Tương lai Cuba thời hậu Fidel

Mặc dù lãnh tụ Fidel Castro đã qua đời, nhưng ảnh hưởng của ông đối với Cuba vẫn còn mãi. Có ý kiến cho rằng không còn Fidel, Cuba sẽ mất sức hấp dẫn. Tuy nhiên, Cuba sẽ vẫn phải đứng lên và tìm ra những ý tưởng mới mà không "phản bội" những dấu ấn của cách mạng. Vậy điều gì sẽ xảy ra với Cuba trong những năm sắp tới?

Chủ tịch Fidel Castro - ngọn đuốc sáng mãi soi đường cho dân tộc Cuba

Tầm vóc và ảnh hưởng của lãnh tụ Fidel Castro vượt ra ngoài Cuba. Ông Fidel đã khiến cả thế giới biết đến một đất nước Cuba bé nhỏ, và con đường phát triển đất nước mà vị lãnh tụ này dẫn dắt Cuba không giống với bất cứ nhân vật chính trị nào trong lịch sử hiện đại. Sự khác biệt làm nên một Fidel Castro chính là những tư tưởng, phương pháp mà ông theo đuổi vẫn kiên định trong suốt 50 năm qua.

Đối với người dân Cuba, lãnh tụ Fidel Castro là tất cả. Họ học được từ ông cách suy nghĩ, cách nhìn nhận thế giới bên ngoài và cách thức làm việc để xây dựng đất nước. Chính quyền Fidel đã giúp người dân Cuba cùng nhau làm việc để đạt được mục đích cuối cùng với những khẩu hiệu như: Hoặc theo Fidel, hoặc sẽ không có gì; Hoặc là theo chủ nghĩa xã hội, hoặc là chết... Lãnh tụ Fidel không bao giờ cho rằng cần phải hỏi xem người dân muốn gì, ông chỉ cần bảo họ phải làm gì và họ tin ông. Lãnh tụ Fidel đã chứng minh cho thế giới thấy một đất nước nhỏ bé có thể đứng cạnh một nước láng giềng to lớn và đi theo một con đường phát triển khác, hệ tư tưởng khác, đem đến hy vọng cho những người nghèo. Ông cũng đã giúp cải thiện cuộc sống của nhiều người, dạy cho họ biết đọc, biết viết. Lĩnh vực giáo dục và y tế của Cuba được các nước đang phát triển rất ngưỡng mộ.

Ở Cuba, việc lùi lại "nấp mình vào trong boong-ke" là phản ứng thường thấy của La Habana trong những khoảnh khắc bất ổn và suy yếu. Trong tương lai gần, người dân Cuba sẽ phản đối việc thay đổi hiện trạng. Có những dấu hiệu gần đây cho thấy La Habana muốn giảm bớt những cải cách mà Chủ tịch Raul Castro, em trai của lãnh tụ quá cố Fidel Castro, đã khởi xướng. Tuy nhiên, về lâu dài, câu hỏi đặt ra là liệu những lực lượng trung thành nhất với lãnh tụ Fidel có duy trì được ảnh hưởng và làm chậm lại những thay đổi mà Cuba cần phải thực hiện hay không? Thực tế cho thấy kể cả khi ông đã "nghỉ hưu", ý kiến của ông với những cải cách này - trong đó có việc thúc đẩy quan hệ Cuba-Mỹ theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama - vẫn có sức nặng.

Cuba gần đây đã nếm trải một số thay đổi và đang muốn thay đổi nhiều hơn nữa. Vai trò của Mỹ sẽ là chủ chốt. Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump luôn có lập trường thay đổi "như chong chóng" về việc có tiếp tục các chính sách đối với Cuba mà người tiền nhiệm Obama đang thực hiện hay không. Đầu tiên là ông Trump ủng hộ chính sách của ông Obama về Cuba, nhưng khi đến vận động tranh cử tại bang Florida để giành lá phiếu của những người Cuba tại đây, ông Trump lại nói sẽ không ủng hộ chính sách của ông Obama nữa. Tuy nhiên, dường như "sự ra đi" của lãnh tụ Fidel đã làm thay đổi mọi tính toán đó. Nếu Washington muốn tận dụng sự ra đi của lãnh tụ Fidel để siết lại phe nhóm ủng hộ cấm vận Cuba thì sẽ chỉ càng giúp củng cố sức mạnh của nhóm chống cải cách luôn trung thành và đi theo lãnh tụ Fidel ở Cuba. Vì thế, tốt hơn hết là Mỹ nên can dự với Cuba và trở thành một phần trong sự thay đổi ở Cuba, nếu không Mỹ sẽ bị "gạt ra rìa" trong 4 năm tới.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự lễ tang cấp nhà nước dành cho lãnh tụ Cuba Fidel Castro từ 28 đến 30-11.

Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Cuba được chính thức thiết lập vào ngày 2-12-1960 do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro dày công gây dựng, vun đắp. Các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng phát triển, mở rộng mối quan hệ đoàn kết anh em, hợp tác toàn diện và tin cậy lẫn nhau trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Vĩnh Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tuong-lai-cuba-thoi-hau-fidel.aspx