Tươi mới Gò Già

Nằm ngay cửa ngõ về trung tâm xã đặc biệt khó khăn Ba Trang (Ba Tơ), khu dân cư Gò Già, thuộc thôn Con Dóc chỉ có 80 nóc nhà, nhưng đó lại là nơi quy tụ bao điều tốt đẹp của người dân tộc thiểu số Hrê. Về Gò Già nghe chuyện nghĩa tình, bỗng thấy đất trời như thênh thang hơn, cuộc đời thêm nhiều tin yêu, hạnh phúc.

Xã Ba Trang là một trong những địa bàn xa xôi nhất của mảnh đất Ba Tơ anh hùng. Xã có hơn 640 hộ dân, với hơn 2.000 nhân khẩu sinh sống tại 5 thôn: Con Dóc, Con Riêng, Cây Muối, Nước Đang và Bùi Hui; trong đó khu dân cư Gò Già thuộc thôn Con Dóc, có khoảng 330 người dân sinh sống là khu dân cư khấm khá nhất xã.

Cọng rơm quý như hạt lúa

Để đến được Gò Già, từ TP.Quảng Ngãi, chúng tôi lên thị trấn Ba Tơ ở lại đêm, sáng sớm hôm sau dậy thật sớm để vượt thêm gần 40km nữa mới đến làng. Đi như thế để chúng tôi trải nghiệm một ngày thật trọn vẹn với người dân Gò Già từ lúc bình minh cho đến khi trời chiều ngả bóng.

Khu dân cư Gò Già, thôn Con Dóc, xã Ba Trang (Ba Tơ) ngày một khang trang. Ảnh: Th.Nhị

Năm giờ sáng, ở Gò Già gần như trong nhà, ngoài ngõ chỉ còn trẻ con và người già. Tất cả mọi người đã đi ra đồng, lên rẫy từ lúc gà gáy. Chúng tôi về Gò Già vào đúng mùa thu hoạch lúa đông xuân, khung cảnh ngày mùa rộn ràng hơn hẳn. Người trẻ trong làng vai mang gùi, vác cuốc, cầm rựa đi từng đoàn đến ruộng của mình gặt, đập, dồn lúa vào bao và chở về nhà. Những người lớn tuổi, ở nhà nấu cơm, mang ra đồng. Họ dùng bữa sáng ngay tại chân ruộng. Ruộng ở Gò Già không nhiều, nên mùa gặt chỉ kéo dài khoảng vài hôm. Việc thu hoạch lúa là việc của cả làng. Nhà nào lúa chín trước thì ưu tiên trước; nhà neo đơn được giúp thu hoạch mà không đòi hỏi phải trả công. Lúa gặt đập đến đâu, rạ phơi ra thẳng thớm đến đó. Lúa chở về đến làng thì sau đó rơm cũng gom về thảo nguyên Mang Rin.

Thảo nguyên Mang Rin là niềm tự hào lớn của người dân Gò Già. Đó là khu vực chăn nuôi trâu tập trung có số lượng lớn nhất huyện Ba Tơ, với khoảng 200 con trâu của người làng - một khối tài sản khá lớn đối với vùng dân tộc thiểu số vốn đời sống còn nhiều khó khăn. Mang Rin còn là nơi ghi dấu ấn quan trọng trong đổi mới tư duy, xây dựng cuộc sống mới của người dân Gò Già. Ngay tại thảo nguyên này, trong buổi sáng hôm ấy, chúng tôi đã gặp được già làng tiêu biểu Phạm Văn En - một cựu chiến binh có 10 năm xông pha trên chiến trường Ba Tơ, người dày công vận động đồng bào Hrê ở Gò Già "ăn chín, uống sôi, làm chuồng trại chăn nuôi xa nhà cửa để giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe con người".

Kể lại câu chuyện cách đây 6 năm, khi ông cùng cả làng dời đàn trâu lên thảo nguyên Mang Rin, giọng già En hào sảng: Phát dọn cây cối, mua tôn, tìm cây về dựng chuồng trước. Sau đó, chọn ngày đẹp trời, báo cáo với Giàng đưa trâu quý đi nơi ở mới. Đêm đầu tiên, xa con trâu, cũng thấy nhớ, cả làng ngồi ở Mang Rin đến khuya mới về. Giờ thì thấy quyết định đó quá đúng đắn. "Trâu lên thảo nguyên trở nên khỏe mạnh, không bị dịch bệnh. Ngoài chuồng trâu, đồng bào còn làm nhà chứa rơm khô, xây bể trữ nước cho trâu uống. Ngày thả trâu ra đồng, lên rẫy ăn cỏ, tối về cho trâu ăn thêm rơm khô. Ở Gò Già bây giờ cọng rơm quý như hạt lúa vậy, vì nhờ nó là trâu lớn rất nhanh. Trước không cho ăn rơm thì trâu nuôi phải 3 năm mới được bán, giờ chỉ 2 năm là xuất chuồng được rồi".

Trưa hôm chúng tôi về làng, có một nhóm thương lái đưa xe tải lên Mang Rin để mua trâu. Hôm ấy, người Gò Già bán 12 con trâu. Con lớn nhất giá 22 triệu đồng, con nhỏ nhất 14 triệu đồng. Tiền bán trâu được nhân viên ngân hàng đến tận làng hướng dẫn gửi tiết kiệm. "Mình gửi vào ngân hàng, khi nào cần làm việc lớn như mua thêm trâu, mua xe máy, làm nhà thì đến rút về. Tiền bán trâu tuyệt đối không được đem đi mua rượu để uống, già làng biết sẽ phạt nặng lắm", thanh niên Phạm Văn Duy nói với chúng tôi. Ở Gò Già, có khoảng 70 hộ nuôi trâu. Thảo nguyên Mang Rin vì thế có hàng trăm chuồng trại, nhà trữ rơm khô dựng lên san sát. Dù nuôi trâu xa nhà, nhưng người làng bảo tuyệt nhiên không có chuyện trâu bị mất trộm hay lạc đàn từ nhà này sang nhà khác gây nghi kỵ, xích mích lẫn nhau.

Già làng PHẠM VĂN EN

Trẻ xông pha, già mẫu mực

Từ khi thành lập xã Ba Trang đến nay, hầu như các chức vụ chủ chốt ở xã đều do người ở Gò Già đảm trách. Hiện tại, cả Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trang đều là người Gò Già. Một số chức danh chủ chốt các hội, đoàn thể của xã cũng là người Gò Già. Giải thích điều này, Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Đinh Ngọc Vỹ chia sẻ: "Người Gò Già có lòng nhiệt thành cách mạng và truyền thống hiếu học, lớp người đi trước giúp đỡ, dìu dắt lớp sau. Nhiều người trong làng là tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo. Có cả dòng họ hiếu học, gia đình hiếu học. Như trường hợp già làng tiêu biểu Phạm Văn Đèo, cựu Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã Ba Trang; con trai ông là Phạm Văn Mon từng là Bí thư Đoàn xã, Chủ tịch UBND xã Ba Trang và hiện giờ là Bí thư Đảng ủy xã. Con gái là giáo viên, rồi phấn đấu trở thành Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Ba Trang".

Một số thanh niên, khi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự đã hăng hái lên đường và khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương tích cực tham gia công việc của làng, xã. Bí thư Đảng ủy xã Ba Trang Phạm Văn Mon cho hay: Đơn cử như thanh niên Phạm Văn Sâm, trong quá trình nhập ngũ đã học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích, nhất là vận động, tập hợp thanh nhiên, khi hết nghĩa vụ, Sâm trở về làng và vận động thanh niên đóng góp công sức sửa chữa nhà hư hỏng, ruộng bị sa bồi thủy phá sau bão số 9 năm 2020. Bây giờ ở Gò Già, người làng có việc gì nặng nhọc không làm nổi là gọi cho thanh niên giúp đỡ. Thanh niên ở đây đã thực sự là chỗ dựa của nhân dân.

Tuy là vùng có 100% người dân tộc Hrê sinh sống, nhưng Gò Già từ ngày lập làng đến nay không xảy ra tình trạng nghi kỵ đồ độc, không cúng bái mê tín dị đoan. Hiện tại Gò Già có 8 người có bằng đại học, hàng chục người có bằng cao đẳng, trung cấp nghề. Thanh niên trong làng đến tuổi đều đi học. Vì thế mà nhiều năm nay, các chức danh chủ chốt ở Gò Già như trưởng thôn, Bí thư Chi bộ đều do người trẻ tuổi đảm trách. Không phải vì người nhiều tuổi trong làng không có khả năng và uy tín giữ chức vụ này mà vì người lớn tuổi ở đây (từ 50 tuổi trở lên) đều tự ý thức phải tạo điều kiện giúp đỡ cho người trẻ trưởng thành.

Hiện giờ, Bí thư Chi bộ thôn Phạm Văn Nhân, Trưởng thôn Phạm Văn Hái là những người đang tuổi thanh niên. Già làng Đinh Văn Phia bày tỏ: "Người trẻ được tin tưởng, tín nhiệm giữ trọng trách cao trong bộ máy từ huyện, tỉnh, đến trung ương. Người dân ở Gò Già thấy đúng, nên phải học tập và làm theo. Người trẻ bây giờ được học tập, có sức khỏe. Mình phải để lớp trẻ họ tiếp cận, phát huy khả năng. Họ làm chưa tốt thì người già giúp đỡ, khuyên bảo. Làm như thế là học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, giúp đỡ thanh niên để họ xứng đáng là rường cột của làng, của xã".r

THANH NHỊ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2481/202105/tuoi-moi-go-gia-3058371/