Tước giấy phép xăng dầu: Bất nhất, định tính, chưa công bằng

Quyết định tước giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu với 5 DN đầu mối được đánh giá là 'định tính', tạo tiền đề xấu về sau...

Quyết định định tính?

Ngày 31/8, Thanh tra Bộ Công thương ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 11 doanh nghiệp (DN) đầu mối, các công ty trực thuộc... với tổng số tiền phạt hơn 13,3 tỷ đồng.

Ngoài phạt tiền, còn áp dụng xử phạt bổ sung là tước quyền giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu với 5 DN trong một tháng gồm: Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương.

Hiện 5 DN này chiếm trên 10% thị phần xăng dầu cả nước. Lỗi của các DN này chủ yếu là do không đáp ứng điều kiện hệ thống phân phối theo quy định.

Việc tạm hoãn tước giấy phép với 5 DN đầu mối chưa công bằng với 7 doanh nghiệp bị tước trước đó (tháng 7)

Việc tạm hoãn tước giấy phép với 5 DN đầu mối chưa công bằng với 7 doanh nghiệp bị tước trước đó (tháng 7)

Tuy nhiên, ngày 6/9, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sau nhiều cân nhắc, nhất là phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sản xuất, tiêu dùng của 100 triệu dân, Ban cán sự Đảng Bộ Công thương đã thống nhất trước mắt xử phạt hành chính bằng phạt tiền với các doanh nghiệp này.

Còn hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu với 5 DN đầu mối sẽ được áp dụng trong thời điểm phù hợp.

Đánh giá về vấn đề này, một chuyên gia xăng dầu (đề nghị giấu tên) cho rằng, quyết định từ Bộ Công thương là định tính. Điều này không phù hợp với việc xử phạt một mặt hàng có điều kiện như xăng dầu.

Ở góc độ thi hành luật pháp, theo vị này, mọi người phải bình đẳng. Luật pháp quy định thế nào là phải thực hiện đúng như vậy, chứ không thể có chuyện “du di” cho hoãn đến một thời điểm thích hợp.

Vị chuyên gia đặt vấn đề: “7 DN đầu mối trước tại sao không được hoãn thi hành quyết định, mà 5 DN đầu mối lần này lại được hoãn?

Bộ Công thương đã tính toán và công khai tác động của việc tước giấy phép của 7 DN đầu mối đến nguồn cung xăng dầu hay chưa? Nếu không có vấn đề gì, thì việc tước giấy phép của 5 DN lần này cũng không đáng ngại”.

Bởi lẽ, theo vị này, một số đầu mối trong nhóm 7 DN đầu mối trước đó cũng tương đối lớn so với nhóm 5 DN đầu mối lần này.

Hơn nữa, báo cáo từ Saigon Petro - đầu mối lớn nhất trong nhóm 5 DN đầu mối, cho thấy, họ có trên 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối, song thực tế cửa hàng sở hữu và đồng sở hữu không đáng kể so với con số 1.000 kể trên (PV Oil - đầu mối lớn thứ 2 cả nước chỉ có hơn 600 cửa hàng sở hữu hoặc đồng sở hữu) và càng không là gì so với hơn 16.000 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc.

Theo vị chuyên gia, trừ 2 đầu mối lớn là Petrolimex và PV Oil, chiếm tới 70% thị phần xăng dầu trong nước thì hệ thống các đầu mối khác phần lớn là các cửa hàng đại lý hoặc nhượng quyền, thuộc thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý bán lẻ. Những đơn vị này dễ dàng chuyển lấy hàng từ một thương nhân khác.

“Việc tạm hoãn tước giấy phép cho 5 DN đầu mối lần này sẽ làm xáo trộn thị trường, tạo tiền lệ xấu cho việc tước giấy phép khi sai phạm những DN sau này”, chuyên gia này nói và nhấn mạnh.

Sau tước có thu hồi giấy phép?

Dưới góc độ quản lý nhà nước, vị chuyên gia nhấn mạnh, phải xử lý nghiêm minh cả cơ quan quản lý nhà nước đã cấp phép sai quy định của pháp luật.

Ví dụ, chưa đủ điều kiện mà vẫn được cấp phép, nên dẫn đến việc tước giấy phép như ngày hôm nay. Điều này làm cho các cơ quan chức năng khác khó xử lý.

“Sau khi tước, việc kiểm tra như thế nào, khi để tồn tại việc Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm đã bị tước vào năm 2021 do có liên quan đến đường dây pha chế, buôn bán xăng giả, và tháng 7 vừa rồi lại tiếp tục bị tước…”, chuyên gia này băn khoăn.

Trong khi đó, tước là hình phạt bổ sung của vi phạm hành chính, còn ở Nghị định 95 nêu rõ “Nếu doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu vi phạm điều kiện theo quy định cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương có thẩm quyền thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (Giấy phép - PV)".

Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bị thu hồi trong các trường hợp: Thương nhân không hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian một quý trở lên; Thương nhân không thực hiện đủ tổng nguồn tối thiểu được Bộ Công thương giao trong hai năm liên tiếp; Thương nhân bị phá sản theo quy định của pháp luật;

Thương nhân không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định này, bao gồm: Hệ thống phân phối xăng dầu: Tối thiểu 10 cửa hàng xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ năm 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất năm 5 cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp; Tối thiểu 40 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân…

Thương nhân không dự trữ xăng dầu theo đúng quy định; Thương nhân vi phạm nhiều lần quy định về bảo đảm chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường tại Nghị định này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật…

Để giải quyết vấn đề gián đoạn nguồn cung khi các DN đầu mối bị tước giấy phép, một chuyên gia khác cho rằng, trong trường hợp tước hoặc thu hồi giấy phép, nên có thời gian (thông báo trước khi tước hoặc thu hồi) để các đại lý, tổng đại lý, chuyển đổi sang nguồn cung khác và các cửa hàng sở hữu hoặc đồng sở hữu làm đại lý cho đầu mối khác.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tuoc-giay-phep-xang-dau-bat-nhat-dinh-tinh-chua-cong-bang-d565305.html