Tuổi thọ các dự án luật ngày càng 'trẻ hóa'

Các đại biểu cho rằng việc làm luật hiện còn cập rập, thiếu chắc chắn; tuổi thọ của các dự án luật ngày càng được 'trẻ hóa', 2-3 năm lại sửa đổi, bổ sung.

Ngày 23-5, theo nghị trình, Quốc hội (QH) thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Tại phiên họp, bên cạnh các góp ý cụ thể về nội dung, tiến độ trình một số dự án luật, dự thảo nghị quyết, nhiều đại biểu (ĐB) đã đánh giá về kết quả nổi bật đạt được cũng như các vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong xây dựng, hoàn thiện thể chế từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XV đến nay.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (trái) và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại phiên thảo luận. Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (trái) và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại phiên thảo luận. Ảnh: QH

Kỷ cương lập pháp chưa nghiêm

ĐB Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) nhận xét số lượng dự án phải bổ sung sau khi QH đã quyết định chương trình xây dựng pháp luật còn lớn. Ông Nghĩa dẫn chứng: Theo nghị quyết của QH, trong năm 2023 QH sẽ xem xét 15 dự án nhưng đến nay các cơ quan lại trình QH bổ sung tới 16 dự án. Hay khi lập dự kiến chương trình năm 2023, chỉ có hai dự án được đề nghị đưa vào chương trình kỳ họp thứ sáu để QH cho ý kiến, tuy nhiên dự kiến điều chỉnh bổ sung sáu dự án luật, gấp ba lần số dự án đã được quy định.

Đồng tình, ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đánh giá việc thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là một trong ba “hạn chế cố hữu” của hoạt động lập pháp. “Điều này thể hiện tư duy lập pháp, tư duy chính sách của chúng ta thiếu nhất quán, tầm nhìn chưa xa” - ông Lê Thanh Vân nói.

Cũng theo ông Vân, việc thay đổi thường xuyên chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. “Sự chín muồi trong các kiến nghị lập pháp không bảo đảm và không tránh khỏi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ” - ông Vân nói.

Một hạn chế khác, theo ông Lê Thanh Vân, là chất lượng các đạo luật chưa cao, đặc biệt các quy phạm chính trị còn tồn tại khá phổ biến trong các đạo luật, tức là những định hướng, nội dung hàm súc chưa thể hướng dẫn được hành vi của con người. Hệ quả là phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, nghị định, thông tư cũng không cụ thể và cuối cùng người áp dụng pháp luật dễ tùy tiện. “Hậu quả của nó là làm khổ người dân, làm khổ doanh nghiệp” - ông Vân nhìn nhận.

Ngoài ra, ông Lê Thanh Vân cũng nhận định kỷ cương lập pháp chưa nghiêm, trách nhiệm của người đứng đầu chưa xác định rõ, đặc biệt quá trình xây dựng chương trình luật, pháp lệnh còn “cài cắm” lợi ích.

“Việc thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thể hiện tư duy lập pháp, tư duy chính sách của chúng ta thiếu nhất quán, tầm nhìn chưa xa.”

ĐBQH Lê Thanh Vân

“Không còn tình trạng xin lùi, xin rút”

Thừa nhận việc thay đổi, bổ sung, điều chỉnh “đưa vào, rút ra” còn nhiều so với chương trình chính thức là việc diễn ra nhiều năm và khá phổ biến, ĐB Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) đặt vấn đề nguyên nhân phải chăng do kỷ luật, kỷ cương không được thực hiện nghiêm túc và còn tình trạng nể nang, tùy tiện?

Cạnh đó, việc một số dự án luật chuẩn bị gửi đến ĐBQH thường rất chậm, không bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy chế hoạt động của QH, làm hạn chế rất lớn đến việc nghiên cứu tham gia của ĐB.

“Câu chuyện làm luật của chúng ta có vấn đề gì đó còn cập rập, vội vàng và thiếu chắc chắn. Cùng với đó, tuổi thọ của các dự án luật ngày càng được “trẻ hóa”, một số dự án luật mới ban hành 2-3 năm lại đem ra để sửa đổi, bổ sung” - ông Thắng đánh giá.

Trong khi đó, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) đặt vấn đề liệu QH đã thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất trong công tác lập hiến, lập pháp chưa? Tại sao vẫn có tình trạng luật ban hành rồi phải có các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật hướng dẫn thì mới thực hiện được?...

“Nếu QH tiếp tục tư duy lập pháp như hiện nay, tức là cơ quan chủ trì dự án luật trình QH xem xét đưa vào kế hoạch xây dựng pháp luật hằng năm thì sẽ không tránh khỏi việc QH phải “chạy theo”, rơi vào thế bị động” - ĐB Thịnh nói và nhận xét dự thảo luật bao giờ cũng cài cắm nhiều điều luật “có lợi” cho cơ quan soạn thảo. “Tình trạng này đã diễn ra trong nhiều đạo luật và nhiều năm” - ông Thịnh nói thêm.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong mấy năm trở lại đây được làm rất kỹ. “Ủy ban Thường vụ QH có thể nói là trần đi trần lại đối với mỗi dự án cụ thể và cũng trả lại nhiều” - ông Long nói và cho biết Ủy ban Thường vụ QH đánh giá cao những cố gắng của Chính phủ trong công tác xây dựng thể chế.

“Một số năm trở lại đây hầu như không còn tình trạng xin lùi, xin rút mà chủ yếu là bổ sung, vấn đề là có được chấp nhận hay không” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói.•

Xây dựng Đề án kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật

Chủ trì phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định đã nói thêm về việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.

Ông Nguyễn Khắc Định thông tin tại Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương và Kế hoạch 11 của Bộ Chính trị đã giao Đảng đoàn QH xây dựng Đề án kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật, trình Bộ Chính trị trong năm 2024. Đảng đoàn QH đã lập ban soạn thảo, xây dựng dự thảo và gửi lấy ý kiến 63 tỉnh, TP, đang tiếp tục hoàn chỉnh.

Phó Chủ tịch QH hy vọng việc thực hiện tốt đề án này, cùng với một số đề án khác cũng do Đảng đoàn QH chủ trì, sẽ đóng góp tích cực hơn vào công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác xây dựng pháp luật.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tuoi-tho-cac-du-an-luat-ngay-cang-tre-hoa-post734670.html