một không gian an toàn. Trong khi đó, ngày càng có nhiều trẻ em bị tách khỏi gia đình và nhiều em phải đối mặt với bạo lực tình dục và chấn thương tâm lý.

Đã có nhiều nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Sudan, tuy vậy, đến nay đều bế tắc. Một số thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được trong năm qua nhưng không thể kéo dài do hai bên cáo buộc lẫn nhau vi phạm và tái diễn giao tranh. Trong khi các nước phương Tây gây áp lực buộc hai bên phải nhanh chóng đạt được thỏa thuận, hứa hẹn viện trợ và giảm nợ làm động lực, thì mỗi bên lại lo ngại nếu nhượng bộ sẽ nhường quá nhiều quyền kiểm soát cho bên đối thủ. Đáng chú ý, một vòng đàm phán mới giữa các bên tham chiến dự kiến sẽ bắt đầu tại Jeddah của Arab Saudi vào ngày 18/4 tới. Bên cạnh đó, một vòng đàm phán cũng đang được diễn ra tại Cairo, Ai Cập. Chưa rõ kết quả và ảnh hưởng của các cuộc đàm phán này sẽ đi đến đâu, nhiều chuyên gia quan ngại về viễn cảnh tối tăm đối với người dân Sudan khi chưa tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột.

Duy Tiến

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/quoc-te/tuong-lai-nao-cho-doi-nguoi-dan-sudan-sau-mot-nam-noi-chien--i728376/